Bài dự thi – Tôi đến với Sài Gòn với hai bàn tay trắng, tôi học tập, tìm kiếm việc làm và xây dựng gia đình ở mảnh đất thân yêu có rất nhiều những điều tử tế này.
Không chỉ là những bài học trên giảng đường hay điều mà ta đọc trong sách vở, lòng tử tế nằm trong mọi ngóc ngách sâu thẳm của cuộc đời. Và trong mùa dịch bệnh, nó được tìm thấy trong cách cư xử mẹ con cô làm thuê, anh bán rau… chân lấm tay bùn.
1.
Hôm rồi được theo chân đội quân tình nguyện đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn, tôi xúc động khi nhìn thấy bữa ăn đạm bạc của những người nghèo ở Sài Gòn. Đôi khi, những món ăn đơn giản như mì gói, bánh mì hoặc một vài quả trứng luộc ăn cùng cơm trắng cũng đủ làm họ no lòng, an tâm cho một ngày mới.
Tôi biết có nhiều bếp ăn do các nghệ sĩ khởi xướng đã được thành lập, hỗ trợ hàng ngàn suất ăn cho người dân đang gặp khó khăn. Trong đó, “Bếp ăn Thương Sài Gòn” là bếp cơm do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức cùng sự đồng hành của nhiều nghệ sĩ, tình nguyện viên, các nhà hảo tâm. Hay bếp ăn do Câu lạc bộ Suối mát từ tâm và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với sự tham gia của Hoa hậu Tiểu Vy, Á hậu Kiều Loan, Phương Anh, Ngọc Thảo chung tay, góp sức… đã phát hơn 1.500 suất ăn vào trưa và chiều mỗi ngày. Bếp ăn này tập trung hỗ trợ các nhân viên y tế, lực lượng làm nhiệm vụ truy vết các trường hợp F1, F0, người dân tại các điểm cách ly, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ bữa cơm cho xe ôm công nghệ…
Em gái tôi tham gia nhóm từ thiện Hoa Tâm mỗi ngày nấu đến 1.200 phần ăn, các tình nguyện viên phải chuẩn bị, nấu nướng liên tục từ sáng đến chiều. Những bữa ăn được các tình nguyện viên chăm chút từng công đoạn từ nấu nướng, đóng gói bao bì cho đến khi chuyển tận tay người dân ở một số khu cách ly, những người lao động tự do đang gặp khó khăn.
2.
Em vợ tôi là bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch còn cho biết Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM với số lượng tình nguyện viên tham gia chế biến 4.000 suất ăn/ngày, giao động từ 25 đến 30 người vẫn ngày đêm đỏ lửa. Mỗi ngày, các tình nguyện viên thay nhau làm các công việc như bắc bếp, rửa rau củ, hấp cơm, nấu thức ăn, sau đó chia thành các phần ăn.
50 phần ăn được gom thành một túi, chờ các đơn vị đến nhận. Bếp ăn cung cấp suất ăn cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Trưng Vương, các khu phong tỏa, cách ly, các mái ấm, ký túc xá… ở nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố như quận 10, quận 8, quận Bình Thạnh, Tân Phú và Bình Tân… Riêng các suất ăn tại Bệnh viện Trưng Vương được làm để cung cấp cho các bệnh nhi mắc Covid-19.
3.
Nơi tôi ở có nhiều hộ gia đình, nhiều quán ăn, nhà hàng tự thân vận động nhau góp tiền nấu cơm chay phát cho những hộ nghèo và người bán vé số, xe ôm, người yếu thế ở khắp các quận huyện. Không quá khó để thấy trên các con đường, ngõ nhỏ hay giữa trung tâm TP, ngày ngày đều có vô vàn suất cơm, thùng nước, tủ bánh mì miễn phí trên đường, hay những cây ATM gạo miễn phí, siêu thị – cửa hàng 0 đồng, điểm sửa xe, quán ăn miễn phí cho người nghèo và người khuyết tật, mô hình “xe cơm di động miễn phí”, “chuyến xe nghĩa tình”…
Nếu chỉ mường tượng thành phố này bằng sự phồn thịnh thì chắc chắn bạn chưa hiểu thấu Sài Gòn. Đâu đó giữa đô thị này là biết bao mảnh đời khốn khó tứ xứ đổ về. Họ đến Sài Gòn, chọn mảnh đất này để mưu sinh, an cư và lập nghiệp, và trở thành một phần không thể thiếu của thành phố này.
Ai từ xa đến, ai ở lâu ngày tại Sài Gòn đều bảo mảnh đất này bao dung, người Sài Gòn trượng nghĩa. Đặc biệt là thời khắc này, người Sài Gòn lại càng tử tế hơn bao giờ hết. Họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, cho đi của cải vật chất, động viên tinh thần thậm chí hi sinh cả an toàn cá nhân, tham gia vào những công việc thiện nguyện chỉ nhằm mục đích duy nhất là đẩy lùi nhanh chóng dịch bệnh.
Tất cả hành động trượng nghĩa giữa cơn đại dịch đều xuất phát từ nhiệt tâm, từ tinh thần không vụ lợi, với mong muốn cho càng nhiều càng tốt. Ai cũng thầm nhủ cho đi là nhận lại, cho đi để không một ai ở Sài Gòn phải nhịn đói, dù chỉ một ngày.
4.
Câu chuyện về lòng nhân ái giữa Sài Gòn mùa dịch là câu chuyện của biết bao phận người, cả người giàu lẫn người nghèo ở Sài Gòn. Bất luận thế nào, tôi vẫn duy trì một tâm thế an tĩnh để tiếp tục công việc thiện nguyện, truyền đi những năng lượng tích cực nhất giữa đại dịch này. Sài Gòn vẫn còn những tấm lòng thơm thảo, tình yêu thương vẫn sẽ lan tỏa khắp thành phố này.
Sài Gòn đón mùa mưa năm nay không phải bằng những thông tin về triều cường, đỉnh lũ hay các tuyến phố ngập trong biển nước. Mùa mưa này, người dân Sài Gòn có mối bận tâm khác lớn hơn: Đại dịch Covid-19. Từ một vài điểm nóng ban đầu như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Covid-19 đã lan sang rất nhiều tỉnh thành trên cả nước, trải dài từ Bắc tới Nam. Những thành phố lớn tiến hành giãn cách xã hội, hạn chế người ra đường, thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt.
Dẫu phố giăng dây, nhưng chẳng thể ngăn lòng người nối liền một khối. Dẫu còn lắm điều chưa thể vừa lòng hợp ý mọi người, nhưng chỉ cần sự đồng lòng nỗ lực, chúng ta sẽ vượt qua cơn đại dịch này bằng chính câu chuyện bó đũa mà ngày nhỏ mỗi người từng được dạy.
Hải Đăng
(đường Đặng Thùy Trâm, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Nhằm góp sức lan tỏa những điều tích cực, kiến tạo năng lượng an vui trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp hiện nay, Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Mây Thong Dong phối hợp cùng Công ty Cổ phần Rừng Xanh Mãi – đơn vị sở hữu thương hiệu nhang Bảo Trầm tổ chức cuộc thi viết “Chuyện tử tế mùa Covid-19”, với tổng giải thưởng 22 triệu đồng. Mời bạn xem thể lệ cuộc thi và cùng tham gia.