(MTD) Thực phẩm, thái độ sống và mức vận động thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ miễn dịch của chúng ta, giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia về chế độ ăn, thái độ sống và vận động giúp duy trì sức đề kháng khỏe mạnh cho cơ thể:
1 – Dành thời gian cho sự an tĩnh
Stress kinh niên có thể tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch của chúng ta, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và dị ứng học Tania Elliott (New York) cho biết.
Để giúp giải tỏa khỏi căng thẳng và áp lực mỗi ngày, bạn hãy dừng lại 2 phút trong ngày chỉ để thở và tập trung vào hiện tại.
Thiền hoàn toàn có thể giúp ích. Bạn cũng có thể thử “câu thần chú” sau: “Không có quá khứ, không có tương lai, chỉ có hiện tại này”.
2 – Cười thường xuyên
Cách khác giúp giải tỏa căng thẳng và thư giãn là cười nhiều hơn.
Tìm niềm vui và mỉm cười vì niềm vui đó; sự thực hành này cũng giúp đánh bại stress và một số bệnh tật – theo Bệnh viện Mayo.
3 – Hát bài hát yêu thích
Một nghiên cứu của Đức cho thấy ca hát giúp kích hoạt lá lách, giúp tăng mức tập trung máu của các kháng thể và thúc đẩy hệ miễn dịch.
Nếu không thích hát, bạn có thể thưởng thức bài hát yêu thích, điều này cũng có lợi cho sức khỏe của bạn.
4 – Bổ sung nấm vào chế độ ăn
Nấm được xem là thực phẩm quý của vùng Viễn Đông từ hơn 2.000 năm trước đây. Ngày nay, các chuyên gia công nhận thêm nhiều lợi ích của nấm ở góc độ dược tính; đặc biệt là đối với hệ miễn dịch của chúng ta.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy nấm hương có thể giúp cải thiện các tế bào T và giảm viêm nhiễm, giúp cơ thể khỏe mạnh.
5 – Tích cực vận động
Một cách hữu hiệu giúp thúc đẩy khả năng đề kháng chính là dịch chuyển. Vận động và thể dục có thể làm thay đổi các kháng thể và tế bào bạch cầu của cơ thể, giúp đánh bại bệnh tật và viêm nhiễm – theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ.
Có thể dễ dàng tích hợp vận động một cách đơn giản từ các hoạt động hàng ngày như dạo bộ hay đi tới đi lui khi nghe điện thoại, trong cuộc họp hay thực hiện một số động tác vận động khi xem ti vi.
6 – Luyện tập, nghỉ ngơi cân bằng
Luôn dành ra vài ngày nghỉ ngơi để phục hồi cơ thể trong lịch luyện tập để bảo tồn sức khỏe hệ miễn dịch.
Và quan trọng hơn, bạn cần ngủ đầy đủ vào ban đêm để giúp cơ thể hồi phục từ các căng thẳng thể chất và tinh thần.
7 – Đừng để cơ thể bị lạnh
Nếu cơ thể bị lạnh, bạn sẽ dễ dàng bị cảm. Một số nghiên cứu cho thấy các tế bào miễn dịch không thể chiến đấu mạnh mẽ với virus khi chúng ta bị lạnh.
8 – Đừng bỏ qua tỏi, củ hành, nghệ
Cho thêm tỏi và củ hành vào các món canh, hầm,… để tăng cường nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa và các thành phần kháng viêm cho cơ thể.
Nghệ và các gia vị cay trong món cà-ri cũng chứa nhiều thành phần chống oxy hóa, giúp đẩy lùi bệnh tật.
9 – Bổ sung các thực phẩm giàu quercitin
Ngoài các thực phẩm có chứa thành phần kháng viêm nhiễm và chất chống oxy hóa; rau củ quả cũng chứa quercitin.
Quercitin là một loại sắc tố thực vật hay flavonoid giúp thúc đẩy sức đề kháng và đóng khóa histamine – hóa chất phóng thích khi bị dị ứng và viêm nhiễm, gây ra mẫn đỏ và vết bầm.
Cải xoăn, cà chua, bông cải xanh, măng tây tươi, việt quất,… có hàm lượng quercitin cao.
10 – Gừng là thực phẩm tốt cho đề kháng
Gừng nằm trong số các thực phẩm kháng viêm nhiễm. Cho gừng tươi vào nước sôi, xông nước gừng nóng đang bốc hơi giúp giảm viêm nhiễm cho phổi và viêm xoang.
11 – Tránh cồn
Cồn làm rối loạn sức khỏe và phá hủy giấc ngủ của chúng ta. Giấc ngủ bị ảnh hưởng thì sức đề kháng cũng yếu theo.
Nghiện rượu có thể làm cản trở việc sản xuất một số tế bào máu, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Trần Trọng Hiếu (theo Reader’s Digest)