Bài dự thi – Những ngày này, cả nước đang hướng về TP.HCM và các tỉnh miền Nam, nơi mà chính quyền và nhân dân đang trải qua những thời khắc khó khăn để phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng “chia lửa” với TP.HCM, ngày 12-7-2021, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam gồm 39 người, là bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên có kinh nghiệm đã lên đường tham gia chống dịch. Toàn bộ đoàn đều đã tiêm vaccine phòng Covid-19 tối thiểu 1 mũi.
Khi vào TP.HCM, đoàn được tăng cường tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, đóng tại TP.Thủ Đức. Trong số những y bác sĩ đi lần này, đã có người có kinh nghiệm điều trị những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 từ lần bùng dịch vào tháng 8-2020, một số ít là trải nghiệm đầu tiên. Tuy vậy, họ không hề nao núng và bỡ ngỡ, nhanh chóng bắt nhịp và sắp xếp công việc cũng như cuộc sống trong Bệnh viện dã chiến một cách nhanh nhất.
Trong những ngày tình hình dịch bệnh căng như dây đàn, TP.HCM chưa bao giờ phải đón nhận một đợt dịch mà tốc độ lây lan nhanh chóng và có nhiều ca nhiễm liên tục xuất hiện đến như vậy. Nhiều bệnh viện dã chiến ở thành phố được dựng lên đã ngay lập tức kích hoạt và tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch cũng như tập trung toàn lực chuẩn bị khu điều trị cách ly riêng biệt cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng.
Có lẽ những ngày vừa qua sẽ là những ngày không thể quên đối với đoàn y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại TP.HCM. Đó là những ngày mẹ phải xa con, vợ xa chồng…, nén lại những tình cảm ruột thịt để tập trung cho “cuộc chiến”, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc là đánh thắng đại dịch Covid-19.
Mỗi ngày tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid- 19 số 1 đã đón hàng trăm ca dương tính vào điều trị. Ngoài điều trị các ca nhiễm SARS-CoV-2, các y bác sĩ ở đây còn điều trị với các bệnh nền, như: bị đái tháo đường, cao huyết áp,… Trong quá trình điều trị, các y bác sĩ phải thường xuyên nói chuyện, tâm tình qua điện thoại để động viên bệnh nhân, vững niềm tin chiến thắng bệnh tật. Đội ngũ thầy thuốc phải hội chẩn liên tục, nỗ lực điều trị. Kết quả, nhiều bệnh nhân diễn tiến tốt dần lên và có hàng chục bệnh nhân được điều trị khỏi SARS-CoV-2.
Chỉ có ai ở trong tuyến đầu mới thấu hiểu những hy sinh thầm lặng của họ. Không kể thời gian ngày hay đêm, mở mắt các y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 đã mang quần áo bảo hộ để chuẩn bị bắt đầu công việc một ngày của mình. Từng lớp áo quần, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt… được mọi người thuần thục mang lên người một cách cẩn thận. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng mình đang bước vào một trận chiến thực sự. Chỉ cần một thao tác sai, bộ đồ bảo hộ bị rách hoặc bị hở thì nguy cơ xâm nhập của virus vào cơ thể mình rất cao.
Công việc của các điều dưỡng từ đầu buổi sáng là đem đồ ăn sáng và đo mạch, nhiệt độ, huyết áp cho các bệnh nhân rồi tổng hợp báo lại cho bác sĩ; đồng thời phát thuốc, lấy nước, đồ dùng cá nhân cho họ. Các bác sĩ sau khi đi buồng thăm khám sẽ bổ sung thêm chỉ định cần thiết, nếu bệnh nhân cần siêu âm chụp chiếu sẽ chuẩn bị máy kéo đến tận giường bệnh để thực hiện. Sau khi đi buồng, họ sẽ ra phun khử khuẩn toàn bộ cơ thể. Cứ tưởng là đơn giản nhưng nguy hiểm luôn rình rập vì không biết lây nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân khi nào.
Điều dưỡng Hoàng Thị Ánh Tuyết là một trong số y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đang làm nhiệm vụ tại đây đã không giấu được nước mắt khi kể về những đồng nghiệp trẻ như chị phải xa con nhỏ. Chị và các đồng nghiệp chưa bao giờ được ngủ một giấc quá 3-4 tiếng, giấc ngủ chập chờn, tranh thủ xong công việc rảnh lúc nào là ngủ lúc đó cho dù đó là dưới góc cầu thang bệnh viện.
Chị kể, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn trăm bệnh nhân, ăn uống không có giờ giấc vì khi vào trong chăm sóc bệnh nhân từ sáng cho tới trưa, nên bữa trưa ăn luôn bữa sáng là chuyện thường ngày.
“Làm rất vất vả, bệnh viện 4 tầng không có thang máy phải đi cầu thanh bộ. Đang khám bệnh mà có ca diễn biến là khiêng từ tầng 4 xuống tầng 1 cấp cứu”, điều dưỡng Tuyết kể.
Cực nhất là mặc đồ bảo hộ là mỗi lần tra tấn vì rất nóng, chỉ vài phút sau khi mặc là người đã ướt mồ hôi. Mỗi lần cởi đồ bảo hộ, mồ hôi ra như vừa tắm xong. Những ca bệnh ngoài bị nhiễm SARS-CoV-2 thì còn mắc bệnh nền như đái tháo đường, cao huyết áp, suy thận… Trong bệnh viện không cho người nhà vào thăm chăm sóc. Vì thế các điều dưỡng ở đây đảm luôn việc chăm sóc cho bệnh nhân từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân.
Đối với chị Tuyết, công việc đó xuất phát từ “Lương y như từ mẫu”, mệnh lệnh của trái tim. Chị tâm sự: “Các y bác sĩ dường như không cho phép mình sợ hãi trước dịch bệnh. Khi đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng thì lương tâm và trách nhiệm đặt lên hàng đầu. Tất cả vì người bệnh”.
Mặc dù rất nhớ con nhưng khi nhắc đến chị Tuyết lại gạt nước mắt. Chị kể trước khi dịch bùng phát trở lại và được lệnh tăng cường vào TP.HCM, đã gửi 2 con về quê Hà Nam cho bà nội chăm sóc. Thời gian này chị ở bệnh viện dã chiến chăm sóc và điều trị bệnh nhân dương tính SARS-Co-V2. Khi gọi điện qua video về quê, nhìn thấy mặt con, nỗi nhớ con lại dâng lên tột cùng, “ước chi mình ở gần con lúc này mà ôm con vào lòng cho thỏa nỗi nhớ thương”.
Mỗi lần nói chuyện với con qua điện thoại và con hỏi: mẹ ơi khi nào mẹ về, con nhớ mẹ lắm, nước mặt chị cứ trào ra. Câu hỏi chị không thể trả lời được vì chính chị cũng không biết khi nào mình được về, khi nào xong nhiệm vụ các y bác sĩ mới trở về bên gia đình. “Mong muốn lớn nhất là dịch qua đi, sau đó mình được về nhà. Chưa bao giờ xa con lâu như thế này”, chị Tuyết chia sẻ.
Theo guồng quay công việc, người bệnh đang rất cần đội ngũ y tế, vì thế mỗi y bác sĩ làm việc quên hết mệt nhọc. Đến thời điểm này sức khoẻ của các y bác sĩ trong đoàn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam ổn định tâm lý, sức khỏe tốt. Được chính quyền TP.HCM quan tâm chu đáo; người dân thành phố quan tâm hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần như tiếp thêm sức mạnh để đoàn tiếp tục cống hiến. Với lương tâm của người thầy thuốc, khi Tổ quốc cần đội ngũ y tế không được phép đặt mình ngoài cuộc chiến này. Tất cả cùng TP.HCM và cả nước đầy lùi, tiến tới khống chế và dập tắt dịch bệnh Covid-19.
Chỉ bấy nhiêu thôi, chúng ta cũng đã hiểu một phần nào công việc của những “chiến binh áo trắng” đang túc trực từng giây phút trong các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM. Trân quý những đóng góp của lực lượng y bác sĩ, những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch, những người hy sinh thầm lặng sẵn sàng gác lại mọi hạnh phúc riêng tư bất chấp nguy hiểm, gian khổ để dấn thân vào “tâm dịch”, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Và đọng lại đằng sau tất cả chính là nụ cười, niềm tin của họ – những blouse trong tâm bão Covid-19.
Lê Thị Thu Thanh
(Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị)
Nhằm góp sức lan tỏa những điều tích cực, kiến tạo năng lượng an vui trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp hiện nay, Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Mây Thong Dong phối hợp cùng Công ty Cổ phần Rừng Xanh Mãi – đơn vị sở hữu thương hiệu nhang Bảo Trầm tổ chức cuộc thi viết “Chuyện tử tế mùa Covid-19”, với tổng giải thưởng 22 triệu đồng. Mời bạn xem thể lệ cuộc thi và cùng tham gia.