(MTD) Trên báo chí và mạng xã hội, từ trưa 28-9, tràn ngập những lời tiễn biệt, thương tiếc dành cho ca sĩ Phi Nhung, người vừa qua đời vì Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Mây Thong Dong trích một số chia sẻ, tình cảm ấy:
Về đâu giữa mộng không lời,
Tiếng ca ai níu bên đời sắc không,
Xa vời cánh nhạn bên sông,
Án nga nga nẵng phiêu bồng khói mây.
Duyên tình ai trả ai vay?
Tấm thân đào liễu tháng ngày bôn ba.
Thôi thì nhận hết về ta,
Bao cay nồng giấc mơ hoa thuở nào.
Về đâu giữa ngọn sóng trào,
Ai đem hơn thiệt gửi vào hư vô.
Tiếng ru bên cửa đợi chờ.
Vấn vương đôi mắt trẻ thơ phận mình.
Lời ca từ tạ ân tình,
Cho thân cát bụi hoá sinh muôn trùng.
Ba la yết đế thuyền không,
Còn ai lạc chốn bụi hồng chiêm bao…
Thích Thanh Thắng
Thả mây về trời…
PHI nữ anh thư tâm diệu thiện
NHUNG thanh hòa sắc phát kỳ hương
(Kỷ niệm lần gặp Chị năm 2020)
Trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của trường đại học Stanford, năm 2005, Steve Jobs đã từng nói: “Không ai muốn chết. Thậm chí những người muốn được lên thiên đàng cũng không muốn chết để được lên đó. Nhưng cái chết lại là nơi mà chúng ta đều phải đến, không ai trốn thoát được. Vì vậy, cái chết là sự sáng tạo vĩ đại nhất của con người trong cuộc sống này… Tôi xin lỗi vì phải nói ra điều này nhưng đó là sự thật”.
Tương tự, theo triết học Phật giáo, người chết như một hạt lúa, gieo xuống đất để nẩy những mùa vàng, do đó chết không có nghĩa là điểm dừng của cuộc sống, mà ngược lại chết là giai đoạn bắt đầu của sự sinh sôi nảy nở. Cái chết như vậy đã biến thành sự phục sinh và nỗi thống khổ đã biến thành niềm vui. Luân hồi, tái sinh chẳng qua là một quá trình hoàn thiện của cuộc sống.
Ở góc nhìn khác, triết học của Lão Tử, sự sống là do tạp chất của trời đất hòa quyện mà có. Nó đến rồi lại đi như bốn mùa của trời đất vậy, đó là mây của trời xin hãy để gió cuốn đi,…
Chưa biết thiên đàng như thế nào, nhưng mình tin có một nơi mà người như chị sẽ đến và tồn tại mãi. Nơi đó không ở tận cùng thế giới, cũng không phải là một vùng đất xa xôi đầy bí ẩn. Nó ở rất gần, gần đến mức chúng ta có thể cảm nhận đến từng nhịp đập của nó. Thật vậy, đó chính là Trái Tim, nơi hình ảnh của Chị sẽ tồn tại trong lòng công chúng.
ThS Nguyễn Hiếu Tín
(Trường ĐH Tôn Đức Thắng)
Tối nay, 28-9-2021, dưới sự chứng minh của Thượng tọa Thích Nhật Từ, Tăng đoàn chùa Giác Ngộ (92 Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP.HCM) tổ chức lễ tưởng niệm, cầu siêu cho ca sĩ Phạm Phi Nhung (Pháp danh Tịnh Bình), hưởng thọ 51 tuổi. Tại đây, chư Tăng thực hiện nghi thức tâm linh cầu siêu cho ca sĩ Phật tử Tịnh Bình, đọc tụng bài kinh “Thực tập vô ngã” nhằm nhắc nhở về việc thân người là giả tạm.