(MTD) Người ta thường hay ví thân này là “thân tứ đại”(địa, thủy, hỏa, phong). Nhưng nói “thân tứ đại” là cách nói gọn chỉ cho cái thân vật chất thôi, chứ không phải thân này chỉ do 4 đại kia cấu tạo nên.
Đất biểu thị cho chất rắn, nước biểu thị cho chất lỏng, lửa, biểu thị cho chất nóng, và phong biểu thị cho chất khí. Đây cũng là 4 loại cấu tạo vật chất phổ biến trong thế giới này và có trong sinh thể muôn loài.
Nhưng nói tứ đại không thôi, thì trong con vật cũng có thân tứ đại. Vì vậy trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rõ thân này là thân thất đại: địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức.
5 đại đầu (đất, nước, gió, lửa, không) duyên khởi cho sự xuất hiện của núi, sông, cây cỏ, vạn vật, gọi là vô tình chúng sinh.
Kiến đại, thức đại hoà hợp tương quan với 5 đại trên thì sinh ra chúng sinh có tri giác, gọi là hữu tình chúng sinh.
Nhưng kiến đại và thức đại không phải chúng sinh hữu tình nào ra đời cũng có đầy đủ. Trên phương diện giác ngộ, nói đến kiến đại là nói đến cái thấy tương quan không thể tách rời của các đại kia. Nói đến thức đại là nói về khả năng phân biệt các pháp không lẫn lộn.
Như vậy, suy cho cùng thất đại là Tâm và Pháp tương quan không thể tách rời nhau. Có tâm là có ngã chấp (cái tôi) và pháp chấp (cái của tôi). Tâm là chủ thể, cái biết, pháp là đối tượng, cái được biết, nhưng vì tương quan duyên khởi nên nó cũng vừa là chủ thể vừa là đối tượng của nhau. Bảy đại phải cùng hoà hợp thì Tâm và Pháp mới có mặt trong nhau.
Mỗi thứ định nghĩa, phân biệt được thì gọi là một pháp. Cho nên dù có sinh ra hình tướng vạn pháp thì không loài nào lẫn với loài nào, và họ có thể chỉ ra đặc tính sinh học của từng loại không thể lẫn lộn. Hoa hồng khác hoa mai, con báo khác con hổ, con mèo…
Nhưng kiến đại, thức đại cũng chẳng tự nhiên có mà phải duyên với 5 đại trên mà sinh ra, cho nên tánh không cũng chính là duyên khởi.
Bởi cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt… Tánh không không phải là không có gì, mà do sinh diệt tương tục nên nó không có ngã bất biến. Hoa mai không lẫn với hoa hồng, nhưng khi héo mục thì thành rác, bùn đất. Nhưng để thành rác hay bùn đất nào chỉ có hoa mai, vạn pháp khác cũng vậy, vì chứa sẵn tương quan của 5 đại, 7 đại.
Tâm pháp cùng có mặt trong nhau nơi 18 giới (6 căn, 6 cảnh, 6 thức), nhưng 18 giới này cũng là không, vì không có cái ngã độc lập, tách rời, bất biến.
Vì tương quan trùng trùng duyên khởi nên pháp vốn vô ngã, tức không tìm thấy một ngã như nguyên nhân đầu tiên sinh ra muôn loài. Vì nếu có chủ tể sinh ra muôn loài, thì cái gì sinh ra chủ tể ấy.
Nhưng mỗi pháp do duyên sinh hoà hợp tạo thành nên trong trong vô ngã vẫn thấy có ngã (giả tướng) để phân biệt, cân đong, đo đếm. Nhưng cái ngã có hình tướng phân biệt được kia chỉ là hư vọng, không thật, sinh không thật sinh, diệt không thật diệt. Nên cái có ấy chẳng khác gì cái không vì nó chỉ là tạm có, cái không kia chẳng khác gì cái có vì nó chỉ làm tạm không. Như cái cây chặt xuống phơi khô thành củi, củi đốt thành tro, tro trộn vào đất thành phân bón cho cây…
Bóng dáng của tánh không cũng vận hành ở nơi duyên khởi. Nhìn vào duyên khởi thì sàng lọc dần ngã chấp và pháp chấp, từ đấy khởi tâm đại bi đối với muôn vật muôn loài.
Kinh Lăng Già Tâm Ấn viết:
“Thế gian lìa sanh diệt,
Như hoa đốm hư không,
Trí chẳng thấy có, không,
Mà khởi tâm đại bi.
Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa nơi tâm thức,
Trí chẳng thấy có, không,
Mà khởi tâm đại bi.
Xa lìa chấp đoạn thường,
Thế gian hằng như mộng,
Trí chẳng thấy có, không,
Mà khởi tâm đại bi”.
Chúng sinh và Phật như giọt nước đi cùng dòng sông…
Thích Thanh Thắng