(MTD) Tình yêu không có sự cảm thông, thấu hiểu là một tình yêu chết. Khi đó, hai người sẽ không tìm được tiếng nói chung và tìm những cách thức để áp đặt, ép buộc người ấy phải làm theo ý mình. Rất có thể, bạn đã trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của tình trạng bạo lực hẹn hò mà không hay biết?
Bạo lực hẹn hò là gì?
Là khi một người thể hiện quyền lực và kiểm soát đối với người còn lại bằng cách sử dụng hoặc đe dọa sử dụng các hành vi bạo lực mặc dù cả hai chỉ mới đang trong thời gian tìm hiểu và chưa kết hôn.
Khi nhắc đến tình yêu, sắc màu đầu tiên mọi người nghĩ đến là gam màu hồng nhẹ nhàng, thư thái. Tất cả chúng ta đều ham muốn tình yêu vì những khoảnh khắc, cảm xúc đẹp đẽ khi được ở bên người ấy. Vậy sẽ thế nào nếu mối quan hệ yêu đương của bạn không còn mang… sắc hồng nồng thắm mà chuyển sang sắc đỏ của nỗi đau?
Các hành vi bạo lực có thể là:
1. Bạo hành thân thể: Tác động vật lý với ý định làm tổn thương hoặc gây ra thiệt hại trên thân thể của người yêu (tát, cắn, xô đẩy, cào cấu, bóp cổ, đấm, đá, rứt tóc…).
2. Bạo lực lời nói: Lời nói, ngôn ngữ được dùng với ý định làm tổn thương hoặc gây ra thiệt hại đến tinh thần, danh dự của người yêu (sỉ nhục, chửi mắng, la hét, xúc phạm danh dự…).
3. Bạo lực tinh thần: Những hành vi làm tổn hại đến phẩm giá, nhân phẩm của người yêu (phớt lờ sự có mặt, kiểm soát gắt gao, bắt phải báo cáo khi đi ra ngoài, hạn chế giao lưu với người khác, ghen tuông mù quáng, đùa ác ý về thói quen, sai sót, cố tình làm người yêu xấu hổ về bản thân, coi thường người yêu, gia đình người yêu…).
4. Bạo lực tình dục: Những hành vi ép buộc, quấy rối nhằm mục đích thực hiện hành vi tình dục khi chưa có sự đồng ý của người yêu (dùng bạo lực để ép đối tác quan hệ, quay trộm, chụp lén, ép tham gia loại hình quan hệ không mong muốn…).
5. Bạo lực kinh tế: Dùng kinh tế để ép buộc, cưỡng chế nhằm mục đích khiến người yêu bị phụ thuộc, không còn khả năng độc lập (ngăn cản người yêu đi làm bên ngoài, quản lý tài chính của người yêu, dùng tiền để ép người yêu làm những gì mình muốn như quan hệ, phục tùng…).
6. Bạo lực công nghệ thông tin: Những hành vi kiểm soát sự tương tác trên mạng xã hội của người yêu (lấy mật khẩu tài khoản Facebook, Email, Instagram,…của người yêu, giới hạn liên hệ, ép xóa số điện thoại, hủy kết bạn những người mình không thích, kiểm tra nội dung cá nhân, đọc trộm tin nhắn, kiểm tra tất cả các lượt like, bình luận, share của người yêu,…).
7. Bạo lực giới tính: Những hành vi, thái độ phân biệt đối xử người yêu vì lí do giới tính (áp đặt phụ nữ phải làm bếp núc, không được làm việc ở bên ngoài, không cần học nhiều, là “máy đẻ”…; áp đặt đàn ông không được thể hiện cảm xúc, không được làm chuyện bếp núc, việc nhà, phải có chí lớn…).
8. Đeo bám sau chia tay: Những hành vi truy đuổi dai dẳng, kể cả ngoài đời thật và trên mạng xã hội, nhằm khiến người yêu cũ phải quay lại với mình (gửi thư nặc danh, thuê người theo dõi, gọi điện quấy rối, đe dọa tự tử, tung tin đồn, theo dõi…).
Ảnh hưởng của bạo lực hẹn hò
Nạn nhân của bạo lực hẹn hò sẽ có những dấu hiệu tiêu cực như lòng tự trọng thấp, có các triệu chứng trầm cảm, các rối loạn tâm thần, lạm dụng thuốc, thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn và kết quả học tập, làm việc giảm sút. Mức độ bạo lực càng gay gắt, thì mức độ gặp các chứng rối loạn tâm thần nặng ở các nạn nhân càng lớn.
Vậy, bạn có phải là nạn nhân hay thủ phạm của “bạo lực hẹn hò”? Với tác hại tiêu cực như vậy, dù ở trạng thái nào, các hành vi bạo lực hẹn hò không nên được sử dụng, hay xảy ra trong một mối quan hệ yêu đương.
Nguồn: Song Yến
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn