Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

NAM PHƯƠNG Hoàng hậu & Những câu chuyện ít biết (Phần IV)

Nam Phương hoàng hậu ghen

Cựu hoàng Bảo Đại sau khi thoái vị, ông đã ra Hà Nội theo lời mới của Hồ Chủ tịch để Công dân Vĩnh Thụy làm Cố vấn. Ra tới Hà Nội, Cụ Hồ đã ra lệnh cho nhân viên Chính phủ lo đầy đủ nhà ở, người giúp việc cho ông Vĩnh Thụy, và cũng cung cấp một số tiền cho cựu hoàng tiêu xài. Nhưng với thói quen của Vĩnh Thụy thì tiền bạc triệu cũng không đủ vì Vĩnh Thụy ham ăn chơi, hơn nữa lúc đó Vĩnh Thụy đã ra Hà Nội “ngồi chơi xơi nước”, lại không có vợ bên cạnh nữa. Phải nói trước năm 1945, khi còn ngồi ngai vua, Bảo Đại tỏ ra rất trung thành với bà Nam Phương. Đi đâu nghỉ mát, hay đi câu cá ở Lăng Cô, lên Bạch Mã nghỉ hè cũng có bà Nam Phương đi cùng. Thời gian này, Bảo Đại còn giữ lời thề hứa không bao giờ có thứ phi và giữ trọn đạo một vợ một chồng như bà Nam Phương đã yêu cầu trước khi cưới.

Thời gian đầu cách mạng còn thiếu đủ thứ, nhất là tiền bạc trả nhân viên chính phủ, cán bộ, vì cần nhất là cần tiền mua súng đạn để sửa soạn chống Pháp gây hấn trở lại. Vì vậy, để có thêm tiền tiêu xài Bảo Đại đã phải nhờ vào tiền trợ cấp của mấy nhà triệu phú loại “buôn vua”, như ông Mai Văn Hàm, Lưu Đức Trung.

Theo hồi ký của cụ Phạm Khắc Hòe đã kể: Có một buổi tối bất ngờ thấy Vĩnh Thụy lái xe tới nơi ông ở và ngồi ở trong xe bóp còi có ý muốn gọi gia chủ. Ông Hòe thấy khách “quý ” tới nhà bất ngờ nên vội vàng ra mở cổng để mời Cố vấn vào nhà. Nhưng Cố vấn Vĩnh Thụy bảo ông Hòe lên xe ngồi để nói chuyện cho tiện. Ông Hòe lên xe ngồi bên cạnh, nghe Vĩnh Thụy khẽ nói:

– Hôm ra đi tội chỉ mang theo có một nghìn bạc, nay tiêu hết cả rồi. Tôi muốn nhờ ông về Huế đưa cái thư này cho “Ngài Hoàng” (tức Nam Phương – PTL) để lấy một ít tiền đưa ra cho tui.

– Nay tôi đã là nhân viên Bộ Nội vụ, phải được Bộ Nội vụ cho phép tôi mới đi được.

Nhưng Vĩnh Thụy nói:

– Ông làm việc không lương thì cần gì phải xin phép.

Ông Hòe trả lời:

– Theo ý tôi thì đây không phải là vấn đề “lương tiền” mà là vấn đề “lương tâm”. Nên nhất định phải được Bộ Nội vụ cho phép tôi mới đi được.

Vĩnh Thụy sốt ruột, sợ ông Hòe không chịu đi ngay nên thúc giục:

– Thì mai sớm ông đi xin phép đi là được. Tui chắc thế nào Bộ Nội vụ cũng để cho ông đi. Vậy ông cầm luôn cái thư này tui mới viết để mai được phép là ông đi ngay cho.

Ông Phạm Khắc Hòe chậm rãi nói:

– Hơn bảy giờ tối mai mới có tàu suốt. Sớm mai tôi xin được phép thì trưa mai lại lấy thư cũng còn thì giờ. Đến đây Vĩnh Thụy như tỏ vẻ không bằng lòng, nhưng không dám nói ra mà chỉ nói:

– Nhớ trưa mai ghé lại nhà tôi để lấy thư.

Ông Phạm Khắc Hòe chia tay Vĩnh Thụy rồi đi đến Bộ Nội vụ gặp ông Hoàng Minh Giám để trình bày câu chuyện Cố vấn Vĩnh Thụy nhờ ông về Huế để mang lá thư và lấy tiền. Ông Hoàng Minh Giám bảo ông Hòe:

– Anh có biết mọi chi phí về cơm nước, xăng dầu và tiền tiêu vặt… ở đằng nhà ông Vĩnh Thụy là do ai trả không?

Ông Hòe đáp:

– Tôi biết chứ. Chính Mai Văn Hàm đã khoe với tôi rằng hắn bao tuốt. Hắn hỏi tại sao không ở luôn đằng ấy mà ăn cho sướng… rồi hắn còn rỉ tai tôi có cần tiền không… Nhưng tôi lắc đầu.

Ông Hoàng Minh Giám hỏi:

– Thế sao anh không bảo hắn đưa thêm tiền cho Vĩnh Thụy xài?

Ông Hòe đưa ra ý kiến:

– Vì tôi nghĩ không nên để cho Vĩnh Thụy bị Mai Văn Hàm thao túng hoàn toàn. Vả lại theo tôi thì Vĩnh Thụy cũng còn biết tự trọng đến chừng mực nào đó.

Sau đó ông Hòe còn kể cho ông Giám nghe câu chuyện Vĩnh Thụy viết thư về cho Đức Từ nói là Hồ Chủ tịch thương Vĩnh Thụy như con.

Ông Hoàng Minh Giám nghe vậy cho đó là câu chuyện đáng quý và bảo ông Hòe nên tới báo cáo với Cụ Hồ rồi xin ý kiến Hồ Chủ tịch xem có nên đi hay không. Ông Hòe thì muốn đi một tuần lễ vào Huế nhân thể thăm gia đình luôn và đưa thư cho bà Nam Phương. Nhưng ông Giám thì muốn ông Hòe đi về sớm càng tốt vì ở Hà Nội còn nhiều việc bề bộn chưa giải quyết xong.

Ông Phạm Khắc Hòe sang dinh Chủ tịch và xin Hồ Chủ tịch cho tiếp ít phút. Hồ Chủ tịch khi đó đang bận tiếp khách, người ra người vào là Trung Quốc có, Anh có, Mỹ có.. họ tới lui không ngừng, hết người này ra người khác tiếp vào. Khi Hồ Chủ tịch tiễn họ ra cửa thì gặp ông Hòe đang ngồi đợi ở cửa phòng khách. Hồ Chủ tịch hỏi:

– Ông cần gì nào?

Sau đó Hồ Chủ tịch cầm tay ông Hòe dẫn vào phòng để hỏi chuyện. Ông Hòe cũng trình bày lại câu chuyện Cố vấn Vĩnh Thụy viết thư về Huế nói với Đức Từ là Hồ Chủ tịch thương Vĩnh Thụy như con, nhưng muốn có ít tiền đánh bài và tiêu vặt nên nhờ ông Hòe về lấy tiền ở bà Nam Phương. Hồ Chủ tịch biết gia đình ông Hòe còn ở lại Huế nên hỏi:

– Ông có muốn tiện về Huế để thăm vợ con không?

Ông Hòe sợ Hồ Chủ tịch không đồng ý cho đi vì lúc này ở Bộ Nội vụ còn bao nhiêu việc bề bộn, nên ông Hòe ngập ngừng thưa:

– Dạ, hiện chúng tôi còn làm dở một số công việc ở Bộ Nội vụ, không muốn đi Huế, nhưng nếu Cụ thấy nên đi thì chúng tôi cũng xin đi.

Hồ Chủ tịch không chấp nhận hẳn mà nói:

– Đi hay không là hoàn toàn tùy ý ông, miễn sao giữ được mối quan hệ tốt theo hướng tiến bộ giữa ông và ông Cố vấn. Ông còn vấn đề gì nữa không?

Nghe Hồ Chủ tịch nói vậy, ông Hòe xin cáo lui ra về.

Vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến triều Nguyễn

Ông Hòe ra về và cả buổi trưa đó cứ phân vân trong đầu không biết xử trí làm sao cho Vĩnh Thụy khỏi giận. Còn nếu làm Vĩnh Thụy hài lòng thì ông Hòe phải đi vào Huế để đưa thư và lấy tiền hộ Vĩnh Thụy. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho Vĩnh Thụy vào vòng trụy lạc trai gái, cờ bạc. Ông Hòe cũng suy nghĩ là hay ông cứ gặp Mai Văn Hàm rồi nói hết mọi chuyện là Vĩnh Thụy cần tiền. Nhưng biết đầu nói thật như vậy thì bọn đầu cơ sẽ chụp lấy để lén lút đưa tiền, đưa gái cho Vĩnh Thụy thì sao. Ông Hòe cũng suy nghĩ hay là cứ về Huế rồi nói hết mọi chuyện cho bà Nam Phương nghe và may ra bà viết thư khuyên Vĩnh Thụy bớt trụy lạc. Hoặc nếu có thể xin Cụ Hồ cho bà Nam Phương và các con ra Hà Nội ở cùng sẽ ngăn cản được Vĩnh Thụy chăng? Và ông còn nhớ có lần Hồ Chủ tịch đã ngỏ lời khéo khuyên Vĩnh Thụy là: Cố vấn nên bớt bớt chuyện trai gái đi, kẻo bên ngoài họ di nghị. Tuy Hồ Chủ tịch đã có lần khuyên Vĩnh Thụy như vậy, nhưng ông Vĩnh Cẩn và một số tay chơi cứ dắt Vĩnh Thụy đi tối ngày. Mà Bảo Đại không đi thì họ dắt gái tới cho Vĩnh Thụy.

Về nhà ông Hòe suy nghĩ nát óc để tìm cách đối phó với Vĩnh Thụy thì ông nghe thấy tiếng xe hơi chạy vào sân nhà và thấy Vĩnh Thụy mở cửa xe bước vội xuống. Ông Hòe ra sân đón Vĩnh Thụy vào, chưa kịp chào hỏi và nói câu gì thì Vĩnh Thụy đã hỏi:

– Chiều nay có đi được không?

Ông Hòe đành phải trả lời:

– Dạ được.

Vĩnh Thụy nét mặt đang tỏ ra buồn rầu bỗng tươi tỉnh hẳn lại, vội đưa tay vào túi lấy phong thư ra và nói:

– Ông cứ cầm thư này đưa cho “Ngài Hoàng”, và không cần nói gì thêm. Khi “Ngài Hoàng” đưa tiền thì ông cầm ngay mang ra cho tui, nếu sớm càng tốt.

Ông Hòe cầm phong thư đã dán kín. Vĩnh Thụy bắt tay ông Hòe và nói một câu tiếng Pháp có ý: Thế là tốt, chúc ông đi đường mạnh khoẻ và mau trở về.

Ngày 20 tháng 10 năm 1945, chuyến xe lửa từ ga Hàng Cỏ ở Hà Nội đã vào đến Huế. Đi đúng 24 giờ. Chuyến xe lửa này chở khách đi chơi hay buôn bán thì ít, nhưng chở bộ đội thì nhiều vì lúc này cần chở người vào chi viện cho mặt trận Nam bộ. Đây là cuộc Nam tiến, nên chuyến xe lửa này phải đi tốc hành cho mau và số chuyến cũng tăng gấp đôi.

Ông Phạm Khắc Hòe tới ga Huế thì trời đã tối nên ông phải nghỉ ở nhà mình, sáng hôm sau mới tới cung An Định gặp bà Nam Phương để trao thư. Sáng ngày 21 tháng 10, ông Hòe tới cung An Định để gặp bà Nam Phương. Khi tới đây thấy cổng đóng then cài không thấy bóng người. Ông Hòe gõ cửa rồi kêu nhưng chẳng thấy ai lên tiếng. Bỗng từ xa có tiếng chân người đi lại, thì ra bà Nam Phương vừa đi chợ hay đi nhà thờ về vì lại thấy bà về cùng với hai người một nam một nữ đi theo bà tay xách giỏ đồ ăn. Khi nhìn thấy ông Hòe, bà Nam Phương lên tiếng hỏi:

– Ông mới về à? “Hoàng đế” có khoẻ không?

Ông Hòe trả lời:

– Chúng tôi mới về tối hôm qua. Ông Cố vẫn khoẻ lắm và có thư cho Ngài.

Ông Hòe trả lời xong, thò tay vào cặp da lấy bao thư ra đưa cho bà Nam Phương. Bà Nam Phương nhận thư và gửi lời cám ơn rồi mời ông Hòe vào phòng khách uống nước để nói chuyện.

Vào phòng khách bà Nam Phương lịch sự xin lỗi ông Hòe mấy phút để bà bóc lá thư ra đọc xem ông Vĩnh Thụy nói gì và dặn điều gì. Ong Hòe thấy lá thư của Vĩnh Thụy viết bằng tiếng Pháp trên ba trang giây màu xanh. Ông Hòe cho biết khi bà Nam Phương đọc xong lá thư thì nét mặt bà ta buồn buồn, nước mắt như muốn trào ra. Trầm ngâm một giây lát, bà Nam Phương hỏi ông Hòe:

– Ông có biết ông Vĩnh Thụy cần tiền để làm chỉ và cần bao nhiêu không?

Ông Hòe không dám nói thật ông Vĩnh Thụy cần tiền để làm gì và cần bao nhiêu mà chỉ nói:

– Ông Cố vấn nói đưa thư này cho bà, không cần nói chi thêm. Ngài nói đưa bao nhiêu cũng nhận và đưa ngay ra. Càng sớm càng tốt.

– Thế ông định bao giờ trở ra Hà Nội?

– Chúng tôi định ngày mai ra. Xin Ngài viết thư và chuẩn bị tiền, bốn giờ chiều nay tôi sẽ trở lại nhận.

Nghe ông Hòe trả lời vậy, bà Nam Phương đứng ngay dậy bắt tay chào ông Hòe. Ông Hòe khẽ liếc nhìn thấy khoé mắt bà Nam Phương có giọt lệ chảy ra, và bà ta nói:

– Thôi! Hẹn bốn giờ chiều nay.

Ông Hòe cho biết đây là lần đầu tiên thấy bà Nam Phương đưa tay cho một người đàn ông bắt, còn trước đây chỉ thấy bà đưa tay ra cho người ta cúi xuống đỡ và hôn tay, dù đối với viên Toàn quyền, Khâm sứ và mấy ông Thượng thư….

Đúng bốn giờ chiều y hẹn, ông Hòe trở lại cung An Định để gặp bà Nam Phương lấy thư xem bà ta có dặn dò thêm gì không. Tới nơi trông thấy bà Nam Phương đang buồn thiu. Nhưng khi trông thấy ông Hòe đến thì bà ta đứng dậy và làm ra vẻ vui mừng, đưa tay ra bắt tay ông Hòe, rồi mời ông Hòe ngồi nói chuyện. Bà Nam Phương kéo ghế ngồi sát ông Hòe vì bà vốn lãng tại từ nhỏ phải ngồi gần mới nghe rõ. Bà Nam Phương nói với giọng nhỏ nhẹ đầy cảm động:

– Ông Hòe! Chắc ông biết tôi rất tin ông, quý trọng ông, trước cũng như nay. Cho nên tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thụy mê con Lý (Lý Lệ Hà).

Ông Hòe bị hỏi một câu bất ngờ nên cũng ngập ngừng không dám trả lời thẳng, sau đành nói:

– Chúng tôi rất tiếc không biết rõ vấn đề ấy mà chỉ nghe người ta nói qua loa thôi.

– Người ta nói thế nào?

– Người ta bảo ông Vĩnh Thụy có nhân tình là cô Lý.

Bà Nam Phương như muốn hỏi rõ vấn đề Lý Lệ Hà nên hỏi:

– Ông có biết con Lý nhiều không? Và con ấy người như thế nào?

Cũng khó trả lời nên ông Hòe đành trả lời chung chung:

– Chúng tôi chưa bao giờ thấy mặt cô Lý, chỉ nghe nói là cô ấy đẹp. Còn về đạo đức thì tất nhiên là xấu rồi.

Nghe ông Hòe nói là Lý Lệ Hà đẹp, mắt bà Nam Phương hơi đỏ lên và bà còn hỏi nhiều chuyện lặt vặt nữa. Nhưng ông Hòe không bao giờ dám trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ nói chung chung thôi. Bà Nam Phương tỏ ra hơi bực, và bảo:

– Rõ ràng ông không muốn nói thật.

– Quả thật chúng tôi không biết chi hơn, vì ra Hà Nội tôi chỉ ở chung một nhà với ông Cố vấn có hai ngày, sau tôi đi ở chỗ khác. Hằng ngày đi làm việc ở Bộ Nội vụ tối về phải lo đọc sách, đọc báo. Tôi không có thì giờ và cũng không muốn mất thì giờ tìm hiểu những việc riêng tư của người khác.

Câu chuyện đang nói đến đây thì bị ngưng vì trong nhà bà Từ Cung đi ra và lên tiếng hỏi:

– Ủa! Ông Đổng lý về khi mô rứa? Hoàng đế có khoẻ không? Có thư từ chi cho tui không?

Ông Hòe vội đứng dậy chào bà Từ Cung, và thưa:

– Dạ, chúng tôi mới về hôm qua. Ông Cố vấn rất khoẻ và đã có thư cho Ngài qua bưu điện rồi.

Bà Từ Cung tỏ vẻ như quên cái thư qua bưu điện rồi nên gật đầu nói:

– Chắc là cái thơ ca ngợi Cụ Hồ phải không? Thư ấy nhận được gần một tháng rồi. Và từ hôm ấy đến nay lúc nào tôi cũng tụng kinh cầu Phật phù hộ cho Cụ Hổ và cho chính phủ Cách mạng. Khi mô ông ra Hà Nội thì nhờ “tâu” với Cụ Hồ chuyện ấy và nói tôi xin kính chúc Cụ “vạn tuế”.

Nói xong bà Từ Cung quay vào nhà trong và để bà Nam Phương cùng ông Hòe tiếp tục câu chuyện. Bà Nam Phương ngồi lại xuống ghế, ông Hòe lên tiếng:

– Trời gần tối rồi, xin Ngài cho nhận thư và tiền để mai chúng tôi có thể đi Hà Nội.

Mặc dù ông Hòe xin cáo lui vì trời đã ngả bóng đêm, nhưng bà Nam Phương còn muốn cầm chân ông Hòe ngồi lại ít phút để bà ta hỏi thêm về Vĩnh Thụy sống ra sao và sống với ai khi ra Hà Nội. Tuy nhiên cũng sợ bất tiện nên bà nói:

– Thư tôi viết chưa xong và tôi muốn hỏi ông nhiều chuyện lắm nhất là muốn ông cho biết ý kiến về cách giải quyết vấn đề con Lý. Bây giờ ông về kẻo tối, nhưng chín giờ sáng mai thế nào cũng mời ông chịu khó trở lại.

Như được giải thoát, ông Hòe thưa:

– Dạ, sáng mai chúng tôi xin trở lại. Còn vấn đề cô Lý tôi thấy cách giải quyết tốt nhất là Ngài đưa các Mệ ra Hà Nội cùng ở với ông Cố vấn. Đề nghị Ngài suy nghĩ về việc này và mai sáng xin cho biết ý kiến để khi ra Hà Nội chúng tôi có thể báo cáo với Hồ Chủ tịch.

Nghe vậy bà Nam Phương gật đầu tỏ ra có lý rồi nét mặt bà tươi hẳn lên. Bà đứng dậy bắt tay ông Hòe tỏ ý để ông Hòe ra về. Bà còn dặn thêm:

– Nhớ chín giờ sáng mai nghe!

Về tới nhà ông Hòe nằm suy nghĩ cả đêm để tìm ra giải pháp làm sao cho Vĩnh Thụy không buồn, và bà Nam Phương cũng vui lòng. Nhưng tất cả mọi việc của Vĩnh Thụy và bà Nam Phương ông Hòe nghĩ đều phải báo cáo cho Cụ Hồ biết để tránh xa ra trường hợp không hay. Vì Vĩnh Thụy là một ông “Tây con”, bản tính thích ăn chơi, cờ bạc, trai gái, còn việc chính trị thì không có gì sâu sắc. Bà Nam Phương tuy là một phụ nữ Tây học nhưng bà là người hấp thụ đạo Công giáo một cách sâu xa, bề ngoài ngó thấy hiền thục, nhưng lại suy nghĩ tường tận về gia đình, thời thế. Vì vậy bà không thể không biết chuyện quan hệ lăng nhăng của Vĩnh Thụy với Lý Lệ Hà. Bà có những người tâm phúc tâu với mình chuyện của chồng trong khi ông Hòe chưa chắc đã biết rõ được. Nói chung ai là người dẫn lối đưa đường, ai là người chỉ tiền cho Vĩnh Thụy tiêu xài nhất nhất bà đều biết rõ dù ở xa mấy trăm cây số.

Ông Phạm Khắc Hòe suy nghĩ mãi để tìm cách gỡ rối cho cả hai người, nhưng đồng thời cũng đừng để Cụ Hồ buồn vì việc Cố vấn Vĩnh Thụy sa đoạ, việc nước đang cấp bách, đang cần giải quyết, thì việc nhà lại tan nát vì cảnh ghen tuông. Nếu để bà Nam Phương ra Hà Nội có yên không? Hay lại xảy ra vụ đánh ghen như báo chí một thời đăng bà Nam Phương rút súng bắn què giò Hoàng đế ở khu rừng Ban Mê Thuật đạo nào.

Sáng hôm sau, đúng chín giờ mười làm phút ông Khắc Hòe đã tới cung An Định để gặp bà Nam Phương.

Vừa tới sân, ông đã nghe bà Nam Phương từ cổng đi vào, lên tiếng hỏi:

– Ông bạn đến sớm quá vậy?

Lần đầu tiên ông Hòe nghe hai tiếng “ông bạn” nền tỏ ra ngượng ngùng, song ông lấy lại bình tĩnh và trả lời:

– Hôm nay thứ hai mà Ngài cũng đi nhà thờ à?

Bà Nam Phương trả lời:

– Ngày nào… mà… tôi… chả đi… lễ.

Cả hai cùng thủng thẳng bước vào phòng khách. Bà Nam Phương kéo ghế mời ông Hòe ngồi để nói chuyện cho rõ và bà cũng nêu lý do tại bà bị lãng như thế nào, rồi hỏi:

– Có phải Cụ Hồ bảo ông bàn với tôi đem cả gia đình ra Hà Nội không?

Ông Hòe vội nói:

– Dạ không. Ý kiến đó là tự tội đề ra với Ngài.

Câu trả lời đó làm bà Nam Phương hơi buồn, hỏi:

– Thế Cụ Hồ có biết chuyện ông Cố vấn mê con Lý không?

Ông Hòe cũng không dám trả lời thẳng vào câu hỏi, mà chỉ nói:

– Chúng tôi không rõ. Hồ Chủ tịch chưa có lúc nào hỏi hoặc nói về việc ấy với tôi cả.

Bà Nam Phương im lặng như suy nghĩ điều gì, rồi bảo:

– Ông Hòe này! Tôi cũng muốn ra Hà Nội để chồng con cái cùng ở với nhau cho hạnh phúc. Nhưng tôi ngại hai điều: một là sẽ làm tốn kém thêm cho Nhà nước trong lúc đầu chính phủ đang còn nghèo, lo trăm chuyện; hai là làm cho Hoàng đế đang vui sướng trở thành đau khổ, gò bó. Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng.

Chân dung hiếm hoi của Lý Lệ Hà

Nói vừa dứt câu, bà Nam Phương đứng dậy quay gót vào nhà và nói xin lỗi ông Hòe mấy phút để có chút việc. Sau đó bà trở ra, cầm chiếc phong bì chưa dán kín và nói:

– Đây! Ông xem thư và kiểm lại tiền đi.

Ông Hòe lịch sự trả lời:

– Xin ngài cứ dán kín lại, chúng tôi không muốn biết việc riêng của Ngài.

Nhưng bà Nam Phương rút trong phong thư ra hai tờ giấy bạc năm trăm đồng của Ngân hàng Đông Dương giờ ra cho ông Hòe nhìn thấy, sau đó bỏ vào giữa lá thư màu hồng, rồi dặn lại và hỏi thêm:

– Ông có nhất định chiều nay đi không?

– Nếu không kịp tội nay thì tối mai nhất định phải đi, vì không thể trễ hơn được nữa.

Bà Nam Phương sợ ông Hòe chưa đi nên nói:

– Nếu tối nay ông đi thì chúc ông lên đường mạnh khoẻ, bình an, và mong được gặp lại nhau trong hoàn cảnh vui vẻ hơn. Nếu tối mai ông mới đi, thì sáng mai chín giờ mời ông trở lại, tôi còn muốn nói chuyện với ông nhiều lắm.

– Dạ, nếu tối nay chưa đi thì sáng mai chúng tôi xin trở lại thăm Ngài.

Tối ngày 22 tháng 10 ông Hòe đã về tới Hà Nội và 8 giờ sáng hôm sau đã đến gặp Vĩnh Thụy để trao phong thư.

Khi gặp ông Hòe, Vĩnh Thụy mừng rỡ, nét mặt tươi cười và hỏi:

– Ông đi mau quá hè!

Ông Hòe trao phong thư, Vĩnh Thụy vội bóc ngay ra thấy trong đó chỉ có hai tờ giấy bạc. Nét mặt đang vui bỗng trở nên buồn. Vĩnh Thụy hỏi:

– Chỉ có thế thôi à?

– Dạ, bao nhiêu chắc “Ngài Hoàng” đã có viết rõ trong thư.

Vĩnh Thụy đọc lá thư Nam Phương viết và sắc mặt ông cứ tái dần đi. Nhưng ông cố trấn tĩnh và hỏi:

– Ông có gặp “Đức Từ” không? Ngài có khỏe không?

– Dạ, có gặp chừng mươi phút. Ngài mạnh khoẻ vui vẻ và chăm tụng kinh niệm Phật lắm.

Vĩnh Thụy không quên nhắc:

– Ông có thấy các con tôi không?

– Dạ không.

Vĩnh Thụy lại hỏi:

– Ông gặp “Ngài Hoàng” có lâu không? Ông thấy Ngài thế nào?

– Dạ, chúng tôi gặp “Ngài Hoàng” ba lần. Ngài buồn lắm và gầy đi rất nhiều!

Vĩnh Thụy có vẻ thắc mắc và hỏi:

– Làm chi mà phải gặp đến ba lần?

Ông Hòe vội thưa:

– Tóm lại “Ngài Hoàng” thắc mắc rất nhiều về vấn đề cô Lý và trách tôi không nói tất cả sự thật. Nhưng sự thật thì chính nhờ gặp “Ngài Hoàng” mà tôi mới biết được nhiều chuyện cụ thể về vấn đề cô Lý, chớ khi ở Hà Nội này tôi chỉ nghe những lời đồn đãi bàn tán của thiên hạ và tôi cũng không tin.

Lý nhân Phan Thứ Lang

(trích Những câu chuyện về cuộc đời Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng Triều Nguyễn)

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!