(MTD) Tháng chạp với tôi luôn là tháng lưng chừng! Công việc cuối năm bộn bề, vậy mà chỉ muốn ngay lập tức xách vali, bắt một chuyến xe về nhà. Cả năm tất bật, cái khoảnh khắc trở về ấy khiến người ta nôn nao biết chừng nào. Khi chiếc xe đò đỗ xịch, bước xuống xe thấy ba má cười hiền lành, thấy hàng bông vạn thọ trước sân nở vàng rực là tôi đã thấy tết rồi!
Xa quê hơn mười năm, mỗi bận trở về tôi đều nhận ra làng mình khác đi một chút. Nông thôn mới, đường bê tông đến tận cổng nhà chứ chẳng còn con đường mòn đầy cỏ dại hay những bờ ruộng mấp mô đầy bùn khi mùa mưa tới. Những ụ rơm vàng, những gốc cây cổ thụ, những đứa trẻ thảnh thơi chăn trâu, những cánh cò rập rờn giữa cánh đồng… hình như chẳng còn nữa. Vậy mà, có những thứ dẫu mình một năm hay mười năm tha hương quay về vẫn y nguyên như thế. Đó là mùi bùn đất được xới lên sau những đường cày, mùi nhựa cỏ ứa ra thơm nồng, mùi của trái ổi chín bị bỏ quên trong vườn, mùi của cánh đồng đang thì ngậm sữa…
Cây cỏ ở nơi nào cũng giống nhau nhưng lạ kỳ thay những mùi vị ấy mình chỉ cảm nhận khi đứng giữa quê nhà. Những mùi hương vô hình cứ theo mình mãi, để những lúc mệt mỏi, cô độc lại xoa dịu, vỗ về…
Về nhà ăn Tết, khi bè bạn rủ nhau đi chơi thì tôi chỉ thích được ngồi lặng im trong căn bếp của má mà mặc sức hít hà. Những mùi vị đơn sơ không thể tìm được ở một nơi chốn nào khác nữa. Mùi của bịch ớt khô, mùi bột nghệ, củ nén, mùi của mấy trái dưa gang muối chua trong hũ… Chiếc kiềng bếp nấu đến đen bóng má vẫn còn giữ lại bên cạnh chiếc bếp ga. Trên giàn bếp, có trái mướp già để giống, có mấy bọc hạt đậu, bí bầu má để dành cho mùa sau. Ba ngày tết, khói chờn vờn vẫn tỏa ra từ chiếc bếp củi. Thỉnh thoảng má cúi xuống vừa đẩy củi vừa thổi lửa, tàn tro bay lên rồi vương lên tóc má. Trên bếp vẫn là hũ dưa món, bịch bánh tráng má nướng sẵn, hũ thịt heo ngâm nước mắm nhiều tiêu tỏi thơm lừng…
Tết đến rồi đi bao nhiêu lần, anh em tôi lớn lên lấy chồng lấy vợ, má thành bà nội bà ngoại, vậy mà chỉ cần trở về đứng trong căn bếp ấy tôi hiểu rằng mọi thứ vẫn y nguyên như thế. Vẫn là chúng tôi nhỏ dại của ngày cũ, vẫn là những mùi hương nhẫn nại, bao dung, chờ đợi chúng tôi cả một đời!
Tôi có một anh bạn tuổi ngót nghét 40. Mỗi bận ngồi cà phê với nhau anh hay kể về mẹ của mình. Anh nấu ăn giỏi lắm, vậy mà mỗi bận về nhà anh hay giả đò thêm bớt một chút muối vào món canh để khi mặn, khi nhạt. Mẹ anh thế nào trong bữa cơm cũng càm ràm anh “40 tuổi rồi còn không biết nấu canh”. Bữa cơm đó anh vừa ăn vừa sung sướng vì dễ gì được nghe tiếng mẹ la. Anh cười hiền lành, tôi thấy người anh của mình hệt như đứa con nít trong nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ.
Hình như năm nào tôi cũng nghe có người than tết nhạt, không còn giống những cái tết tuổi thơ mà mình luôn ngưỡng vọng. Nhưng tết năm nào chẳng giống nhau ở sự tảo tần, chắt chiu của những người mẹ. Chẳng giống nhau ở giây phút vừa đặt chân xe đò hay sân bay đã nghe lòng mình rưng rưng xúc động. Khoảnh khắc đoàn viên, sum vầy đáng quý biết chừng nào sau bao nhiêu ngày trông ngóng, chờ đợi.
Tôi biết năm nay vì đại dịch mà có nhiều người ăn Tết ở một nơi mà lòng lại nhớ thương một nơi chốn khác… Họ thầm mong được về quê cầm lấy đôi bàn tay đầy vết chai sần của mẹ, được xoa cái khớp gối đã kêu lạo xạo của cha, được đứng giữa cánh đồng mạ non xanh mướt của quê mình. Được thấy sau bao nhiêu gai góc, mệt nhoài mình vẫn còn một chốn bình yên nhất đời người.
Về quê, hít hà mùi đất, mùi quê để thấy mình không bỏ lỡ quá nhiều trong dặm dài mưu sinh!
Nguyễn Thị Như Hiền
(Tạp chí Văn Nghệ TP.HCM)
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada