Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Bài viết tham gia dự án sách “Mùi nhớ”: Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng

(MTD) Hằng năm, khi gió xuân về se se lạnh, trên bầu trời đàn én xôn xao bay lượn, dưới những rặng tre ven đường làng, người dân xứ Quảng quê tôi bắt đầu đặt những cái chảo to tướng để rang nổ làm các loại bánh.

Khói “bếp chảo” màu lam có mùi ngai ngái của củi bằng gốc tre hòa quyện với mùi thơm của nổ, đậu… đã rang cùng với mùi dưa món đã lên men tạo nên cái mùi hương rất riêng chỉ có khi Tết đến Xuân về.

Tuy Tết cổ truyền bắt đầu từ mồng Một tháng Giêng nhưng người dân quê tôi đã chuẩn bị Tết từ trước ngày cúng ông Táo về trời (23 tháng Chạp). Lúc bấy giờ, khắp các ngả đường quê, nhà nhà, người người nô nức, rộn ràng sắm sửa để mừng đón Tết đến Xuân về. Hai bên đường làng, dưới những rặng tre, từng dãy chảo rang lúa nếp, gạo nếp, đậu xanh, mè… để làm nguyên liệu cho các loại bánh nổ, bánh in, bánh khô, bánh tổ… Các lò đúc bánh tráng, bánh tổ hoạt động hết công xuất để cho ra bánh tráng, mì khô, bánh tổ trước Tết.

Mùi rang nổ ven những con đường làng

Trong khứu giác của tôi vẫn còn nhớ mùi mứt gừng thơm nồng, mùi mứt dừa thoang thoảng hương vani, mùi đường ngọt ngào, mùi củi cháy ngai ngái hòa quyện vào mùi nếp rang tạo ra cái không gian rất riêng của ngày Tết ở vùng quê.

Ngày ấy, theo mẹ vào chợ Tết vùng quê để mẹ mua cho chiếc áo mới đầu xuân, nhìn lối vào chợ đã xuất hiện những chùm bong bóng bay đủ màu xanh, đỏ làm đôi chân tôi ngập ngừng không muốn bước. Tiếp đến là nơi chưn, bán các loại hoa với màu vàng rực của hoa cúc, màu trắng của hoa li, màu phớt đỏ của loa kèn, màu tím của thạch thảo, màu hồng của đỗ quyên, màu xanh của đủ loại cây lá, màu vàng xanh của hoa mai nở sớm tinh khiết. Mỗi một loại hoa ngày Tết tỏa mùi hương riêng và hòa quyện vào nhau tạo nên một ‘cái mùi” đặc trưng chỉ có ở “chợ quê ngày Tết”.

Trong chợ, cảnh chen lấn với đông đảo kẻ mua người bán đủ thứ nông sản thực phẩm, hoa quả, bánh trái, áo quần mới mà ngày thường không thấy xuất hiện. Cuối cùng mẹ cũng mua được cho các anh chị em chúng tôi quần áo mới để “đi khoe xóm giềng”. Tôi không quên được cái mùi áo mới rất thơm, hình như có chút ít mùi long não nhưng tôi lại khó diễn tả hết cái mùi đặc trưng này.

Chợ quê ngày Tết có bán nhiều loại bánh truyền thống thoang thoảng mùi hương
Mùi ngai ngái của khói củi đun nấu bánh tét

Nhà tôi, khoảng 29 Tết, là bắt đầu gói bánh tét. Mẹ tôi vuốt sạch đậu, vo nếp, chị tôi cắt lá chuối vào rọc phơi cho hơi héo mang vào lau lá… Mẹ trải chiếu giữa nhà, đặt các thứ nguyên liệu đã chuẩn bị từ trước lên: nếp ngâm, đậu xanh, thịt ướp. Cậu Sáu tôi có đôi bàn tay khéo léo nên năm nào mẹ tôi cũng “phân công” gói bánh… Và năm nào cũng vậy, phần nếp dư cuối cùng, cậu gói cho chúng tôi một cái bánh “tét” tí hon, trông rất dễ thương. Anh chị em chúng tôi thích thú cười híp mắt. Ấn tượng nhất là giữa trời đêm xuân se lạnh, cảnh vật tối om, ngồi bên nồi bánh tét đang sôi sùng sục tỏa mùi lá, mùi bánh đã chín, mùi than hồng và được nghe những câu chuyện cổ tích do bà tôi kể mà thấy ấm áp, thích thú  lạ thường.

Năm nào cũng vậy, nhà tôi cũng làm bánh khô nổ, khô mè. Đó là một loại bánh rất mất nhiều thời gian. Bánh khô nổ hoặc mè đạt tiêu chuẩn khi ăn bánh có màu sắc tự nhiên, đẹp, bánh, khô ráo; khi bẻ ra, có những sợi tơ đường, phần ruột (bánh trần) phải có độ xốp nhất định, ăn rất thơm mùi quê hương của mùi của đường non, của gừng tươi, mùi sem sém cháy của bánh trần… hòa quyện vào nhau. Ngoài cúng tổ tiên, ông bà… trong ba ngày Tết ra,  cha tôi còn cất riêng để cúng mùng 9 và rằm tháng Giêng. Và ra Tết, bánh khô, bánh in… là những món ăn nửa buổi (ăn uống nước) khi đi làm đồng.

Sau bao ngày đêm chờ đợi, đêm giao thừa của tuổi thơ tôi cũng đến với mâm cỗ đầy hương vị trên bàn thờ tổ tiên và mùi khói pháo “thơm nồng”. Tiếng pháo đón giao thừa thúc giục, râm ran, giòn giã khắp làng trên xóm dưới cùng mùi khói hương, trầm thơm ngát trong sự thiêng liêng của cái thời khắc giao thoa giữa đất trời, vạn vật. Và mùi trầm hương thoang thoảng đêm giao thừa đã ru tôi vào giấc ngủ êm đềm cho đến sáng hôm để háo hức mặc tà áo mới, nhận tiền “lì xì” của cha mẹ, sau đó cùng người thân đi chúc Tết ông bà…

Mùi áo mới của trẻ em trong ngày Tết

Ngoài ra, mùi hương vấn vương trong tôi nhất vẫn là mùi trầm hương nơi nghĩa trang liệt sĩ. Cứ vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân xứ Quảng có thói quen hay đến nghĩa trang liệt sĩ và đình làng để thắp hương, tế lễ các vị Thành Hoàng, các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã bỏ máu xương cho công cuộc chống ngoại xâm. Mọi người cùng cầu mong qua năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành, may mắn.

Trong ngày Tết, đình làng trở thành nơi vui chơi, bà con làng trên xóm dưới gặp nhau vui chơi, giải trí với những hoạt động mang đậm truyền thống văn hóa đặc trưng như: xem đua ghe, chơi bài chòi, đánh cờ người, hát sắc bùa, hát hò khoan đối đáp…

Ra Giêng, mẹ tôi lại chuyển sang món bánh tét chiên hay bánh tổ chiên thơm lừng, nóng giòn, vàng ươm vô cùng hấp dẫn. Mẹ cho dầu vào chảo phi với tỏi cho thơm và tét bánh tét hay bánh tổ thành lát mỏng, chiên vàng, trở đều hai mặt cho vừa giòn là vớt ra.

Còn nhớ Tết xưa, khi tiếng gà gáy sáng cất lên đã lâu, cuộn mình trong chăn ấm không buồn dậy, mùi thơm của món bánh tét mẹ đang chiên bốc lên từ bếp sẽ làm bạn không cưỡng nỗi mà chui ra khỏi giường, hòa quyện với mùi bánh tét chiên của cả xóm, nên đã có câu ca: “Ra giêng ăn bánh tét chiên/ Thơm lừng chái bếp, thần tiên cũng… thèm”.

Ở quê tôi khi đã hết Tết món điểm tâm buổi sáng thường là món bánh tét chiên, tùy theo khẩu vị có thể  ăn với đường cát hoặc củ kiệu dưa hành, hay với thịt kho rim, vừa nhai vừa thổi thật khoái khẩu biết chừng nào. Với tôi, bánh tét ăn kèm cùng củ kiệu ngâm mắm rất tuyệt! Cái béo bùi của nhân đậu thịt mỡ cộng thêm vị thơm nồng của củ kiệu ngâm hòa quyện vào nhau, kích thích vị giác, khứu giác thăng hoa…

Mùi trầm hương khi dâng hương Nghĩa trang liệt sĩ khi Tết đến Xuân về
Nhớ mùi bánh tét mẹ chiên thơm lừng trong chái bếp ngày Xuân
Nhớ hương vị mì Quảng quê tôi trong lễ hội đình làng
Nhớ mùi các món ăn truyền thống tại lễ hội đình làng khi Tết đến Xuân về

Tiên Sa
(Hòa Vang, Đà Nẵng)

Nhang Bảo Trầmhttps://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
🛒 Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
🛒 Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
🛒 Lazada: https://info.baotram.vn/lazada

Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà
  • BÀI CÙNG MỤC:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!