1. Đây là câu hỏi mà mỗi lần điện về nhà má tôi hay hỏi. Có gì vui không con, hay con có chi vui không – là câu hỏi có từ khóa giúp người ta nhớ ngay đến những điều tốt đẹp mà mình gặp, vừa trải – để chia sẻ với người thân thương của mình.
Chắc chắn, có những ngày ta rất buồn, nhưng khi bốc điện thoại gọi về và nghe câu hỏi ấy lòng ta cũng mềm ra. À, có ạ, là đang nói chuyện với má đây nè. Đó là thông điệp niềm vui mình vẫn còn được thụ hưởng trong đời: niềm vui còn khỏe, và má mình cũng còn khỏe để trò chuyện cùng mình, dù chỉ là qua điện thoại.
Trong cuộc sống, không ít khi ta gặp những trắc trở: công việc, học tập không suôn sẻ; bất hòa trong các mối quan hệ thân gần như người yêu, bạn bè, đồng nghiệp… Những lúc ấy, ta thường rơi vào một khoảng trống, vào hố đen mà mình những tưởng rằng cuộc sống đang quay lưng lại với mình. Nỗi khổ niềm đau lấn chiếm cõi lòng khiến ta dễ nghĩ, nói, làm những điều không đúng, thậm chí dại dột nghĩ quẩn. Không ai nói trước được điều gì bởi người mạnh mẽ nhứt có khi cũng rất yếu lòng khi bị cùng một lúc những cú “tát” từ cuộc đời.
Kết nối với người thân thương là một cách để mình có thể vững chãi hơn trước những gió giông. Ai cũng cần chia sẻ vì vậy ai cũng cần có những người bạn, người thân thương đáng tin cậy để có thể tựa vào trong những phút chông chênh. Giống như tôi, luôn nghĩ má mình là người bạn lớn để có thể nương tựa mỗi khi có-chuyện-gì-đó bất ổn, cảm thấy lạc loài giữa phố xa người lạ. Gọi về nhà và chỉ cần nghe má hỏi, con có gì vui không, là có thể bình tâm lại. Thật may mắn khi vẫn còn có má…
2. Nhớ hồi còn đi học phổ thông, má cũng hay hỏi về niềm vui trường lớp. “Con đi học có chi vui không?”. Má quan trọng chuyện con đi học và mang niềm vui nào về chứ không phải điểm số. Má chưa bao giờ bắt con phải giỏi hay thế nào cả, chỉ nói con cố gắng hết mình và chấp nhận kết quả đạt được. Có rất nhiều kết quả cuối cùng không như mong đợi nhưng nó là điều nằm ngoài sự kiểm soát của con thì cũng không nên buồn. Hãy vui với cái đạt được dù đó là cái không được như mình muốn.
Một trong những áp lực lớn của người trẻ ngày nay chính là chuyện học hành, bởi họ phải gánh trên vai bao nhiêu là trách nhiệm: thành tích của trường, của lớp, của thầy cô và cả sự hãnh diện của gia đình… Có đôi lúc thấy thương những đứa trẻ phải mang chiếc cặp nặng nề không chỉ khối lượng sách vở nhiều mà cả tâm lý về thành tích học tập của mình.
Nếu trẻ được dạy về hạnh phúc không phải từ những thành tích mà các bạn phải luôn căng mình để đạt được thì có lẽ trẻ sẽ lớn lên một cách dễ thở hơn.
Khi có thể hỏi con mình đi học có gì vui thay vì bao nhiêu điểm, rồi sau đó làm dữ khi con ít điểm này kia, có thể con sẽ kể mình nghe nhiều chuyện. Một trong những chuyện đó là con đã bị bắt nạt ở trường và đang khổ sở vì nhóm bạn nào đó để con không phải âm thầm chịu đựng hết ngày này qua tháng nọ. Rồi có khi con sẽ kể cho mình nghe về những rung cảm đầu đời và nhờ tư vấn chứ không phải tự mình loay hoay trong mớ cảm xúc rối bời.
3. Làm bạn cùng con, đó là điều không dễ dàng nhưng cũng không là điều quá khó nếu chúng ta xem đó là điều giúp gắn kết sâu hơn giữa hai thế hệ. Tôn trọng tự do của con và không tạo ra những khoảng cách bằng cách luôn cho rằng mình đúng, thiếu lắng nghe con và sẵn sàng áp đặt, mắng mỏ con – khi đó con cái sẽ tự kết nối với mình vì tin tưởng, dù có khó khăn hay sai lầm nào cũng sẽ được yểm trợ, giúp đỡ.
Cho con một điểm tựa, là bệ phóng của con như lời bài hát mà các con thuộc lòng từ tấm bé – “ba sẽ là cánh chim/ cho con bay xa/ mẹ sẽ là nhành hoa/ cho con cài lên ngực/ ba mẹ là lá chắn/ che chở suốt đời con…” – có lẽ là nhiệm vụ và cũng là bài học lớn để suy nghiệm. Từ đó, không để con bơ vơ trong dòng xúc cảm khi đang lớn và cũng không trở thành những chiếc camera theo dõi (chứ không phải là dõi theo), bóp nghẹt sự tự do khiến con không thể tự đi trên đôi chân cũng như theo hướng phù hợp với mình.
Trường An
– Nguồn: Tuổi Trẻ