Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Cha mẹ, con cái – Sự hy sinh, kỳ vọng tạo áp lực “Khi người ta trẻ”

(MTD) Chỉ cần vẫn còn hơi thở, chỉ cần sự sống còn tiếp diễn, chúng ta luôn có cách để giải quyết vấn đề. Vậy nên, xin hãy trân quý từng hơi thở, sự sống trên cõi đời.

Sự hy sinh của cha mẹ là món quà đáng sợ nhất cho con?

Truyền thống phương Đông luôn có câu rằng: “Cha mẹ phải hy sinh cho con cái” và trong đời thực ở thời đại ngày nay, chúng ta vẫn thấy rất nhiều những sự hy sinh đó. Có những cha mẹ sẵn sàng thỏa mãn vô điều kiện tất cả đòi hỏi của con mình, có cha mẹ làm ăn xa vất vả dành dụm chút tiền nuôi con, có cha mẹ gồng mình lên kiếm tiền để cho con vào học trường quốc tế…

Ở đời thường tôi cũng từng bắt gặp nhiều câu chuyện như thế. Hàng ngày đi dạy, tôi hay đi qua một cái chợ, ở đó có một phụ nữ trung niên bán trái cây. Mua nhiều thành quen, bà kể chuyện rằng là khi hai con bà vào đại học, bà và chồng đã bỏ cả nhà cửa, ruộng vườn ngoài quê vào Sài Gòn đi ở trọ, bà thì bán trái cây, ông thì chạy xe ôm để nuôi hai con ăn học.

Khi chuyển chỗ làm, tôi không đi đường đấy nữa, bẵng đi mấy năm sau mới quay lại, người phụ nữ trung niên ấy tóc đã bạc trắng, mặt đầy nếp nhăn, đau khổ, phiền muộn. Tôi hỏi thăm và bà vừa kể vừa rơm rớm nước mắt. Rằng hai người con bà khi vừa tốt nghiệp đại học đã đòi ông bà mua xe máy, cung cấp tiền để lập nghiệp, thành lập một công ty với bạn bè, chỉ vì khao khát kiếm tiền ngay. Sức người có hạn, ông bà dốc hết tiền bạc, bán nhà ở quê ra giao cho con. Đổi lại, hai cậu con ngày càng làm ăn lụn bại vì không có khả năng, bây giờ phá sản, thất nghiệp nhưng không chịu đi làm, ngày ngày ở nhà ăn bám cha mẹ, chửi đời và tiếp tục đòi cha mẹ cung cấp tiền bạc để tiêu xài hoang phí. Vì đã quen được bố mẹ chiều chuộng, không phải làm việc nhà, chỉ lo ăn học và chơi bời cho nên bây giờ hai con bà vẫn quen đường cũ, dồn hết gánh nặng kiếm tiền lên đầu ông bà.

Bà thở dài: “Cả đời hy sinh vì con, nào ngờ con không biết đến tình thương của cha mẹ”. Tôi bảo: “Nếu ngày xưa chị không hy sinh quá mức như vậy, thì bây giờ đâu đến nỗi trắng tay”. Tôi cũng đã từng đọc một câu châm ngôn rằng: “Sự hy sinh của cha mẹ là món quà đáng sợ nhất cho con”. Đúng là rất đáng sợ. Bao người cha, người mẹ đã hy sinh thời gian, tiền bạc, sức khỏe chỉ vì muốn con được khôn lớn bằng người. Nhưng có ai đặt vấn đề là: Sự hy sinh ấy có khi nào lại là áp lực vô hình đè lên con cái.

Hy sinh quá nhiều cho con, có khi sẽ tạo thành cách sống ích kỷ, ỉ lại, dựa dẫm vào cha mẹ của con cái. Những đứa con ấy coi việc cha mẹ phải sống vì mình là điều đương nhiên và cảm thấy mình cần được chăm sóc, chiều chuộng, nâng niu chỉ vì mình là con của cha mẹ. Thậm chí, từ đó có nhiều trường hợp đứa con đã trở thành người xấu. Còn nếu đứa con biết nghĩ cho sự hy sinh của cha mẹ, hẳn đứa con đó sẽ không vui và có mặc cảm rằng vì chính mình mà cha mẹ mất mát nhiều, khổ sở nhiều, mình là gánh nặng của cha mẹ, vì mình mà cha mẹ đã đánh mất những năm tháng đẹp nhất.

Bất cứ ở trường hợp nào, sự hy sinh của cha mẹ đúng là món quà đáng sợ nhất cha mẹ dành cho con cái. Các bậc cha mẹ yêu thương con mình, vì tình yêu nên mới hy sinh và không đòi hỏi đáp lại, đó là điều không thể phủ nhận. Song tình yêu thì muôn hình vạn trạng, có tình yêu sáng suốt, đúng đắn, có tình yêu mù quáng. Cho nên sự hy sinh nào cũng cần phải đi kèm với cái nhìn tỉnh táo và cách sống rõ ràng. Và cha mẹ đừng nghĩ rằng, vì mình hy sinh cho con cái, nên sau này con cái phải hy sinh cho mình. Đó lại là một quan niệm sai lầm nối tiếp.

Con cái là kết tinh tình yêu của cha mẹ, là máu thịt của cha mẹ, là sự nối dài cuộc đời cha mẹ. Con cái có cuộc đời của chúng và vì cha mẹ yêu thương chúng, nên chúng yêu thương lại cha mẹ là đã đủ lắm rồi. Chữ hiếu ngày nay cần được hiểu theo nghĩa khác đi. Không phải hiếu đễ là phải triệt để hy sinh, là phải luôn luôn tuân theo mọi ý muốn của cha mẹ, cha mẹ bắt con cái phải thế này thế khác. Hiếu ở đây là quan tâm, chăm sóc, yêu thương cha mẹ, chứ không phải để cho cha mẹ can thiệp vào cuộc đời của mình, bắt mình sống theo ý của cha mẹ nhân danh tình thương.

Tất nhiên nuôi con thì phải hy sinh và hiếu với cha mẹ cũng phải đòi hỏi sự hy sinh. Song hy sinh thế nào cho đúng cách, cho không mù quáng, cho không trở thành gánh nặng thì đó tùy thuộc vào cách sống, suy nghĩ của từng gia đình. Hy sinh đúng cách, hy sinh trong tâm thế vui vẻ, tự nguyện, không tạo thành sức ép cho mọi người thân trong gia đình, đó mới thật sự là sự hy sinh đúng nhất. Bản thân là người làm cha mẹ, chúng ta dạy con như thế nào để con cái chúng ta hiểu cho đúng về sự hy sinh và giá trị của sự hy sinh, chứ không phải lấy sự hy sinh của mình để áp đặt cho con cái những gánh nặng trong cuộc đời.

Có lần tôi đọc trên một tờ báo nước ngoài nói rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được hâm mộ ở châu Á không chỉ vì ông là Tổng thống của một siêu cường quốc, không chỉ vì ông là một tỉ phú thành đạt, mà vì ông có một gia đình đáng mơ ước với những đứa con thông minh, xinh đẹp, tài năng, hứa hẹn sau này sẽ chẳng kém cạnh gì người bố của mình.

Truyền thống phương Đông thường đánh giá sự thành đạt của bố mẹ qua những đứa con. Con càng giỏi giang, xinh đẹp, cha mẹ càng hãnh diện, càng kiêu hãnh khoe với mọi người và tự coi mình như là những ông bố, bà mẹ thành công trong việc giáo dục con cái. Bây giờ là thời đại của Facebook, của mạng xã hội, cho nên chúng ta thấy có rất nhiều các bậc cha mẹ khoe con trên Facebook. Họ thường đăng hình ảnh con, phiếu điểm, giấy báo nhập học, giấy khen, bài văn con viết hay… và họ thu về rất nhiều lời tán tụng, đại loại như: em ao ước được như anh chị, em sẽ cố gắng dạy con em theo anh chị, rằng con giỏi quá, thật chẳng bõ công cha mẹ nuôi dạy… Điều đó giống như một liều thuốc phiện làm mê hoặc các bậc cha mẹ.

Thật ra cuộc đời như một kim tự tháp mà thôi, số người thành đạt ở trên đỉnh chóp của kim tự tháp thì ít hơn rất nhiều lần so với số đông còn loay hoay ở dưới đáy. Thực tế cuộc đời cho thấy rằng bên cạnh số ít những đứa trẻ tài giỏi, thông minh, xinh đẹp, thì vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ bình thường khác và chính số đông này mới tạo nên bộ mặt xã hội.

Chẳng phải đứa trẻ nào cũng tài giỏi, xinh đẹp và thành công. Nên bên cạnh những ông bố bà mẹ khoe con, chúng ta thấy có những người không nhắc đến con cái. Không nhắc vì không có gì để khoe với thiên hạ chứ không phải vì họ không yêu con, không hãnh diện về con. Và tất nhiên cũng có những người suốt ngày tỏ ra lo phiền vì con cái, muốn chúng phải thế này, thế kia như là học giỏi, chơi thể thao cừ, phải vào được đại học danh tiếng…

Mọi đứa trẻ sinh ra là để được yêu thương, mỗi đứa trẻ sinh ra đều là kết tinh tình yêu của bố mẹ. Mỗi đứa trẻ sinh ra là để cho sự sống luôn tiếp diễn trên cõi đời này. Thế hẳn là đủ rồi. Con mình có thể không xinh đẹp, không tài năng, không thông minh, song điều quan trọng, nó là con mình, là máu thịt của mình, là sự nối tiếp cho cuộc đời mình. Thế nên đừng bao giờ có tư tưởng xem con cái là “của để dành” của cha mẹ.

Con cái sinh ra, chúng sẽ có những cuộc đời riêng, hoài bão riêng. Hãy để chúng sống một cuộc đời như ý chúng muốn. Đừng gây sức ép là chúng phải học giỏi và thành công, đừng gây sức ép là sau này chúng phải chăm lo ngược lại cho cha mẹ. Cũng đừng vì con mình là một đứa trẻ bình thường mà ép chúng phải trở thành người xuất sắc. Cũng đừng nhìn những giấy khen, bằng khen của con người khác mà chạnh lòng. Đừng quá kỳ vọng vào con cái để rồi tạo sức ép lên chúng và tự tạo sức ép cho mình.

Cuộc sống muôn hình muôn vẻ, như một bức tranh xã hội rộng lớn. Con cái của mình là những mảnh ghép của bức tranh ấy. Có những mảnh ghép to, có những mảnh ghép nhỏ, có những mảnh ở giữa trung tâm, có những mảnh ngoài rìa. Song mọi mảnh ghép đều có giá trị như nhau và bức tranh nếu thiếu một mảnh ghép thì sẽ không còn là một bức tranh hoàn chỉnh nữa. Hãy nghĩ như vậy đi các bậc cha mẹ và hãy dạy con mình như vậy.

Tuổi teen và “Khi người ta trẻ

Khi người ta trẻ” là tên một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Phan Thị Vàng Anh sáng tác cách đây chừng 30 năm. Trong truyện ấy, Phan Thị Vàng Anh đã kể về một cô sinh viên có tính tình rất mâu thuẫn với cuộc sống, đầy những điều bỏ dở nửa chừng không làm nữa. Cô ấy yêu một chàng trai, lâm vào một mối tình tay ba và đã tự tử vì tình. Tôi nhớ nhất những câu đầu và những câu cuối của truyện ngắn ấy. Những câu đầu kể về hình ảnh người mẹ già cứ gần đến ngày giỗ con là như biến thành một người khác, lờ đờ, uất ức, lẫn lộn. Còn những câu cuối kể rằng ngày cô gái tự tử, anh chàng người yêu mải đi tắm biển ở Quy Nhơn và ngày đưa tang cô, anh ta không về, vẫn mải vui đi tắm biển.

Chính truyện ngắn này tôi đã gửi cho không ít những người đang rơi vào trạng thái bế tắc, muốn tự tử và họ tâm sự ý muốn này với tôi. Tôi chỉ muốn nói rằng khi bản thân con người ta bế tắc, tự tử, thì điều đau đớn, day dứt nhất là những điều họ để lại cho người thân, bạn bè. Tôi đã có chính trải nghiệm đau đớn này lúc tôi mới 17 tuổi và đang học lớp 12, khi một người bạn trai thân thiết với tôi tự tử chết vì những bế tắc trong cuộc sống.

Trước khi bạn ấy tự tử khoảng một tiếng đồng hồ, bạn ấy đến nhà tôi nhưng rất tiếc lúc ấy tôi không có ở nhà. Nỗi ân hận vì mình không có ở nhà, không kịp lắng nghe những câu tâm sự của bạn ấy, may ra thì bạn ấy sẽ đổi ý, nhưng đã quá muộn và nỗi ân hận ấy theo tôi đến tận bây giờ. Luôn luôn những người ở lại sẽ tự dày vò bản thân là sao không kịp nhận biết, sao không kịp chia sẻ, sao không chịu gần gũi nhau thêm chút nữa, biết đâu người ấy sẽ không tự tử.

Đặc biệt những người thân trong gia đình sẽ gánh một nỗi đau trong suốt cả cuộc đời còn lại của họ, nhất là các bậc cha mẹ. Còn gì đau đớn hơn khi lá vàng trên cây chưa rụng mà lá xanh đã xa lìa cành. Nếu thật sự có tình thương với gia đình, bạn bè, người thân, thì xin những ai có ý định tự tử, hãy nhớ đến họ trước khi tự kết liễu cuộc đời mình. Sở dĩ tôi nhắc đến việc này vì tôi nghĩ rằng tuổi teen có thể có những hành động rất tiêu cực, dễ dẫn đến việc hủy hoại bản thân mình. Khi ấy cha mẹ phải có những quan tâm, chia sẻ về mặt tâm lý để con mình kịp dừng chân trước vực thẳm.

Trong khi đi dạy, tôi cũng gặp một trường hợp tương tự khi biết tin một em nữ sinh viên của tôi tự tử chết, để lại nhiều đau xót cho gia đình, thầy cô, bạn bè. Khi ấy tôi đã choáng váng không tin và đau lòng đến trào nước mắt, nhất là khi đọc những dòng chữ tuyệt mệnh của em. Em có kết bạn trên Facebook với tôi. Em xinh xắn, hiền lành, ngoan ngoãn. Thỉnh thoảng em nhắn tôi hỏi bài vở hay xin phép nghỉ học khi bận. Em là một cô bé rất ngoan, rất lễ phép và chu đáo. Vậy mà em đã không vượt qua được những khó khăn, trắc trở của bản thân mình. Khi tôi đến viếng em, tôi chứng kiến cảnh người cha như hóa điên, kêu gào tuyệt vọng và nói những câu vô nghĩa, tự trách mình, rồi sau đó lại khóc đến cạn nước mắt đến mức gào khan thành tiếng.

Gần đây tôi lại đọc được tin tức một cô bé 12 tuổi ở Hà Nội tự tử và chỉ để lại một dòng chữ tuyệt mệnh: “Tạm biệt, tôi đi nhé”. Chắc chắn là dòng chữ ấy không để lại cho cha mẹ của cô bé. Dòng chữ ấy là viết trong nỗi bế tắc tận cùng khi mà không có ai bên cạnh để chia sẻ. Cô bé mất đi rồi, chỉ còn để lại sự ân hận, nuối tiếc của cha mẹ, người thân. Khi một cô bé 12 tuổi xưng là tôi, ẩn sau đó là điều gì? Là sự hoang mang, u uẩn khi đối diện với cuộc đời, mà nhiều khi sự hoang mang ấy bắt đầu từ những điều rất nhỏ nhặt, chỉ cần người lớn có chút thời gian ngồi lại với cô bé, bình tâm nói chuyện nhẹ nhàng để giải tỏa tâm lý cho độ tuổi teen, tuổi nổi loạn. Đừng bao giờ to tiếng với con, đừng bao giờ ra những mệnh lệnh theo kiểu áp đặt và nhớ một điều rằng hãy dành nhiều thời gian cho con mình trong điều kiện tốt nhất có thể.

Cách đây ba năm báo chí đăng ồn ào về tấm thảm kịch một em học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến ở TP.HCM tự tử. Lúc đọc chi tiết em học sinh này quay lại nhìn bạn cười rồi nhảy xuống, tôi đã ứa nước mắt… Mới đây thôi, chúng ta thấy có nam sinh viên từ Bình Định vào Sài Gòn đeo ba lô chứa 10kg đá nhảy xuống sông tự tử. Gần đây nhất là một nam sinh lớp 10 trường chuyên Hà Nội – Amsterdam tự tử trong tiếng thét gào bất lực của cha mẹ, để lại một lá thư tuyệt mệnh… Tôi lại một lần nữa trào nước mắt.

Nhiều năm đi dạy, tôi đã chứng kiến quá nhiều những cha mẹ kỳ vọng như thế và những bi kịch tương tự đến với con cái. Với những người thân thương ở lại, người mất đi có thể là nỗi đau, nhưng cũng có khi sự tự tử ấy rơi vào thinh không. Tôi đã từng chứng kiến những chuyện thật ngoài đời, bế tắc vì tình, cô gái tự tử, chẳng bao lâu chàng trai đã vui duyên mới với một cô gái khác. Có cô vợ bế cả con tự tử với ý định để lại cho người chồng nỗi ân hận suốt đời, nhưng cũng chỉ vài năm sau, anh ta đã có một gia đình mới. Khi ấy cái chết của người ta trở nên vô nghĩa, chỉ làm thiệt mạng chính bản thân mình, như một viên đá ném xuống mặt hồ, có thể xao động nhưng rồi mặt hồ nhanh chóng bình lặng. Vậy nên đừng bao giờ đánh mất sinh mạng bởi những kẻ mau chóng quên lãng mình như vậy, không đáng chút nào cả.

Nhưng đây là câu chuyện của những người lớn. Còn thực tế, khi mà nuôi một cô bé, cậu bé đến khi gần trưởng thành, cô bé, cậu bé ấy lại xa rời cha mẹ mãi mãi, thì bất cứ bậc cha mẹ nào cũng đau đớn và không nguôi ngoai cho dù năm tháng đã qua đi. Vậy khi chúng ta còn trẻ, chúng ta phải tự yêu quý bản thân mình. Sinh mạng của chúng ta là quý giá và không ai có quyền tước đoạt, kể cả chính chúng ta. Cuộc đời của chúng ta còn rất dài, đường đi của chúng ta còn ở phía trước và chúng ta còn cả một cuộc đời để sống, để làm việc, để yêu thương. Một ai đó không yêu thương mình thì chúng ta còn có tình yêu thương của những người khác. Mọi trắc trở, khó khăn trong học hành, công việc đều có thể được giải quyết nếu mình chọn được những giải pháp thích hợp.

Trong truyện ngắn “Khi người ta trẻ” tác giả viết, khi chúng ta còn trẻ, chúng ta điên đến mức nào và chúng ta cần bạn bè an ủi biết bao nhiêu. Đúng vậy, khi chúng ta cô đơn, chúng ta buồn nản, chúng ta tuyệt vọng, chúng ta hãy tìm đến với những người có thể chia sẻ với chúng ta, động viên, an ủi chúng ta, trước hết đó là cha mẹ. Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài cho đến khi lòng mình tạm ổn, tim mình bớt đau.

Khi có ý nghĩ tự tử trong đầu, hãy nghĩ đến những người bị tai nạn, những người mắc bệnh hiểm nghèo, những người có hoàn cảnh khổ sở hơn mình. Họ là những người thiệt thòi, bất hạnh, đau yếu nhưng tại sao họ vẫn chiến đấu hàng giờ, hàng ngày cho sự sống của mình. Vậy tại sao chúng ta, những người mạnh khỏe, có học thức, có gia đình, chúng ta lại tự tước đi cuộc sống của mình? Cứ nghĩ xem: Ai bất hạnh hơn ai? Các bạn hãy nghĩ để từ đó đừng bao giờ làm những điều dại dột.

Nhiều người cho rằng: người mất là chuyện hết. Đúng. Nhưng nỗi đau này chỉ khép lại khi chúng ta bớt nói về nó. Cần tôn trọng gia đình người đã khuất, đừng bàn tán, bình phẩm nọ kia, làm xoáy sâu vào nỗi đau của họ. Người đã khuất cũng cần được bảo đảm những điều riêng tư cá nhân. Trước một cái chết của con người, nói quá nhiều về điều đó, gây thêm những nỗi đau cho người ở lại, nhất là khi người ở lại là người có lỗi, đó là điều tàn nhẫn. Tôi mong rằng các bạn hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người thân, của bạn bè người đã khuất, thì sẽ hiểu được bản thân mình phải ứng xử như thế nào.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Thương hiệu trà Việt nổi tiếng (https://songhytra.com/)
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!