(MTD) Tết là dịp sum họp gia đình, là lúc những thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên nhau để gói bánh chưng, để làm mứt và để cùng nhau lau dọn nhà cửa chuẩn bị cho một năm mới yên bình. Đối với tôi, có lẽ cuộc đời là “những chuyến đi” mà những chuyến đi của tôi bao giờ lâu lâu mới về nhà một lần nên ba mẹ tôi ngóng tôi từng ngày đặc biệt là những ngày cận Tết.
Tôi nhận công tác tại một huyện nghèo nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, một nơi tôi chưa từng đặt chân đến bao giờ với không gian đặc trưng phố núi với nhiều gió, nhiều sương và người ta ví đất này là “tiếng gọi của đại ngàn”. Tôi chỉ nghe nói rằng, đất Tây Nguyên khô cằn sỏi đá nên người Tây Nguyên kiên trì và bền bỉ nên chính mảnh đất Tây Nguyên đã rèn cho tôi sự chịu khó, nhiệt huyết khi sống xa nhà.
Những đứa con xa nhà như tôi luôn háo hức và mong ngóng từng ngày để lên chuyến xe cuối cùng về quê.
Những ngày trước, tôi đã chuẩn bị cho mình những thứ cần thiết, tôi nghĩ rằng Tết về ngắn ngày nên cũng không cần phải chuẩn bị quá nhiều đồ dùng cá nhân. Nhưng thứ tôi không thể quên trong chiếc balô cho chuyến hành trình dài 12 tiếng là tấm hình tôi chụp cùng ba mẹ trước khi rời mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Đó là khung hình tôi nhờ chú Nam, người hàng xóm chụp giúp tôi, chú ngắm nghía mãi và chọn góc chụp ưng ý nhất mới có tấm hình đẹp hôm nay. Tôi luôn trân trọng và giữ gìn tấm hình kĩ lắm, tôi đặt ngay ngắn vào góc nhỏ làm việc của tôi để mỗi lần nhớ ba mẹ, tôi ngắm một hồi lâu và nghĩ những khoảnh khắc vui cùng ba mẹ.
Chuyến xe chở tôi đoàn viên với ba mẹ cũng đã bon bon trên đường về quê sau những ngày chờ đợi. Trên chuyến xe về quê ăn Tết, hầu hết là những người sống xa quê như tôi nên mặt ai cũng hớn hở vui mừng vì sắp được gặp gia đình, người thân và bạn bè. Tết năm nay ở quê tôi lạ lắm, nó không giống như những cái Tết xưa. Nhà nhà, người người đổ xô đi du lịch dài ngày thay vì đi chúc Tết theo kiểu truyền thống rồi nhóm bạn trẻ nam thanh nữ tú đến những dãy phố chụp hình kỉ niệm cùng nhau với đầy đủ những sắc đỏ vàng tím.
Nhưng với tôi chỉ mong Tết về và Tết thật nhiều ngày hơn để ở được lâu với ba mẹ và những người thân yêu, nên trong tôi thèm nhanh được về bên ba mẹ.
Nếu ai đã từng nói, dù lớn khôn chừng nào, dù tuổi đã trưởng thành bao nhiêu thì khi ở bên ba mẹ thì con là đứa trẻ dại khờ và bé bỏng. Quả đúng thật vậy! Càng lớn, thấy cuộc đời có nhiều thứ phải lo toan gồng gánh và những công việc toan tính khoả lấp hết thời gian nên tôi chỉ muốn mình bé lại để được ba mẹ tôi ôm chặt bằng những cái ôm yêu thương dành trọn.
Quy luật của tạo hoá muôn đời, mùa xuân năm nào cũng đến rồi đi nhưng Tết thì chưa chắc ai cũng được sum họp với gia đình.
Với thế hệ chúng tôi, Tết xưa thường gắn với sự nghèo đói và giá lạnh, có khi là những mùi vị của bánh chưng, mứt Tết trong những ngày trước và cận Tết.
Những ngày cận Tết, ba luôn cố gắng làm hết sức lực, ba nói: “ba cố gắng làm nhiều để cả nhà có cái mà ăn trong ba ngày Tết”, ba không để tụi tôi thua thiệt đám bạn trong xóm. Còn mẹ thì tỉ mỉ rửa từng lá dong, vo nếp và đỗ xanh thật kĩ rồi lựa chọn những miếng thịt vừa nạc vừa mỡ chuẩn bị gói bánh chưng. Năm nào cũng vậy, tôi luôn được mẹ gói cho một chiếc bánh chưng đặc biệt, nhỏ gọn nhưng đầy yêu thương.
Đêm cuối cùng của năm cũ, một bên là những chiếc bánh chưng nóng hổi, sôi sùng sục thì mẹ tôi cũng không quên làm món mứt gừng truyền thống của gia đình. Mẹ nói, món mứt gừng để được ngon về thành phẩm và chất lượng thì phải chọn những củ gừng bánh tẻ, không quá non, cũng không quá già và phải chú ý để lửa vừa cho phù hợp và tay phải đảo mứt nhẹ nhàng, đều và liên tục. Cái cảm giác ngồi đảo mứt gừng cùng mẹ bên cạnh căn bếp nhỏ với mùi khói của củi than và chảo gừng sôi lăn tăn, mùi mứt gừng thơm nồng cảm giác ấm áp đến lạ thường.
Năm nào cũng vậy, cứ đến thời gian làm mứt gừng, những cơn mưa rả rích trên những tàu lá chuối xanh rơi lộp bộp hoà lẫn là mùi đất theo cơn gió vào căn bếp, hoà lẫn với mùi mứt gừng đang sên trên bếp còn dở dang. Tất cả đã cho tôi thấy Tết xưa tuy nghèo nhưng ấm áp vô cùng.
Hạnh phúc biết bao khi được về cùng ba mẹ trong những ngày cuối năm, lòng tôi sung sướng khôn tả.
Tôi đã cảm nhận Tết về từ những cái nắm chặt của bàn tay của ba của mẹ, từng hơi ấm lan sang tôi, lòng tôi nôn nao như muốn nhảy lên và hét thật to cho cả thế giới được biết, con yêu ba mẹ và yêu lắm. Tôi vui vì Tết chính là ba mẹ, ở đâu có Tết ở đó có ba mẹ.
Tết của tôi đơn giản lắm, thấy ba mẹ khoẻ, ba mẹ vui đó là Tết.
Chỉ mong thời gian trôi chậm và thật chậm để tôi về bên ba mẹ lâu hơn, về với gia đình thân yêu đầm ấm tiếng cười và đặc biệt được ngửi, được nếm và được cảm nhận mùi vị của ngay chính quê hương mình nhưng quan trọng hơn nữa là mùi Tết đặc trưng của quê tôi. Chỉ nghĩ đến thôi, tôi đã cảm nhận khoé mắt mình đã cay và cảm xúc khó tả đến nao lòng.
Hành trình từ Tết xưa đến Tết nay là một hành trình dài với nhiều hoài niệm; với tôi, Tết xưa hay Tết nay chỉ mong rằng được đoàn viên, được vỗ về trong vòng tay ba mẹ, được yêu thương và được hỏi han bằng những câu hỏi chân thành; chỉ vậy thôi là Tết trọn vẹn.
Tôi sẽ còn được bao nhiêu lần ăn Tết với ba mẹ nữa? Tôi không biết. Nhưng chừng nào còn được về bên ba mẹ, đón những cái Tết bên nhau thì tôi còn được thấy mình hạnh phúc.
Có lẽ suốt cuộc đời này, những cái Tết đẹp nhất, hạnh phúc nhất, ấm áp nhất vẫn là những cái Tết được sum vầy bên ba mẹ và như thế Tết mới vui, mới nhiều ý nghĩa. Tôi muốn nói rằng, ba mẹ ơi con về là Tết về, ba mẹ là Tết của con.
Nguyễn Văn Nhật Thành
(Trường THPT Vĩnh Định, H.Triệu Phong, Quảng Trị)
Bạn có chia sẻ hay ký ức gì về Tết, xin mời gửi bài về Mây Thong Dong. Chúng tôi mong được là nhịp cầu sẻ chia đó. Email: truyenthong@maythongdong.vn. Trân trọng!
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn