(MTD) Trong gian nhà yên tĩnh thoang thoảng hương trầm, hai người đàn ông trung niên lặng nhìn nhau. Một lúc lâu sau, người có vẻ trẻ hơn khẽ nói: “Vậy là anh đã về!”. Người được gọi là anh vẫn im lặng, chỉ nhẹ gật đầu.
Thành phố Grenoble nằm trên dãy Alpes ở miền đông nam nước Pháp, gần Ý và Thụy Sĩ. Stendhal (1783 – 1842) – tác giả của Đỏ và Đen – đã sống ở đây 16 năm đầu đời. Trong 13 năm làm việc ở đây, nhà toán học Fourier (1768 – 1830) đã công bố lý thuyết chuỗi lượng giác mang tên ông và thành lập đại học Grenoble (1811) mà sau này đổi tên là đại học Joseph Fourier (1970) rồi đại học Grenoble-Alpes (2016). Grenoble là thành phố của lịch sử, văn hóa, khoa học, du lịch và nhất là của các môn thể thao mùa đông.
Tôi chia tay Grenoble vào một ngày cuối năm, khi nhiệt độ ngoài trời là -3oC. Từ nhà ga nhìn về đại lộ Félix Viallet, tôi còn nhận ra hàng cây tiêu huyền trơ cành xương xẩu, in bóng lên dãy Vercors mờ xa phủ đầy tuyết trắng. Sau lưng tôi là một Grenoble mùa đông bi tráng với bông tuyết đang lặng lẽ rơi trên những hàng cây trụi lá. Trước mặt tôi sẽ là một hành trình dài qua hai lục địa và hai không gian văn hóa để trở về ăn tết ở quê hương, nhất là để thăm nơi ở mới của má.
– Má mong anh lắm! – Người em xúc động nói.
– Anh cũng nhớ má! – Người anh vẫn cúi đầu và đáp với giọng nghèn nghẹn cùng bờ vai rung rung.
Grenoble – Lyon: 1 giờ xe buýt, Lyon – Paris: hơn 1 giờ bay, Paris – Sài Gòn: gần 12 giờ bay, Sài Gòn – Phan Thiết: gần 5 giờ tàu hỏa. Nếu cộng thêm thời gian trung chuyển và chờ đợi ở các nhà ga và sân bay, tôi đã trải qua hai ngày, một đêm thức trắng mà không thấy buồn ngủ. Nhiều năm sau, tôi nhận ra rằng điều này không chỉ là sự hưng phấn mà còn là niềm hạnh phúc bất ngờ đến với người đang đợi chờ và hy vọng (hạnh phúc đôi khi không phải là sự toại nguyện mà kết thúc cùng với sự toại nguyện).
Phan Thiết vẫn chưa phải là điểm đến cuối cùng của tôi. Nơi ở mới của má tôi là một miền quê yên bình cách Phan Thiết 10 km. Hai bên đường, thảm lúa chiêm đang giỡn gió, tạo thành những gợn sóng lăn tăn, nối nhau nhô lên, hụp xuống đến tận chân trời. Dường như má tôi đang đứng trước ngõ, một tay đưa nghiêng nón lá lên che nắng, tay kia cầm bó hoa huệ Đà Lạt. Màu hoa rất hợp với màu áo dài má đang mặc. Má còn rất trẻ và rất đẹp. Má nhìn tôi mỉm cười như muốn nói con trai má về rồi.
Ai đó đang đốt nhang. Mùi nhang thoang thoảng chợt gợi cho tôi một kỷ niệm tết buồn thời bao cấp. Năm đó, nhiều hộ gia đình không biết làm gì với số bột mì ăn độn được bán theo tiêu chuẩn. Má tôi nảy ra sáng kiến mua lại số bột mì đó, gia công thành mì sợi và đem bán ngoài chợ nhân dịp tết. Chẳng may, quản lý thị trường tịch thu toàn bộ số mì sợi. Cụt vốn, không tiền mua sắm, cả nhà tôi ăn tết bằng món canh cà nấu với vài con cá khô éc còn sót lại. Bàn thờ tổ tiên chỉ có duy nhất món “khói nhang”. Vậy mà món canh đỡ đói ấy lại ngon đáo để. Hương vị và kỷ niệm ấy cùng theo tôi sang Pháp, cùng hiện về trong những chiều buồn ngồi tưởng nhớ và lại cùng tôi trở về.
Nhang vẫn thoảng. Nắng đã lên cao. Tôi bước ra khỏi nghĩa trang – nơi ở mới của má. Hôm nay là lễ cúng 49 ngày cho người, cũng là ngày đầu tiên tôi trở về Phan Thiết. Má mất khi tôi đang ở Grenoble và không về ngay được. Bây giờ thì tôi có thể thường xuyên ghé thăm người. Di ảnh của má trên bia mộ vẫn nhìn theo tôi mỉm cười như muốn lặp lại con trai má về rồi.
– Khi nào anh đi lại? – Người em hỏi.
– Anh sẽ ở lại đây, không đi đâu nữa. – Người anh nhẹ nhàng đáp rồi đứng dậy vỗ nhẹ vai em. Anh tiến tới bàn thờ và thầm thì với người vừa khuất.
Con về rồi má à! Con về để thăm má. Con về để ngồi yên nhìn má. Con về để ăn món canh cà cá khô éc mà má từng nấu vào mồng một tết… Má đã dạy anh em con đánh vần. Má đã dắt anh em con đến trường vào buổi học đầu tiên. Má đã nấu cho anh em con món ăn ngon nhất vào thời của má, món ăn mà bây giờ ít người biết đến nhưng chúng con vẫn ghi sâu tận đáy lòng, món ăn mà có thể con của con không thích nhưng cháu của con sẽ đi tìm với biết bao hoài niệm về một cái tết nghèo nhưng đầm ấm, sum vầy.
Trường Lân
(Phan Thiết, Bình Thuận)
Trường Lân là bút danh của Tiến sĩ Trần Lương Công Khanh, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận.
Tiến sĩ Trần Lương Công Khanh được biết đến là tấm gương hiếu học và tận tụy với sự nghiệp giáo dục tại quê nhà. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Trần Lương Công Khanh học đại học, bảo vệ luận văn thạc sĩ với số điểm tuyệt đối và nhận được học bổng của AUF (Tổ chức đại học Pháp ngữ) để làm nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Pháp. Tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, chủ tịch hội đồng tuyên bố nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tin xếp loại “xuất sắc cộng với lời khen của hội đồng”, xếp loại cao nhất ở Pháp thời đó.
Sau khi bảo vệ luận án, ông nhận được nhiều lời mời làm việc, nhưng ông đều từ chối để quay về với xóm chài quê hương. Từ đó đến nay, ông giảng dạy, làm việc tại Bình Thuận, hết lòng chăm lo cho giáo dục của tỉnh nhà.
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC: