Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Bài viết tham gia dự án sách “Mùi nhớ”: Mùi chùa quê

(MTD) Chắc hẳn mọi người đều đồng ý với tôi rằng, nếu cuộc sống này không xuất hiện mùi hương và khứu giác ta không phân biệt được mùi hương, thì mọi thứ sẽ tẻ nhạt và buồn chán lắm thay.

Mỗi ngày thức dậy, còn được “nghe” mùi thơm của bụi cúc trước vườn, mùi hành ngò mẹ thường nêm vào canh, mùi của nhang trầm nội đốt mỗi tối hay mùi của không khí thành phố lúc về khuya… và vô số mùi hương cuộc sống khác, thì chúng ta, bạn và tôi đều còn may mắn.

Có những miền nhớ chỉ đọng lại qua mùi hương, tôi cũng không ngoại lệ. Nhân duyên tròn đủ khi tôi gặp được thầy Y chỉ (Y Chỉ sư – NV), mà tôi hay gọi là Sư phụ, thì nay khi viết lại những dòng hồi tưởng này, đã hơn 13 năm. Thời gian là thứ bào mòn tất cả và làm dày lên ký ức.

Kiểng chùa quê, mang đậm hơi thở cuộc sống nông thôn an bình. Ngôi chùa nhỏ nằm cạnh dòng sông lớn trước mặt, bao bọc xung quanh là vườn dừa, gió thổi tới đâu nghe mát rượi và rì rào tới đó. Vậy mà, giữa cuộc sống hiện đại, khi hàng loạt công trình tôn giáo sững sững mọc lên, đồ sộ và mỹ nghệ, với nhiều kỹ thuật chiếu sáng hút mắt, thì Sư phụ vẫn chọn đèn dầu. Thầy dặn: “Vì có hơi lửa ấm đó con”.

Thầy hay nói, “đèn điện bây giờ đẹp, trang nhã, bắt mắt, trang trí sang trọng, nhưng trên chánh điện, có đèn dầu, tự dưng con thấy ấm áp phải không?”. Cái ngọn đèn hột vịt nho nhỏ, cái tim (bấc – NV) cháy đen đen, lớp lọ đóng xung quanh ống khói, rồi còn mùi dầu lửa hăng hắc nữa, kỳ thiệt là lần đầu tiên tôi không thấy dễ chịu chút nào. Thầy nói:

– Giờ đi học bài nghen. Lấy bình dầu lửa với rổ ống khói đi theo thầy.

Lần đầu tiên lao tác của tôi ở chùa thầy, chính là đi châm dầu và thay ống khói. Thầy tinh tế dắt tôi đi một vòng, dạy cho chỗ này mình để đèn làm sao, chọn đèn như thế nào, rồi sắp lại ngay ngắn. Thầy lấy tay đỡ ngọn đèn, tháo ống khói, cầm cái khăn sạch, lấy ngón tay xương xương của vị Ni sư gắn bó mấy chục năm ở đây mà cẩn trọng lau từng ống khói.

  • Có dầu mới có lửa, có lửa thì có khói, khói bay lên thì bám lọ đen. Giống như luân hồi, dầu con nhìn là dầu, nhưng nó cũng là khói, mà khói con thấy nó cũng là dầu.
  • Ah, vậy mọi thứ đều không tướng ha Sư phụ?
  • Phải, vậy mới gọi là vô thường!

Thầy lấy tay mở từng cái nắp đèn, “rồi châm dầu vô đi con!”. Mấy cái đèn đầu, tui châm nhanh quá, dầu đổ tràn ra ngoài; khi đậy lại thì dính tay lem nhem.

  • Bình dầu như cuộc sống ngoài kia, còn bình đèn như cái tâm của con. Con hấp thụ mọi lúc đột ngột, vội vàng thì không ổn, nó sẽ tràn bình, làm tâm con nhiễm ô cái dơ, cái xấu”.
  • Vậy để con châm ít lại!
  • Châm ít quá thì không đủ cháy hết đêm, châm nhiều quá thì đèn ngộp và tràn ra làm dơ xung quanh. Con phải canh chừng cho vừa đủ. Giống như mình, mọi thứ vừa đủ thì mọi chuyện sẽ tươi đẹp.
  • Dạ.

Điều tôi luôn lấy làm ngạc nhiên là Sư phụ không để cho bất kỳ ngọn đèn nào tắt trong lúc làm. Thật hay.

  • Con chỉnh tim đèn đi. Rồi để lên bàn thờ như cũ.
  • Cao vậy được chưa Sư phụ – Thầy nhìn qua thì thấy ngọn đèn bắt khói đen tùm lum. Thầy cười quá trời. Thầy nói, “Bộ tính xây chùa mới cho thầy ha”. Hai thầy trò cười vui.
  • Tim đèn cũng giống như cái thân thể con vậy, con bật lớn quá thì mau hết dầu, nhiều khói, mau tàn tim; bật nhỏ quá thì không sáng, không thành lửa, không ấm.

Cái tim đèn từ từ được kéo xuống qua bàn tay của thầy, ánh lửa giảm dần, nhưng sắc vàng dịu lại, không còn hừng hực và đầy khói đen như trước nữa. Ngọn lửa tròn đều và rất đẹp.

Trời bắt đầu về chiều, nắng hết gay gắt, gió vẫn thổi là cả vườn dừa xào xạc, hơi gió nghe mát rười rượi từ nước sông Hàm Luông thổi lên.

  • Ngọn đèn như con người mình vậy, đủ dầu, đủ tim thì lửa cháy tròn sáng, ống khói ít lọ đen. Ống khói là nơi tích chứa kết quả, nó cũng phương ảnh cuối cùng mọi người nhìn thấy. Mình cũng vậy đó con, mình không tiết chế, không điều độ thì mình cũng thành ra “đen” thui vậy, còn mình không siêng năng, không tinh cần thì mình như ánh lửa le lói, lu mờ không thấy được.
  • Dạ.
  • Ngọn đèn nó phối hợp nhịp nhàng, mọi thứ vừa đủ, nhưng cũng phải có bàn tay con người điều chỉnh. Mình chỉnh được đèn đẹp, thì sao mình không tự chỉnh mình?! Ráng đi con, chỉnh sửa lần lần rồi mình cũng sẽ sáng.
  • Dạ, con hiểu rồi.

Chiều hôm đó, sau bữa cơm chiều, Thầy ngồi tâm sự:

  • Hồi đó trong vườn trong rẫy, nghèo lắm con, làm gì có điện sáng như bây giờ. Đèn dầu mà đốt. Đốt riết nó cũng thành thói quen. Giờ Sư phụ vẫn thích đèn dầu, nó ấm áp và thấy gần gũi.
  • Dạ, con cũng thấy vậy
  • Nhiều người không thích cái mùi của nó đó con; nhưng con nhớ, mùi cho dù thơm tho thế nào, thì cũng là mùi, là cái bên ngoài, đâu biết bên trong là gì.
  • Dạ

Tự dưng thấy lời Thầy chân phương mà gần gũi quá. Xã hội hiện đại, người ta chỉ chăm chăm chạy theo cái bên ngoài, mà đôi khi vô tình hay hữu ý đáng mất cái đẹp bên trong.

  • Vậy cái bên trong mới quan trọng nghen con. Con thấy cái đèn đẹp không?
  • Dạ đẹp, Thầy – Cái đẹp đó con thấy thôi, bản thân cái đèn nó không biết (thấy) nó đẹp. Cái đèn nó chỉ cháy khi nó có đầy đủ những thứ nó cần như dầu, tim, bình đèn, ống khói và mồi lửa. Bây giờ con có nói nó đẹp hay không đẹp thì nó vẫn cháy.
  • Dạ, con hiểu rồi
  • Mọi thứ đều có nhân duyên, nhiều nhân gom lại được một quả, mà quả đó xuất hiện, khi đủ nhân duyên, bất chấp cái nhìn – cái biết của con như thế nào.
  • Dạ. Con cảm ơn thầy.

Bài học rất đơn giản, ngắn gọn. Mình có an lành thì mình sẽ tỏa sáng và lan truyền ánh sáng ấm áp đến xung quanh.

Buổi công phu tối hôm đó, tôi thấy mấy ngọn đèn sáng thật đẹp và ánh lên nụ cười thật hiền của Bụt.

Sau này, khi mỗi lần về chùa Sư phụ, tôi đều theo Thầy đi châm dầu, lau ống khói, để được tận hưởng mùi đèn, mùi của tỉnh thức và chánh niệm. Sau này, bất giác gặp lại mùi hương đó, thì thấy trong đó có Bụt, có Sư phụ, có đại chúng và có cả mình.

Thì ra, đốt đèn cũng là một phép tu. Bài học đầu tiên nơi cửa Thiền đầu đến từ ngọn đèn dầu, mùi của dầu lửa, mùi của lọ than ống khói, đọng lại sau mỗi tối, mà tôi hay gọi là mùi chùa Sư phụ.

Cảm ơn ngọn đèn.

PTNT – Minh Mẫn
(California, ngày 9 tháng Chạp, Tân Sửu)

Nhang Bảo Trầmhttps://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
🛒 Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
🛒 Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
🛒 Lazada: https://info.baotram.vn/lazada

Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà
  • BÀI CÙNG MỤC:
Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!