(MTD) Mấy bữa trước, bức tường này (ảnh) được dựng lên ngay tại trung tâm thành phố Hà Nội. Vì sao người ta phải ngăn đôi con đường này theo chiều dọc mà không phân thành khu vực như những nơi khác?
Vì bên trái và bên phải của con đường này là 2 phường khác nhau, nếu có F0 của phường nào thì là của phường đó. Rõ ràng, người dân vẫn hoạt động bình thường qua bức tường này, hiệu quả chống dịch hoàn toàn không có, mà nếu có sự cố gì thì lực lượng chức năng không thể tiếp cận được. Việc làm này sau đó bị UBND TP.Hà Nội yêu cầu gỡ bỏ, và được biết đây không phải chủ trương của quận hay TP mà là do địa phương tự làm.
Thế, văn hoá làng xã kiểu này có lợi hay hại? Đương nhiên có mặt tốt thì cũng sẽ có mặt xấu. Vốn dĩ, làng xã miền Bắc Việt Nam được vẽ ra với cây đa, giếng nước, sân đình. Rồi cây chuối, vườn rau, khói lam chiều bay bay các kiểu. Nhưng đằng sau luỹ tre làng, bạo lực làng xã cũng tiềm tàng theo đó.
Năm Minh Mạng thứ 14, quan tam phẩm đại thần – bố chính Nguyễn Khắc Hài đi khám đê Đông Ngàn. Đến nơi thì ông bị một nhóm giặc cướp đuổi giết. Đại Nam thực lục ghi chép lại, ông cùng binh lính của mình chạy đến làng Đông Xá để gọi cứu viện thì bị dân làng đóng cửa lại, nhốt bên ngoài và không cho vào trong. Kết quả, quan bố chính cùng binh lính của mình bị giết sạch. Tin báo về triều đình, vua Minh Mạng nổi giận vì một quan chức cấp cao (tương đương hàm cục trưởng) lại phải chết do lệ làng, ông cho người điều tra và xử tử 20 người hôm đó đã đứng chặn ở cổng làng.
Không phải không có căn cứ mà người ta bảo phép vua thua lệ làng, lịch sử cho thấy sự hình thành bạo lực từ văn hoá làng xã có thể kéo đến việc những trung tâm quyền lực ở Trung ương bị thoái hoá quyền lực. Thậm chí, Hoàng Lê Nhất Thống Chí viết: Vua Tây Sơn sợ, trên đường hành quân không dám vào ngủ trong nhà dân; tối đâu giăng màn ra giữa đồng ruộng ở đó mà ngủ, còn các quân sĩ thì đều ngủ lộ thiên. Bởi vậy, khi tới kinh sư, đám quân chỉ là đoàn người mặt mũi hốc hác, coi không ra bộ quân của vua chúa”.
Những câu chuyện trên chỉ là những minh chứng nhỏ trong việc sau luỹ tre làng, văn hoá bạo lực có xu hướng tăng cao. Nếu không, đã không có anh Dậu nằm vật vã ở sân đình hay Chí Phèo và câu chuyện với nhà ông Bá Kiến, lý Cường.
Ở một nhà nước pháp quyền thì phép vua không được thua lệ làng. Tôi tin tưởng vào luật pháp Việt Nam lắm, thế nhưng, các chính sách chống dịch cuốn chiếu như thế này có đang tạo ra những ngôi làng ngay trong trung tâm thủ đô không? Nếu không thì tại sao người ta vì thành tích, ngăn đôi hai phường ra mà làm xong thì cấp trên mới phát hiện để dở bỏ?
Về cơ bản, dù rằng người ta chưa bạo lực vật lý với nhau, nhưng sự kì thị và phân biệt đối xử đã là một sự bạo lực lớn về tinh thần của người dân 2 bên bức tường rồi.
Tại sao tôi chia sẻ câu chuyện này? Vì ngay trong sáng nay, đồng nghiệp của tôi nhắn tin rằng bạn không thể đi làm được vì đầu ngõ bỗng dưng bị chặn dù mấy ngày nay nó vẫn yên bình. Con ngõ nhỏ bé bị cô lập với xung quanh. Bác tổ trưởng không cho ra vào dù rằng cô bạn thuộc diện ưu tiên công tác. Có nơi, bác tổ trường còn bảo: Không biết, cấp trên nào cho đi thì lên đấy mà xin?!?
Như đã nói, tôi tin tưởng vào pháp luật và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nhưng có lẽ chúng ta cần nhìn nhận lại các chính sách này. Không thể để một văn hoá làng xã tự trị xuất hiện ở ngay lòng thủ đô. Nếu là nơi cần cách ly thì cách ly, là nơi cần bảo vệ thì bảo vệ. Có nên chăng đánh đổi nguy cơ lây nhiễm với nguy cơ hoả hoạn mà không tiếp cận được xe chữa cháy hay nguy cơ người dân chết vì những căn bệnh khác mà không có xe cứu thương?
Hoan nghênh TP.Hà Nội có biện pháp dỡ bỏ kịp thời, và mong rằng sẽ không có ai phải chết vì những mệnh lệnh tự phát cấp làng xã như thế này nữa.
Nhà báo Nguyễn Phúc Cao Trí
(BTV Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM)
Ảnh: TTXVN