(MTD) Thợ thủ công chuyên sản xuất giấy Washi Nhật Bản, cô Masami Igarashi, là người đã vận dụng thành công phương pháp tái chế rau củ quả thừa, biến chúng thành giấy để viết, hay một số vật dụng hữu ích khác.
Về giấy Washi
Giấy Washi hay Wagami là tên gọi một loại giấy đặc trưng của Nhật Bản, được làm theo phương pháp thủ công, lấy nguyên liệu từ vỏ của cây Gampi, Kozo hay Mitsumata, đồng thời cũng có thể được làm từ tre, cây gai dầu, gạo, hay từ lúa mì…
Những năm 610 sau công nguyên, giấy được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản, bởi các Tăng lữ Phật giáo, những người thường sử dụng giấy để viết kinh Phật. Đến năm 800, công nghệ làm giấy của Nhật Bản bắt đầu phát triển, giấy Washi ra đời với màu sắc, kết cấu và kiểu dáng đa dạng.
Giấy Washi từ rau củ quả thừa
Cô Masami Igarashi là một thợ làm Washi thủ công truyền thống ở miền trung Nhật Bản, với 25 năm kinh nghiệm sản xuất Washi, cô đã miệt mài tạo ra nhiều sản phẩm giá trị, đặc biệt là “Food Paper” – giấy làm từ thực phẩm thừa.
Năm 2020, lấy ý tưởng từ con trai của mình, Yuto (năm nay 16 tuổi), cô Igarashi đã thành công trong việc tạo ra giấy viết và các sản phẩm liên quan, bằng cách sử dụng những phần rau củ quả hư, hay phần vỏ thừa bị bỏ đi sau quá trình chế biến nông sản, thực phẩm.
Được biết, từ nhỏ Yuto đã có niềm đam mê sản xuất giấy, đặc biệt là loại giấy Washi truyền thống. Hướng đến xu thế thân thiện môi trường và tận dụng các nguồn nguyên liệu tại nhà, chính Yuto là người tiến hành nghiên cứu trong 5 năm và cùng mẹ xây dựng nên thương hiệu “Food Paper” hiện nay.
Igarashi kỳ vọng, “Food Paper” có thể mở rộng sản xuất bằng các loại máy móc cơ khí và qua đó tiến tới sản xuất hàng loạt trong tương lai, đưa “Food Paper” trở thành một loại giấy tiêu chuẩn thân thiện môi trường.
Những lợi ích mà “giấy tái chế” mang lại
“Food Paper” vừa giúp giảm lãng phí thực phẩm, lại thân thiện môi trường, do loại giấy này dễ phân hủy. Mặc khác, việc tái chế các phế phẩm thực vật còn tạo ra nguồn cung ứng phong phú cho công nghệ sản xuất giấy Washi truyền thống, giải quyết tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Việc trộn rau để làm giấy cũng giải quyết một vấn đề khác – thiếu cây dâu tằm được sử dụng để làm washi. Ngày càng ít nông dân sản xuất loại cây này, buộc một số thợ thủ công phải tự trồng. Giấy thực phẩm có thể được làm bằng một nửa lượng dâu tằm.
Igarashi đã đến thăm nhà máy chế biến thực phẩm Best Agri Foods, nơi chuyên gọt và cắt rau củ cho các nhà bếp tại các cơ sở bệnh viện hay trường học. Mỗi ngày có hàng trăm kilogam vỏ và các chất thải thực vật khác được nhà máy này thải bỏ. Và, chúng được “chia sẻ” cho Igarashi.
Cô cũng tìm đến nhiều nhà máy sơ chế và sản xuất rau củ quả khác, đề nghị họ để lại cho mình những phần rau củ quả thừa, hay không đạt tiêu chuẩn để trở thành thức ăn. Họ sẵn lòng bàn giao cho cô những vật liệu này, vì việc đó giúp tiết kiệm được chi phí loại bỏ rác thải hàng ngày.
Một điểm cộng đặc biệt đối với “Food Paper” là mùi hương. Vì sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên, nên không chỉ đơn giản là một tờ giấy, “Food Paper”còn chứa đựng cả hương vị đặc trưng của từng loại nguyên liệu làm ra nó trong thời gian rất lâu.
Du Mục tổng hợp
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn