Bài dự thi – Tôi quay người ra khung cửa, thấy quê hương thấp thoáng hiện dần sau những đám mây, bên tai là câu thoại quen thuộc của cơ trưởng: “Máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Phù Cát…”. Lòng chợt khấp khởi đến lạ lùng.
Trụ lại Sài Gòn
Những ngày tháng 8 âm u mưa trong sự ngột ngạt của dây đỏ giăng mắc. Sài Gòn im ắng tiếng xe và thiếu đi giọng nói cười rôm rả.
Đã gần 2 tháng khu phố bị phong tỏa. Ngoài việc nhận đồ cứu trợ, lấy mẫu và tiêm vắc-xin, tôi hầu như không bước chân ra khỏi ngưỡng cửa vốn đã chẳng cao mấy của dãy trọ. Từ guồng quay sáng 8 chiều 5, cuộc sống của tôi chợt trở nên tự bế, kiệt quệ. Mà có lẽ, cũng nhiều người như thế cả thôi.
“Trụ lại Sài Gòn” – chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ dùng cụm từ chua xót này để hình dung về mảnh đất đã cưu mang mình gần 7 năm đằng đẵng. Sài Gòn từng là nơi trú ngụ cho bao phận đời trôi nổi, như tôi, một đứa tỉnh lẻ cố ngụp lặn để vươn lên sống tốt hơn mỗi ngày. Vậy mà giờ đây, nơi những cửa ngõ, chốt chặn, đoàn người với đồ đạc tùy thân, với sự nhọc nhằn trên trán nóng, hối hả nối nhau trên những chiếc xe máy, cố tìm đường rời khỏi. Họ bảo, họ khổ quá rồi…
Tôi lặng người nghe, lặng người tự hỏi.
Chậu hành tự trồng trên ban công đã lên xanh mởn, chợt thấy nhớ món bánh xèo vỏ lá hành mẹ hay làm những bữa mưa rả rích, như cơn mưa tầm tã chiều tháng 8 vậy. Cái mùi gạo thơm phức trong kí ức xa xôi gợi trong tôi nỗi nhớ quê da diết. Giá mà lúc này được về với mẹ…
Chẳng vì điều gì khác, chỉ bởi mẹ từng bảo: “Mệt quá, thì về”.
Trở về
Những ngày “sấp mặt” đi làm, quỹ thời gian của tôi trở nên ít ỏi. Sự giao lưu gói gọn trong các mối quan hệ cũ. Dù thỉnh thoảng cũng lựng khựng vài lần khi nghe đôi câu xứ nẫu, nhưng rồi chỉ biết cười nhẹ bỏ qua. Ai cũng bận cả: bận mưu sinh.
Tháng ngày Covid càn quét thành phố, tôi thất nghiệp. Cái bận trước đó chợt trở nên xa xỉ. Khi tất cả mọi thứ bỗng dưng đắt đỏ, tình đồng hương mà tôi quên lãng lại rẻ chỉ có “0 đồng”: ấy là phần quà cứu đói, là gói trở về quê. Những con người trọ trẹ tiếng Bình Định đặc sệt dù ở Sài Gòn mấy mươi năm trở thành mối nút, thắt chặt bao đồng hương nơi xa xứ.
Tỉnh đón chúng tôi về trên chuyến bay phủ toàn màu xanh của đồ bảo hộ. Mỗi người đều ngổn ngang khi rời khỏi Sài Gòn, bởi chẳng biết đây có phải là lần gặp cuối. Cụ bà ngồi dãy bên cạnh mắt nhòe ướt li ti sau tấm kính chống giọt bắn, nức nở bảo đã thu gom phế liệu mấy mươi năm, giờ già rồi, về sẽ không quay lại nữa. Sài Gòn vẫn thân thương trong mắt những người từng gắn bó, dù rằng giờ họ phải quay đi, nhưng không phải vì sợ hãi… Tôi tin thế, qua ánh mắt lưu luyến của mọi người dõi xuống từ ô cửa nhỏ trên máy bay.
Chỉ là, họ khổ quá…
Thấy quê hương, trào nước mắt
Chuyến bay dài 45 phút nhưng lại chứa đủ cung bậc cảm xúc của mọi người. Cô bé ngồi cạnh tôi có vẻ là sinh viên. Sau một hồi ngơ ngác vì lần đầu đi máy bay, em ấy ngắt ngư tháo vội khẩu trang, rút cái ly nhựa đặt ở lưng ghế trước, rồi… nôn thốc tháo. Mặt con bé tái xanh vì say máy bay, trông thấy tội. Tôi loay hoay lục tìm trong túi xách, lấy ra chai dầu gió, ngập ngừng đưa cho em ấy: “Thoa đi cho đỡ”. Người nhận chần chừ, người đưa cũng lúng túng. Tôi biết mọi người cần hạn chế tiếp xúc, và hành động này có thể sẽ kéo theo kha khá phức tạp, nhưng mà, dân quê mình cần giúp, tôi chẳng đặng ngồi yên.
Thôi vậy. Dù sao, lòng mình cũng không áy náy.
Tôi quay người ra khung cửa, thấy quê hương thấp thoáng hiện dần sau những đám mây, bên tai là câu thoại quen thuộc của cơ trưởng: “Máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Phù Cát…”. Lòng chợt khấp khởi đến lạ lùng.
Về rồi…
Nước mắt tôi chợt trào ra. Dù rằng mấy tháng kẹt ở Sài Gòn chưa một lần bật khóc.
Bởi có lẽ, đây là giọt nước mắt đoàn tụ.
Tháng ngày dịch bệnh làm tôi hiểu ra nhiều điều. Ấy là tình thân, là sức khỏe, là giá trị của thời gian bình yên. Những thứ tôi xếp vào một góc nhỏ bụi bặm sau chuỗi ngày mưu sinh, chợt trở thành điểm tựa duy nhất trong quãng đường cách ly phòng chống dịch.
Mong Sài Gòn thân yêu, mong Bình Định nghĩa tình, mong cho cả nước can trường sớm ngày chiến thắng đại dịch!
Thanh Trúc