Bài dự thi – Mùa thu Sài Gòn lắng đọng giọt bâng khuâng, buồn buồn trong những ngày dài giãn cách vì dịch bệnh. Những chia lìa đột ngột, nỗi đau chồng chất nỗi đau… Trong hoạn nạn đó, những trái tim đầy nhiệt huyết dang rộng đôi tay nhân ái như những mạch sông ngòi chín nhánh phù sa, lan tỏa những câu chuyện nhân nghĩa, tử tế đã chinh phục bao người gần xa.
Trong bộ bảo hộ kín mít khẩu trang, các bạn tình nguyện viên đang tiếp sức cùng ngành y lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân dưới cái nắng chang chang như đổ lửa, những giọt mồ hôi thi nhau nhỏ giọt rồi đọng lại sau lớp kính và tấm chắn, bàn tay nhăn rộp, khô khốc, móp méo đến xót xa khi các bạn tháo găng tay y tế. Hình ảnh bạn tình nguyện viên trong bộ đồ bảo hộ xanh kín mít với cây dù mong manh dưới màn mưa trắng xóa làm rung động lòng người. Sau cái nắng, cơn mưa là niềm vui vỡ òa khi cả khu phố có kết quả xét nghiệm âm tính được giăng bảng “VÙNG XANH”.
“F0 đồng hành cùng F0” là những tình nguyện viên từng bị dương tính với Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, sau đó các anh chị ở lại gắn bó, hỗ trợ bệnh viện dã chiến trong việc chăm sóc những người đồng bệnh. Các anh tài xế đảm nhận nhiệm vụ đưa đón y bác sĩ luân phiên đi chăm sóc, điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến, vận chuyển F0 nặng lên tuyến trên, đưa F0 đã khỏi bệnh về tận nhà. Các chị hỗ trợ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân F0 nặng, các anh chị là “cánh tay nối dài” đắc lực của ngành y, góp phần giảm tải áp lực cho đội ngũ tuyến đầu, đồng thời còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bệnh nhân F0 do đã từng trải nên hiểu được tâm trạng và có kinh nghiệm trong thời gian đã từng điều trị bệnh.
Màu áo xanh quân đội trên mọi ngã đường, ngày đêm giữ gìn an ninh, trật tự, lo gói an sinh… Thật tuyệt vời khi các anh còn làm “bà đỡ” bất đắc dĩ. Bình dị, ít lời, làm nhiều hơn nói, nụ cười luôn hòa nhã trên môi. Hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ quân đội lung linh như vì sao sáng. Tôi đã trào dâng cảm xúc khi biết thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, trợ lý quân khí, bí thư Đoàn cơ sở quân sự Thủ Đức, bộ tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh đã nhận nuôi cháu bé bốn tuổi mồ côi vì Covid-19. Hành động nhân văn xuất phát từ trái tim nóng bỏng của một người cha.
Những bảng thông báo thật dễ thương của các chủ nhà trọ làm xúc động lòng người. Cô chủ nhà trọ treo các bịch mì gói hai bên bảng thông báo: “Tình hình dịch bệnh, khó khăn cùng chia sẻ. Vậy 2 tháng tiếp theo các phòng được giảm tiền… Các phòng nếu có khó khăn về thực phẩm hay vấn đề gì, có thể nhắn tin trực tiếp với cô. Sẽ giải quyết. Hãy lấy mì tôm nếu cần”. Những nghĩa cử cao đẹp ấy bắt đầu lan tỏa, hàng loạt phòng trọ cho thuê được giảm tiền. Ngoài giảm tiền trọ cho khu vực mình, họ còn tặng gạo và mì gói cho những khu trọ khác trong hẻm cách ly. Việc giảm tiền trọ không chỉ hỗ trợ phần nào nỗi lo cơm áo của những người lao động nghèo nơi thành phố mà còn giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh ở các miền quê xa xôi có con trọ học ở Sài Gòn.
Nghề shipper đã vất vả càng vất vả hơn trong mùa dịch, họ phải đối mặt với nhiều thứ: đơn hàng giảm, nguy cơ nhiễm bệnh, đã thế còn bị kẻ xấu “bom” hàng. Cảm thương shipper giao hàng trong mùa dịch, bà Hồng Hà bán đồ ăn vặt ở Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức đã rất tử tế với bảng thông báo: “Tài xế bị khách bom hàng, cứ trả hàng về cho quán, quán sẽ gửi tiền lại cho tài xế. Dịch khó khăn, quán không để tài xế ôm hàng. Yên tâm!”. Sự tử tế của bà đã làm ấm lòng biết bao shipper và còn thức tỉnh được những kẻ “bom” hàng.
Vui biết bao khi những phần tiền nhà nước hỗ trợ trong mùa dịch được nhường lại, tặng cho người khó khăn hơn. Những “chuyến xe yêu thương”, “phiên chợ nghĩa tình”, “siêu thị 0 đồng”, “bếp thiện nguyện” với hộp cơm ngon cùng dòng chữ ghi trên hộp thật đáng yêu gửi đến người phục vụ tuyến đầu, những nghĩa cử đẹp lan tỏa khắp mọi hẻm sâu, ngõ nhỏ. Cô tổ trưởng dân phố nơi tôi ở luôn dãi nắng, dầm mưa để thông tin kịp thời từ việc kêu gọi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng, phát gói hỗ trợ an sinh… Nhiều hôm đã chuẩn bị đi ngủ, tôi vẫn nghe tiếng cô đi thông báo. Có group zalo của khu phố nhưng do nhiều người cao tuổi không sử dụng được nên cô thường phải đi trực tiếp như thế.
Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, chỉ hơn bốn tháng mà hàng chục ngàn người đã chết, hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh phải ly tán gia đình. Biết bao số phận bi thương chất chứa trăn trở, giữa thời điểm cả nước đang đối mặt với đại dịch đầy cam go, những câu chuyện tử tế như tia nắng ban mai nối dài sự sống, thông điệp tình người tiếp bồi năng lượng với niềm tin chiến thắng.
Nguyễn Lê Ái Ngọc
(SV Trường ĐH KHTN TP.HCM)