Bài dự thi – Đã bước sang tháng 9 rồi, tình hình dịch trong nước có dấu hiệu tích cực nhưng kết quả vẫn không như chính phủ và người dân mong muốn.
Trong đợt dịch này Sài Gòn và nhiều tỉnh trong miền Nam đã phải chịu tổn thất rất nặng nề đặc biệt là tổn thất về con người. Những gia đình phải mất đi người thân trong đau thương, không một lời từ biệt, người dân sống trong cảnh thiếu lương thực, đồ dùng sinh hoạt. Hay những bác sĩ, y tá, lực lượng quân đội, tình nguyện viên luôn giữ vững tinh thần thép ngày đêm giúp đỡ mọi người vượt qua mùa dịch. Họ luôn hướng tới một bức tranh tương lai Covid được đẩy lùi, cuộc sống lại được phủ màu xanh lá.
Hà Nội trong tháng 9 này cũng không còn màu vàng thu thơ mộng, những làn gió lay động lòng người như mọi năm nữa, thủ đô cũng gồng mình chiến đấu với đại dịch, và luôn là hậu phương vững chắc sẵn sàng mỗi khi miền Nam cần sự giúp sức.
Những ngày đầu giãn cách xã hội người dân chỗ tôi đều ở nhà và chấp hành các chỉ thị của nhà nước. Tôi là nhân viên sale, có lần gọi tư vấn cho khách về sản phẩm bên mình, khách nói: “Chị ơi dịch này em không đi làm, tiền ăn, tiền học cho con còn không có, em làm sao giám mua thuốc cho em, chị thông cảm giúp em nhé”. Lúc đó tôi không biết nên phản ứng như thế nào vì mình đã tư vấn cho nhiều khách nhưng đây là lần đầu mình nhận được sự từ chối đó. Chỉ vội nói: “Em chúc chị và gia đình có nhiều sức khỏe”.
Sau đó tình hình dịch bệnh ngày một căng thẳng hơn, nhiều tỉnh từ Bắc vào Nam đều dừng tiếp nhận đơn hàng. Công ty tôi có quyết định cho nhân viên tạm nghỉ. Vậy là những ngày tháng trong “ở yên” chính thức bắt đầu. Hằng ngày tôi vẫn dậy khá sớm, đọc những bài báo về tình tình dịch, thấy mọi người đăng tình hình trong Sài Gòn mà ngỡ đó là phim chứ không phải cuộc sống đời thực. Tôi đã lướt qua rất nhanh và không dám nhìn vào những bức ảnh đó. Thực sự người dân ngoài Bắc quá may mắn và cũng ý thức được phần nào sự nguy hiểm đúng với cái tên đại dịch toàn cầu Covid-19.
Và rồi những ngày tiếp theo chính phủ quyết định giãn cách xã hội lần 2, những ngày tháng “ai ở đâu ở yên đó” lại tiếp tục diễn ra. Tôi tự hỏi không biết khi nào mới được hít lại “mùi tự do”. Một ngày giữa tháng 8, khi khu vực mình ở xuất hiện ca F0, khu vực mình là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất Hà Nội, vì vậy tỷ lệ lây nhiễm rất cao. Ngày hôm sau tất cả người dân trong khu tôi ở được đi test Covid. Lúc về tôi nhớ nhà và rất muốn về quê, được sống cùng mọi người trong gia đình, được hít bầu không khí của sự bình yên, không khó nhọc. Sau đó khu mình được thông báo các tòa khác đều âm tính.
Sau đợt giãn cách thứ 2 chính phủ tiếp tục giãn cách xã hội thêm lần 3. Tôi có gọi điện cho bạn mình và nói: “Tớ muốn đi vào trong Sài Gòn làm tình nguyện viên giúp đỡ mọi người”. Sau câu nói đó tôi quyết định tìm các câu lạc bộ tình nguyện và hi vọng được đóng góp sức mình giúp đất nước sớm đầy lùi dịch bệnh. Hằng ngày tôi miệt mài tìm các câu lạc bộ đăng tuyển tình nguyện viên, đăng ký rất nhiều nhưng không thấy bất kỳ phản hồi nào. Tôi vẫn cố gắng, đọc từng bài, từng bài, hi vọng có thể tham gia vào các đội, đoàn giúp đỡ cho người dân, xã hội.
Một lần tôi thấy một bài viết đăng tuyển tình nguyện viên ở vùng đỏ – vùng có các F0, F1, F2… tỷ lệ lây nhiễm rất cao. Người đăng bài có báo mình phải suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định đăng ký vì khi tham gia phải ở đó cho đến khi khu vực đó hết phong tỏa. Tôi có suy nghĩ một chút và quyết định đăng ký, vì mình đã tìm rất lâu là không có nhóm nào ngoài Hà Nội phản hồi. Nhưng sau khi thấy mình đăng ký thì người tìm tình nguyện nhắn lại báo với tôi bên khu họ cần tình nguyện nam. Tôi lại thấy cảnh bốn bức tường trong “tù” càng ngày càng hiện rõ và gần hơn. Tôi vẫn tiếp tục đọc các bài đăng nhưng đa số là các bài viết trong Sài Gòn cần tình nguyện giúp đỡ. Tôi thật sự không ngại vào Sài Gòn nhưng dịch rất căng, không thấy đoàn nào từ Hà Nội vào trong Sài Gòn viện trợ.
Và rồi niềm hi vọng lại gõ cửa với mình. Trong nhóm có một chị đăng tìm tình nguyện ở vùng đỏ và phải ở khu cách li đến khi quận đó hết phong tỏa. Tôi rất vui vì được chị ấy gọi điện hỏi: Em có thể đi luôn không? – “ Dạ em đi được chị ạ, nhưng em chưa tiêm có được không chị?”. Chị ấy chỉ nhẹ nhàng và nói: “Vậy chị xem lại em nhé, có gì chị báo em sau”. Chờ nửa ngày không thấy chị ấy gọi lại, tôi chủ động nhắn tin lại thì chị báo: “Đến chỗ này rất nguy hiểm nên phải tiêm trước mới vào được em ạ”. Vậy là lại một câu chuyện buồn nữa xảy ra, tôi lại mở đi mở lại những bài tình nguyện thấy họ giúp đỡ mọi người mà mình thực sự thèm khát, mình cũng không biết lý do là gì nhưng chỉ biết là rất muốn. Tôi thực sự rất muốn được tiêm để không bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt như thế.
Hôm sau tôi có xin ban quản lý khu mình ở cho tôi được tiêm, nhưng họ báo cả tòa gần 3.000 người nhưng chỉ có tầm 100 người được tiêm. Tôi ngồi nghĩ làm thế nào để được tiêm sớm và có thể tham gia tình nguyện giúp đỡ mọi người, trong đầu mình lúc đó không thể nghĩ thêm bất kỳ điều gì khác. Chẳng lẽ mong muốn nhỏ được làm tình nguyện giúp mọi người trong đại dịch của mình coi như tan vỡ sao – tôi độc thoại. Nhưng vẫn sẽ cố gắng tìm kiếm để sau này nhớ lại chắc chắn mình cũng sẽ không hối tiếc vì những việc đã làm. Đó chính là sống hết mình, dũng cảm sống để không hối tiếc. Thời gian sẽ trả lời tất cả, mọi chuyện sẽ quay trở lại như ban đầu và dần tốt đẹp hơn. Cố gắng sống tích cực luôn hướng tới màu hồng thì vạn vật trong vũ trị vì bạn mà thay đổi. Mọi người hãy cố gắng hết sức chiến thắng đại dịch Covid.
Trong những ngày đầu giãn cách tôi có trồng cây, hi vọng cây càng lớn “vùng xanh” được phủ càng nhiều.
Hoàng Thị Hạnh
(Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội)
Nhằm góp sức lan tỏa những điều tích cực, kiến tạo năng lượng an vui trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp hiện nay, Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Mây Thong Dong phối hợp cùng Công ty Cổ phần Rừng Xanh Mãi – đơn vị sở hữu thương hiệu nhang Bảo Trầm tổ chức cuộc thi viết “Chuyện tử tế mùa Covid-19”, với tổng giải thưởng 22 triệu đồng. Mời bạn xem thể lệ cuộc thi và cùng tham gia.