Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Cờ vua và cờ tướng có cùng một gốc?

(MTD) Cờ tướng là một trong bộ tứ nghệ thuật cao sang và tao nhã – “Cầm – Kỳ – Thi – Họa” – rất được tôn trọng của người xưa. Trò chơi cổ điển này đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn luôn tồn tại với thời gian, bởi lẽ đó là nhu cầu hoạt động của trí tuệ, giải trí tự nhiên của con người. Hơn nữa còn vì vẻ đẹp nghệ thuật diệu kỳ của nó và nhất là vẻ đẹp trong văn hóa phương Đông.

Xuất phát từ nhu cầu giải trí, nhu cầu tìm tòi sáng tạo, rèn luyện trí tuệ và thưởng thức cái đẹp đã dẫn loài người đến việc chơi cờ. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều loại cờ từ đơn giản đến phức tạp, từ chơi theo kiểu may rủi đến kiểu đấu trí căng thẳng,… Nhưng loại cờ được biết đến nhiều nhất đó là cờ tướng, nó phổ biến rộng ở Châu Á và trở thành môn cờ mang tính truyền thống, giàu bản sắc văn hóa nghệ thuật phương Đông.

Người Trung Hoa xem cờ tướng là một báu vật. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu về cờ thì cờ tướng chỉ bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc không sớm hơn thế kỷ 8 và nó có nguồn gốc từ trò chơi Saturauga của Ấn Độ. Trò chơi này cũng là tiền thân của cờ Vua ngày nay. Điều này cho thấy rằng cờ vua và cờ tướng có cùng một gốc, cùng sinh ra ở Châu Á.

Trò chơi Saturauga theo con đường thương mại và Phật giáo đã đến Trung Hoa – được người Trung Hoa tiếp nhận, cải cách khá triệt để biến Saturauga thành cờ tướng ngày nay. Xét tổng thể về mặt cấu trúc thì cờ tướng đã tiến một bước dài, tạo ra một bước chuyển mới, khác hơn với Saturauga. Họ đã xóa 64 ô đen trắng và làm một cuộc cách mạng toàn diện: bàn cờ có sông phân chia lãnh thổ quốc gia – “Sở hà Hán giới” – mỗi quốc gia có quân đội riêng, họ sắp xếp lại các hàng ngũ lính tráng, bố trí lại các binh lực,… mục đích cuối cùng là phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Tướng.

Qua bàn cờ tướng, người xưa đã khôn khéo lồng vào đó vũ trụ quan, giáo lý cũng như nghệ thuật quân sự, chiến lược,… Kiểu như người chơi cờ phải được xem là quân tử “hạ thủ bất hoàn”, bên cầm quân đen thì theo quy ước “hắc giả tiên hành” được đi trước…

Người xưa thường nói, một viên tướng giỏi trong cuộc chiến, phải đồng thời là một người giỏi cờ để có thể đoán được bước đi của địch. Chính vì thế cờ tướng không thuần túy là một trò chơi giải trí, mà nó còn là hình ảnh thu nhỏ tiêu biểu cho chiến cuộc. Bàn cờ chính là diễn biến cuộc đời ở ngay trước mắt họ. Càng chơi người ta càng khám phá ra những bước đi huyền bí, ảo điệu vô cùng tận của cờ tướng làm say lòng người.

Trò chơi Saturauga theo con đường thương mại và Phật giáo đã đến Trung Hoa – được người Trung Hoa tiếp nhận, cải cách khá triệt để biến Saturauga thành cờ tướng ngày nay

Một điều khiến cho cờ tướng châu Á nổi bật là vì người ta đã biến nó từ một trò chơi đấu trí trở thành một thú chơi nghệ thuật, thậm chí còn cao hơn thế, gọi là “kỳ đạo”. Tự thân cờ tướng đã có trong từng nước đi trí tuệ và hoa mỹ, cái hay cái đẹp của nó đã mặc nhiên trở thành nguồn cảm hứng phong phú, tuyệt vời cho các văn nhân thi sĩ. Họ mượn cờ tướng để diễn đạt tình cảm, thế sự hoặc tư tưởng của mình: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một chốt cũng thành công” (Hồ Chí Minh).

Đối với người Việt ta, cờ tướng được tiếp thu rất nhanh chóng và từ đó sáng tạo ra nhiều hình thức chơi rất phong phú như: cờ người, cờ thế, cờ bỏi,… hòa nhập vào cùng các lễ hội khiến cho cờ tướng trở thành một môn nghệ thuật hấp dẫn, được phổ biến ở hầu khắp mọi nơi trên đất nước.

Ngày nay, số người tham gia chơi cờ tướng ngày càng đông. Đã có nhiều hiệp hội cờ tướng ra đời ở trong khu vực cũng như thế giới, và có hẳn một hệ thống thi đấu quốc tế lớn mạnh. Điều này, khiến cho vị trí của cờ tướng ngày càng nổi bật trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và thể thao của con người, xứng đáng là một trò chơi đậm nét trí tuệ của phương Đông.

ThS Nguyễn Hiếu Tín
(Đại học Tôn Đức Thắng)

Bảo Trầm – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!