(MTD) Chỉ còn 2 tháng nữa là tết! Cứ thế, những đứa con xa xứ lại thực hiện hành động ấy để lại nôn nao, chờ đợi và cho những nỗi nhớ chạy qua tâm tưởng với những chi tiết thật dễ thương.
Nào là… ngày 20 tết, sẽ lên tàu về quê, hành trình 2 ngày về miền Trung cũng giống như những lần về khác nhưng tết làm mình thấy nao nao. Hình ảnh má chạy ra ngõ đón mình, tay xách nách mang mấy tờ lịch mới, bánh mứt mua từ Sài Gòn. Và tết đã về bên hiên.
Nào là, con dì Ba mãi đến 28 tết mới về, ngày nào dì Ba cũng điện vô “kiện” sao mấy đứa không về sớm, thằng cu dì Năm bây về hôm 21 rồi kìa. Thế là dì lại chờ. Cả năm con cái đi xa không sao, nay chỉ còn đôi ba ngày đến tết, con cái sẽ về trong vòng 5-7 bữa nữa nhưng cũng không chịu được. Tôi về nhà sớm, thấy dì Ba nôn nao đợi con, thử gọi vô cho mấy anh chị con dì và nghe cái giọng “trách móc” dễ thương: “Mẹ chị cứ tưởng mình hổng muốn về sớm, tết ai chẳng muốn về sớm để chăm cái vườn, quét cái nhà và đơm mâm trái cây cúng đưa ông Táo?”. Rồi lại nghe anh chị kể cảnh rộn ràng sắm tết, đủ thứ món đã sắm cho dì dượng và em út ở nhà. Trở về nhà sau một năm bao giờ cũng là va-li đầy những quà tết, những món ngon-lạ từ đất Sài Gòn.
Dì Ba cứ bảo, mấy đứa sắm chi cho cực, hàng hoá bây chừ về tới quê đâu thiếu thứ chi, nói thì nói thế chứ những món quà Sài Gòn vốn là niềm vui tinh thần khó tả.
Đếm ngược về tết, tôi lại nhớ những người bạn – đồng nghiệp. Mấy bạn ở lại sát rạt tết mới về, vì công việc, và vì những chuyến tình nguyện mùa xuân. Bạn đi để ngửi mùi tết đó đây, để chia sẻ và cũng là để sống cùng mùa xuân của lòng mình. Tụi bạn, có đứa mê chụp ảnh nên cứ nấn ná về quê, thường là sau một chuyến “phượt”, chạy bằng xe máy, ba lô mang lỉnh kỉnh máy hình, laptop để săn ảnh mùa xuân. Những chùm ảnh về mai, cúc, về những cuộc mưu sinh ngày tết ở xứ hoa Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang hay tận miệt Cà Mau được chia sẻ trên blog hoặc gửi cho một vài tờ báo online. Tụi nó bảo: “Mình không về tết không phải vì không muốn về, mình đi như thế cũng là góp phần chuyển tài mùa xuân đến nhiều người. Mình cũng có mùa xuân từ những bức ảnh ấy”.
Có những cô bạn kể về những ngày tết ở quê, về là để nhõng nhẽo với mẹ, mỗi năm về nhà có một lần nên vừa được nghỉ là về ngay, không ở lại lâu. Bạn kể: “Về nhà sướng như tiên, mẹ cứ nấu hết món này đến món kia để tẩm bổ, con gái rớ tay làm gì mẹ cũng bảo ngồi im. Nhưng đến ngày 30 tết mẹ biểu con gái phải thức canh nồi bánh tét, bánh chưng và đón giao thừa. Đó là truyền thống, nên dù ngoài chợ có bán bánh chưng mẹ cũng không mua. Đón giao thừa, nghe Chủ tịch nước chúc tết, rồi nhận bao lì xì, cái thông lệ của gia đình từ khi mình mới 10 tuổi, có ý thức đến giờ…”.
Rồi thì, có người đếm ngược về tết là để nghe những bài nhạc xuân, để nghe hương của bánh trái, hoa quả và để chờ mong. Mùa xuân mới mình thêm một tuổi, và tình yêu có trổ hoa? Đôi bạn chờ trông tết vì tết kế cận ngày Lễ tình nhân, tết là dịp để nghe “lời tỏ tình của mùa xuân” và còn là để tình yêu đã có được nuôi lớn. Tết, hoa cỏ xanh hơn, tươi sắc hơn và dường như sự chờ mong cũng bắt đầu dâng lên, giống mình và bao người trẻ khác cứ lên Facebook và đếm ngược, còn hơn 20 ngày nữa là tết…
Song Nguyên
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân. Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn