Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Góc nhìn: Bạo lực ngôn từ

(MTD) Tôi được cô bạn là cựu phóng viên của một hãng thông tấn giới thiệu cho quyển sách này, sách nói về việc truyền thông phi bạo lực. Đây là một quyển sách giúp chúng ta nhận diện được những những bạo lực trong truyền thông và giao tiếp.

Vốn dĩ tôi đã định review cuốn sách này từ tuần trước, nhưng đến hôm nay có một vụ việc liên quan, tôi mới xin được chia sẻ nhiều hơn.

Chắc hẳn ai học qua bộ môn Ngôn ngữ báo chí đều biết ngôn ngữ trong báo chí không chỉ thể hiện bằng chữ viết. Tất cả âm thanh hiện trường, tiếng động, bài hát, lời nhân vật, hình, ảnh đều là ngôn ngữ báo chí cả. Và nếu chiếu theo những thông tin trong quyển sách này cũng như những quan sát của tôi, thì ngôn ngữ báo chí của chúng ta đôi khi đang trở nên một công cụ bạo lực.

Ví dụ đầu tiên của ngôn từ bạo lực trong báo chí là việc phóng viên tự kết tội nghi can. Dù khoản 1, điều 31 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Thế nhưng nhiều tòa soạn vẫn có xu hướng kết tội nghi can. 

Một đài truyền hình lớn đã từng mạnh dạn tuyên bố trong lời bình của mình rằng: “Những kẻ thủ ác đã thú nhận trước cơ quan công an, vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, những kẻ này sẽ sớm nhận được sự trừng trị thích đáng của pháp luật”.

Thực tế, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, dù nghi can có khai nhận hàng ngàn lần với cơ quan điều tra nhưng nếu chưa có bằng chứng thì cả toà án vẫn chưa thể tuyên án. Nhà báo có quyền gì mà thay tòa phán quyết? Nhà báo có quyền gì chà đạp lên hiến pháp? Nhà báo có nghĩ đến chuyện điều tra viên ép cung hoặc nghi can nhận tội thay người khác?

Những bài viết sử dụng quá nhiều tính từ chỉ cảm xúc thay vì tính từ chỉ tính chất cũng có thể là sự bạo lực về ngôn từ. Hãy cùng so sánh 2 câu sau: “Hung thủ khai nhận đã sát hại nạn nhân bằng cách dùng tấm thớt đập vào đầu nạn nhân một cách dã man khiến nạn nhân chảy máu lênh láng, chưa dừng lại ở đó, hắn cắt cổ nạn nhân” và “Nghi can khai nhận đã dùng tấm thớt đập vào đầu nạn nhân. Nạn nhân mất nhiều máu, nghi can cũng khai nhận đã cắt cổ nạn nhân”. Rõ ràng, câu đầu tiên với những cụm từ “sát hại, dã man, lênh láng, chưa dừng lại ở đó…” đã khiến độc giả cảm thấy rùng mình, ghê sợ trước tội ác của thủ phạm. Nghe đến đây, nhiều người đọc chỉ muốn tử hình quách thủ phạm cho xong.

Tuy nhiên, chưa hề có bằng chừng nào để buộc tội người này cả. Và điều này đã tước đi quyền xét xử công bằng của nghi can. Đó là chưa kể đến những bài báo định hướng cho tòa tuyên án và gieo vào đầu độc giả một bản án định sẵn như: “Hình phạt nào đang chờ kẻ thủ ác?”. Trong bài phỏng vấn, luật sư bảo với tội này thì nên tử hình. Thế nhưng sau khi xem xét, tòa xử chung thân. Điều này có thể khiến nhiều người không hài lòng. Nó cũng vô tình tác động đến tâm lý của HĐXX. Thế thì những bài viết này có công bằng không?

Ví dụ nữa là lúc tôi còn đi làm tin nóng. Thời điểm đó, tin tai nạn giao thông là loại tin dễ làm nhất. Khi có thông tin, phóng viên đến hiện trường quay phim vụ tại nạn, sau đó làm hậu kỳ, kiểm duyệt và phát sóng. Có nhiều tờ báo đăng tải nguyên văn lời bình như sau: Nạn nhân Nguyễn Văn A đã bị container đâm vào và tử vong tại chỗ. Kèm theo đó là hình quay vụ tai nạn, với những phần cơ thể, những vũng máu còn khắp nơi trên mặt đất. Hình ảnh người mẹ quỳ than khóc bên xác con. Và tất cả những hình ảnh đó, dù có được làm mờ đi thì vẫn có thể khơi dậy nỗi đau của người mẹ, của cả gia đình nạn nhân khi họ xem lại. Dù 10 năm sau, nhiều khi nỗi đau ấy đã nguôi ngoai.

Về việc phỏng vấn nhân vật. Nhiều người cho rằng chỉ cần che mặt nhân vật là được, hoặc chỉ cần xin phép nhân vật thì có thể tuỳ ý đưa hình ảnh của họ. Thế nhưng trong một số trường hợp, chúng ta cần phản tư về những điều có thể xảy ra với họ. Việc một người đồng ý cho bạn đưa hình ảnh cái chết của người nhà họ, chưa chắc thoả thuận này đã công bằng với họ. Tại thời điểm đó, họ có nhận thức được việc đăng tải hình ảnh đó lên có thể gây sốc, gây đau khổ cho họ về sau hay không? Khi bạn phỏng vấn một người tù vừa mãn án, họ cho bạn đăng hình ảnh, nhưng tại thời điểm đó họ có nhận thức rằng họ có thể bị phân biệt đối xử không? Hãy tự đặt câu hỏi trước khi đăng tải, vì bạn là nhà báo, bạn biết được hậu quả còn họ thì không.

Ngày hôm qua, một đài truyền hình lớn phát sóng bộ phim tài liệu về ngành y trong mùa dịch Covid-19. Xem phim, tôi vô cùng xúc động và khâm phục đài truyền hình đã làm được một bộ phim quá xuất sắc. Với tôi, đây mới là báo chí, đây mới là phản ánh xã hội.

Thế nhưng, sau khi xem đến đoạn cuối thì một vấn đề xảy ra. Trên màn ảnh là cảnh các bác sĩ đang cấp cứu cho một bệnh nhân hấp hối. Những hình ảnh vô cùng nhói lòng, và bệnh nhân đã không qua khỏi. Rất nhiều những câu hỏi về quyền riêng tư cá nhân đã được nêu lên, nhưng thứ tôi quan tâm nhất trong bộ phim trên lại là “ngôn ngữ bạo lực”.

Nhiều người cho rằng nên đăng tải để biết các bác sĩ cực khổ thế nào. Thế nhưng chỉ cần ⅓ phim đã đủ cho thấy sự cực khổ và hy sinh của các y bác sĩ rồi.

Có người thì bảo “cho xem người chết cho dân biết sợ, không dám mất ý thức”. Đây là kiểu bạo lực nhân quả. Các ông bố bà mẹ cũng thường bảo con mình “Mày không học mốt bán vé số” hay “Mày không ăn sau này bị bệnh giống ông 5 hàng xóm”. Họ cho rằng việc không học thì hệ quả sẽ là bán vé số. Thế bán vé số thì là một thứ xấu xa để họ mang ra hù doạ con mình? Rồi ngôn từ này có bạo lực với những người bán vé số và những đứa trẻ khác có bố mẹ bán vé số không? Con của họ từ đó có định kiến rằng bán vé số là thất học không?

Rõ ràng, Covid-19 là đại dịch. Dù các y bác sĩ đang gồng mình lên để cứu chúng ta, nhưng mắc bệnh là sự rủi ro, không phải sự kém ý thức. Một bác sĩ có thể mắc bệnh, một giáo viên, công nhân, nông dân, học sinh hoặc thậm chí là quan chức cấp cao đều có những rủi ro này. Đừng đổ lỗi cho người bệnh kém ý thức! Đó là một sự hù dọa vô nghĩa và vô cùng bạo lực với cả người bị hù doạ và người bị mang ra hù doạ.

Dù sao cũng xin cảm ơn đài truyền hình đã có một phóng sự ý nghĩa về ngành y, dù vẫn còn một số hình ảnh mà theo tôi là chưa hay ở vài phút cuối.

Xin được kết lại bằng một trích dẫn trong sách:

Chúng ta thường không thừa nhận hành vi bạo lực của mình bởi vì chúng ta không biết gì về nó. Chúng ta cho rằng chúng ta không bạo lực bởi vì chúng ta nhìn bạo lực là đánh nhau, giết chóc, đánh đập và chiến tranh. Nhưng bạo lực không chỉ có vậy.

Nhà báo Nguyễn Phúc Cao Trí
(BTV Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!