(MTD) “Granola” đang dần trở thành một từ khóa thông dụng của giới trẻ, đặc biệt là những ai hướng đến chế độ “eat clean” (ăn lành mạnh) hay muốn giảm cân. Cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, “granola” hiện đang là thực phẩm đáp ứng được nhu cầu này. Nhưng liệu nó có thật sự tốt như lời đồn?
Granola là ngũ cốc?
Thực tế, granola là một món ăn thông dụng, xuất phát từ Châu Mỹ, với thành phần phổ biến bao gồm các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, macca, hạt điều…), đậu phộng, trái mọng sấy khô, yến mạch cán dẹp, lúa mì, gạo phồng… tất cả được nướng giòn cùng mật ong hay đường nâu.
Do chứa nhiều thành phần từ đậu, hạt, yến mạch, hay trái cây khô… granola cũng có thể được xem như một dạng ngũ cốc. Một số loại granola còn được thêm vào vài loại bánh kẹo sấy dẻo, hay sô-cô-la, giúp thay đổi khẩu vị.
So với bột ngũ cốc thông thường, granola đang dần chiếm ưu thế hơn, bởi bên cạnh việc giàu protein và cung cấp năng lượng cho ngày dài hoạt động, granola còn có hương vị đa dạng khi kết hợp được với nhiều món ăn, tránh gây ngấy.
Granola có thay thế được bữa ăn sáng thông thường?
Granola không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu và năng lượng dồi dào, mà còn dễ kết hợp với các nguyên liệu đơn giản như sữa tươi, sữa chua, sinh tố, salad… nên không khó để lý giải mức độ “thịnh hành” của nó trong các bữa ăn sáng của giới trẻ Việt Nam.
Theo USDA (U.S.Department of agriculture – Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ), giá trị dinh dưỡng trong 100gr ngũ cốc Granola bao gồm khoảng 350 ~ 471kcal, 10 ~20gr Protein, cùng nhiều khoáng chất dồi dào khác như: magie, canxi, natri, kali và vitamin A.
Với lượng calo có trong 100gr granola, ước tính tương đương với lượng calo có trong một tô bánh canh giò heo, hay một tô phở gà. Do đó, granola hoàn toàn có thể thay thế bữa sáng thông thường, nhất là đối với người ăn chay, hay giới văn phòng đòi hỏi sự gọn nhẹ mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Phù hợp cho “eat clean”, liệu có thích hợp để giảm cân?
Theo Tờ Healthline (Trang báo uy tín về y tế của Mỹ), granola chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Trong đó, chất xơ và protein chiếm một phần không nhỏ, làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp no lâu và hạn chế cảm giác đói, mà vẫn cung cấp đủ năng lượng để vận động.
Đây cũng là hai chất cần có trong chế độ ăn kiêng để giảm cân. Ngoài ra, loại hạt có trong granola còn cung cấp nhiều loại vitamin giúp tăng sinh collagen. Những tưởng không liên quan, nhưng collagen cũng là chất rất cần cho quá trình giảm cân, bởi nó góp phần làm chậm quá trình lão hóa, đẩy lùi các nếp nhăn chùn trên da, giúp phục hồi những tế bào da bị tổn thương nhanh chóng.
Song, dù granola hoàn toàn phù hợp cho việc giảm cân, nhưng cũng cần lưu ý đến lượng đường vốn có trong các hạt, hay từ quá trình sấy cùng mật ong, đường nâu, hoặc ngay cả việc kết hợp granola với các loại thức uống khác.
Có nên thay thế các bữa trong ngày hoàn toàn bằng granola?
Như đã nói ở trên, granola với thành phần chính là các loại hạt, đậu phộng, trái mọng sấy khô, yến mạch cán dẹp, lúa mì, gạo phồng… Tuy giàu dinh dưỡng, nhưng granola cũng chứa một lượng đường đáng kể.
Theo Tờ Eat This, Not That, về cơ bản, các thành phần trong granola như hạt, đậu, hay trái cây sấy vốn dĩ đều có chứa lượng đường nhất định. Quá trình sấy chung với mật ong hay đường nâu làm gia tăng lượng đường này, đồng thời việc kết hợp với đồ ăn, thức uống khác cũng chứa đường, sẽ khiến bữa ăn sáng dinh dưỡng trở thành những “quả bom” đường.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Open Heart cho thấy, cơ thể hấp thu quá nhiều đường còn tồi tệ hơn so với muối. Ăn nhiều đường khiến mức insulin tăng nhanh chóng, tác nhân gây ra cao huyết áp, tăng cân, làm giảm trí nhớ, tiểu đường loại 2, giảm tuổi thọ v.v…
Hiện nay, nhiều người áp dụng chế độ ăn thay thế toàn bộ tinh bột và các thực phẩm khác bằng granola kết hợp cùng các thức uống dinh dưỡng. Song, hàm lượng kcal cao có trong granola nếu không được tiêu thụ hiệu quả cũng dễ dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng, gây tăng cân, suy giảm chức năng gan, thận.
Đồng thời, trong granola không phải là thực phẩm chứa đầy đủ các loại vitamin cần có cho cơ thể, do đó không phải là thực phẩm thay thế hoàn hảo cho tất cả các bữa ăn trong ngày.
Cần lưu ý gì khi chọn các loại granola?
Tùy vào thực tế thể trạng và nhu cầu của mỗi người, chúng ta có thể lựa chọn những loại granola phù hợp. Sẽ đơn giản nếu bạn là người theo chế độ “eat clean” thông thường. Song, nếu bạn là người đang mong muốn giảm cân, các chuyên gia từ Hiệp hội dinh dưỡng Úc lưu ý như sau:
- Kiểm tra kỹ thành phần để tránh các loại hạt gây dị ứng với cơ thể bạn, hay cung cấp quá nhiều chất béo.
- Kiểm tra lượng đường. Các công ty thực phẩm luôn cố tình tránh nhắc đến “đường” và thay thế bằng gucose, fructose, sucrose hoặc siro agave – một cách gọi khác của “đường”.
- Nghiên cứu công bố trên Tờ Medicalnewstoday xác định, lượng đường hợp lý cho 100g granola chỉ nên là 10g đường.
- Nên lựa chọn loại granola có nhiều chất xơ (chứa ít nhất 3g chất xơ / 100g granola) và nguyên cám với các hạt tự nhiên, cung cấp cả dầu và chất béo tốt, đồng thời có lượng natri, đường và chất béo thấp.
- Chỉ nên kết hợp ăn granola với các thức uống giảm tối đa lượng đường, tốt nhất là không đường. Đặc biệt không nên ăn đồ ngọt hay các loại thực phẩm chế biến sẵn khác ngay sau khi ăn granola.
Lợi ích của ăn sáng với granola
- Tăng cường năng lượng
- Phòng ngừa táo bón
- Tốt cho tiêu hóa
- Sản sinh lợi khuẩn đường ruột
- Giảm nồng độ cholesteron
- Cung cấp chất béo tốt cho sức khỏe tim mạch
- Phòng tránh bệnh về xương khớp
- Duy trì cân nặng
- Phòng ngừa ung thư đại tràng và ung thư vú
Du Mục
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn