(MTD) Không chỉ tồn tại trong máu, phổi người, thịt động vật, sữa… mới đây, hạt vi nhựa được phát hiện đã “tấn công” vào tuyết vùng Nam Cực.
Đầu tháng 6 này, các nhà nghiên cứu đã khiến thế giới bất ngờ khi công bố trên Tạp chí khoa học The Cryosphere về phát hiện hạt vi nhựa trong 19 mẫu tuyết thu thập ở thềm băng Ross (Nam Cực).
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Đại học Canterbury (New Zealand) đứng đầu là nghiên cứu sinh Alex Aves và giám sát bởi TS.Laura Revell.
Aves đã tiến hành thu thập các mẫu tuyết dọc theo các con đường tới trạm nghiên cứu Scott Base và trạm McMurdo, thuộc thềm băng Ross, từ cuối năm 2019 và phát hiện có các hạt vi nhựa trong mọi mẫu.
Aves bày tỏ sự bất ngờ và quan ngại khi cho biết: “Chúng tôi đã thu thập các mẫu tuyết từ 19 địa điểm trên khắp khu vực Đảo Ross của Nam Cực. Thật đáng buồn khi tìm thấy vi nhựa trong tuyết ở Nam Cực. Điều này cho thấy rõ mức độ ô nhiễm nhựa đáng báo động, ở ngay cả những vùng xa xôi nhất trên thế giới”.
Các nhà nghiên cứu đã xác định có khoảng trung bình 29 hạt vi nhựa trên một lít tuyết tan, với 13 loại nhựa khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là nhựa Polyethylene terephthalate (PET), chiếm 79% các mẫu. Loại nhựa này chủ yếu được sử dụng làm chai nước ngọt hay quần áo.
TS.Revell cho rằng: “Hạt vi nhựa có thể đã di chuyển hàng nghìn km trong không khí để tới đây. Song, cũng có khả năng sự hiện diện của con người ở Nam Cực đã tạo ra chúng”.
Bà dẫn chứng bằng một bức ảnh về những lá cờ đánh dấu được sử dụng để tìm đường xung quanh trạm nghiên cứu. Những màu đó khớp với loại vi nhựa màu phổ biến nhất mà nhóm nghiên cứu phát hiện ngoài môi trường.
Rác thải nhựa đang bị xả ra môi trường với mức độ lớn và hạt vi nhựa gây ô nhiễm khắp hành tinh, từ đỉnh Everest đến các đại dương sâu nhất.
Hạt vi nhựa từng được tìm thấy trong băng và nước mặt ở Nam Cực, nhưng nồng độ hạt vi nhựa có trong tuyết rơi lần này thậm chí được đánh giá là cao hơn nồng độ được ghi nhận trước đây ở băng tan và biển Ross.
Vi nhựa có thể làm gia tăng tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các cánh đồng tuyết, chỏm băng và sông băng trên khắp thế giới đang tan chảy nhanh chóng. Các nhà khoa học cho biết vi nhựa màu tối đọng tại những địa điểm này có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn bằng cách hấp thụ ánh sáng Mặt Trời.
Trí Dũng (theo Nature)
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn