(MTD)“Người ta không thương bạn theo cách bạn muốn, không có nghĩa là người ta không thương bạn hết lòng” – theo… bạn mình nói.
Sự biết ơn nho nhỏ của mình mỗi ngày là sau bao vồ vập khó khăn cuộc sống, về lại nhà ta vẫn thấy ba mẹ vẫn còn ở đó, mạnh khoẻ, hạnh phúc. Anh em, người thân cũng vậy – chỉ cần mọi người bình an mình đã cảm thấy thật sự biết ơn cuộc sống này.
Cha mẹ – con cái – tuổi tác – khoảng cách thế hệ là những điều cản trở cho việc hiểu và thương. Bởi vì có hiểu thì mới có thương. Hiểu ở đây là chúng ta bao dung cho sự khác biệt của mỗi cá thể trong một phạm trù nhất định.
Hiểu rằng mỗi người được giáo dục trong những môi trường và thời điểm khác nhau, tiếp thu những luồng tư tưởng và có các mối quan hệ xã hội khác nhau sẽ hình thành nên những quan điểm không thể nào giống nhau. Vậy nên, tình thương cũng như tính cách sẽ được biểu hiện từ cử chỉ, lời nói, giao tiếp chắc chắn khác nhau. Nhưng dù “độc lạ” thế nào thì yêu thương cũng chỉ có một và con đường kết nối từ trái tim đến trái tim là một con đường mòn. Trên hết vẫn là chân thành, khi chân thành thì người thân của mình sẽ cảm nhận được ngay thôi. Cơ bản đừng vì sự không giống nhau mà đến cả sự quan tâm của người thân, bạn bè, bạn cũng từ chối – khó chịu.
Khi cốt lõi là điều tốt đẹp thì xứng đáng để mình tôn trọng và nếu không phù hợp cũng không có cớ gì để bạn phải không vui. Bạn cũng không thể sống một mình trên thế giới này, người hoàn toàn phù hợp với mình duy nhất chỉ là bạn thôi. Hơn nữa ba mẹ mới là người không bao giờ rời bỏ con cái.
Tôi có nghe đâu đó câu nói: “Sẽ đến lúc ba mẹ không hiểu các con mình đang làm điều gì, những câu động viên chỉ còn là con ăn cơm chưa, giữ gìn sức khoẻ nhé!”. Điều này cả mình và nhiều người cũng sẽ đã và đang trải qua. Ba mẹ vẫn sẽ không hiểu một ngày công việc của mình trải qua những deadline gì, áp lực thế nào, sếp la chửi ra sao, nhưng vì tình thương kết nối họ hiểu được bạn đang cần chăm sóc.
Yêu thương bản thân cũng là yêu những người thân của mình.
Mới có nửa năm thôi nhưng chứng kiến hai người trong gia đình đối diện với sự sống và cái chết tôi thật sự hiểu rằng yêu thương bản thân cũng là yêu thương mọi người xung quanh. Mình có sống khoẻ mạnh và hạnh hạnh phúc thì người thân mới vui vẻ và bình an được. Khi cả bản thân mình cũng không thể lo được thì ta đang tạo thêm gánh nặng cho những người yêu thương mình – “Bạn có điều gì thì bạn sẽ mang đến điều đó cho những người xung quanh” – Bạn ảnh hưởng lên các mối quan hệ bên cạnh bạn.
Yêu thương bản thân không phải là việc mình xem mình là cái rốn của vũ trụ, mình hơn người này người kia, sống ngạo mạn. Yêu thương bản thân là bạn biết điều gì làm mình không vui, điều gì ảnh hưởng đến thân xác vật lý và tinh thần của mình. Bạn hiểu rõ mình cần gì. Vì hiểu rõ như thế bạn tránh gây tổn thương cho những người xung quanh. Một người hạnh phúc không làm tổn thương người khác nhưng một người bị đau thì ngược lại. Hiểu nôm na là khi bạn khoẻ mạnh thì bạn có thể lo được cho người đau ốm, còn người đau ốm thì họ cần người khác chăm sóc và chỉ lo được cho họ. Vậy nên, khi yêu thương bản thân cũng là cách bạn yêu thương người khác.
Huỳnh Vân Kiều
(Nông Sơn, Quảng Nam)