Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Khuyến đọc cần kiên nhẫn và cũng cần nhiều tiền hơn nữa

Mây Thong Dong

(MTD) Năm nay tôi thấy phong trào khuyến đọc trở nên rầm rộ hơn và được hỗ trợ từ chính quyền nên báo chí đều nói, các khu vực công cộng thì đầy biểu ngữ. Hi vọng là với một tuần được truyền cảm hứng thì sau đó các tổ chức suy nghĩ thêm để duy trì việc khuyến đọc, còn các cá nhân thì bắt đầu có thói quen tìm sách như là một việc để giải trí/tìm kiếm tri thức/thông tin.

Là một người đọc cũng kha khá, và dạy con thói quen đọc từ lúc nhỏ xíu, tôi quan sát những thay đổi ở chính mình và chính con mình về việc đọc sách.

Nếu ai đã từng có vài năm mỗi năm đọc trên 50 quyển sách mà phần lớn trong đó không phải là truyện, độ dày trung bình tầm 200 – 300 trang thì không phải những năm sau đó mình có thể đọc được nhiêu đó. Đọc hay không, xuất phát trước tiên ở nhu cầu. Thời đó, mình có nhu cầu tìm hiểu nhiều thứ để trả lời cho những thắc mắc của mình. Vì vậy bao nhiêu sách ở một chủ đề mà mình quan tâm thì mình gom về đọc dần, cho đến khi mình cảm thấy đủ hiểu tương đối về chủ đề đó, mình mới dừng lại.

Thứ 2 là tâm thế. Hồi xưa mình cũng bận tối mắt nhưng vẫn có thời gian để đọc và không thấy ngán. Nhưng giờ thì sau khi làm xong việc, thấy mệt thì mình không còn đọc sách nổi nữa, dù đó là một chủ đề mình thực sự thích. Thay vì đọc sách, tôi xem phim vì việc đó dễ dàng hơn. Vì vậy, giờ tôi chỉ có tâm thế đọc khi mình có thời gian rảnh rỗi thưởng thức 1 quyển sách. Việc này làm tôi suy nghĩ: với nhiều người lớn mà công việc của họ không gắn nhiều với sách vở giống như mình, sau một ngày làm việc mệt đừ, rồi chăm lo gia đình, thì kêu họ đọc sách để mở mang kiến thức là điều không khả thi, nhất là hiện nay áp lực công việc chỉ có mỗi ngày nhiều hơn chứ không hề ít đi.

Đối với con nít, như con tôi, nó đọc rất nhiều lúc tiểu học (tại vì rảnh và không có điều kiện tiếp xúc các kênh giải trí khác). Nhưng đến lớp 5 và lên cấp 2 thì nó gần như ít đọc lại, trừ việc đọc trong giờ đọc sách của trường, khi trường phát động đọc một quyển nào đó, hoặc trong kỳ nghỉ dài không biết làm gì. Nó có nhiều bài vở hơn sau giờ học, và sau đó có nhiều thứ khác thu hút nó hơn là vùi đầu vô một quyển sách. Và tôi cũng không ép gì cả, bởi vì đọc mà như trả bài thì có ích gì đâu. Nhưng nhờ việc đọc nhiều từ lúc nhỏ, khi học hành đụng đến việc:

– Học môn đọc hiểu, nó học dễ dàng hơn

– Khi cần đọc một tài liệu nào đó, nó đọc lẹ hơn (và cũng không quá ngán)

Tôi chưa đánh giá được cách nó viết, vì hiếm khi đọc bài của con mình học trong trường. Nhưng một lần dạy con học toán, tôi dạy con phải trình bày bài có lý lẽ mới tính toán thì sau đó con làm bài trong trường (thời còn học online, có giờ tự học trước khi vô học với giáo viên) được cô ghi nhận là trình bày bài tốt (con tự nói tôi mới biết).

Vì vậy tôi có suy nghĩ là, nếu để đến khi con lớn mà mình mới quan tâm xây dựng thói quen đọc, có thể mất rất nhiều nỗ lực vì:

– Nền tảng về từ vựng trước đó

– Sự kiên nhẫn vượt qua trạng thái ngồi yên một chỗ đọc một thứ tẻ nhạt

– Tốc độ lướt mắt đọc chữ

– Vượt qua cám dỗ của các hình thức giải trí khác hấp dẫn hơn

– Kiếm ra thời gian rảnh rỗi để có tâm lý thoải mái đọc (thay vì cứ nhớ đến bài vở chưa làm xong).

Các lời kêu gọi là cần thiết để góp phần thúc đẩy những hành động, nhưng cũng tỉnh táo là nếu chỉ dừng ở nói thì không điều gì hình thành cả

Tôi từng đọc một ý kiến khi mọi người than rằng trẻ con không có thời gian đọc vì học nhiều, có người phản biện là học và đọc không tách rời nhau. Tôi đồng ý với quan niệm chung chung đó. Nhưng để nó thành một việc mang tính khả thi cho người bố/mẹ đang than thở đó, các hoạt động học tập mà giáo viên giao cho học sinh ở trường phải gắn với việc đọc.

Ở nước ngoài, học sinh được giao nhiệm vụ tìm hiểu cái gì đó và các bạn phải tìm đến sách trong thư viện. Khi đó, học sinh học bằng việc đọc, hai hoạt động đó mới không tách rời nhau. Còn nếu đó là hoạt động thêm ở gia đình thì cho trẻ con đọc khó khăn lắm.

Theo quan sát cá nhân, hiện nay, các nhiệm vụ mà giáo viên giao cho học sinh tìm hiểu, các em toàn “nhờ” Google chứ không tìm đến sách, vì cũng không có đủ thời gian, không đủ sách và những bàn luận trên lớp không đủ sâu để học sinh cần nó trong các quyển sách. Từ lý thuyết đến thực tiễn gian nan là vậy.

Cho nên, các lời kêu gọi là cần thiết để góp phần thúc đẩy những hành động, nhưng cũng tỉnh táo là nếu chỉ dừng ở nói thì không điều gì hình thành cả, và làm thì luôn khó hơn viết một bản kế hoạch rất nhiều.

Ví dụ như tôi, chi tiền cũng kha khá cho 3 kệ sách ở trung tâm mình quản lý, một cho giáo viên và hai cho học sinh. Theo ghi nhận thì cũng có giáo viên và học sinh đọc sách (nghĩa là tủ sách của mình cũng không vô ích) nhưng số đó ít lắm. Suy ra về hiệu quả ngắn hạn, ví dụ số tiền mình chi ra để phục vụ số học sinh thì đúng là không đáng. Nhưng vì mình thấy nó đáng với mình. Không phải ai cũng như thế, lấy tiền đó làm thứ khác mà kết quả rõ ràng hơn.

Đọc sách cũng cần kiên nhẫn, khuyến đọc cũng cần kiên nhẫn (và cũng cần nhiều tiền nữa).

ThS Tô Thị Hoàng Lan

Nhang Bảo Trầmhttps://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
🛒 Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
🛒 Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
🛒 Lazada: https://info.baotram.vn/lazada

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!