(MTD) Cuối năm ngoái (2022), Thư viện Huệ Quang (TP.HCM) đã có chuyến sưu khảo tư liệu tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) trong 10 ngày.
Dự kiến đoàn sẽ sưu khảo hết 41 chùa tại huyện và thành phố Cao Lãnh. Kết thúc 10 ngày, đoàn chỉ sưu khảo được 20/41 chùa, bao gồm 12/14 chùa thuộc huyện Cao Lãnh và 8/27 chùa thuộc thành phố Cao Lãnh, hoàn thành một nửa kế hoạch.
Đoàn làm việc gồm có Thầy Không Hạnh, Thầy Văn Quang, Anh Quốc, Duy Linh, Diệu Thu, Huỳnh Nhi và Thanh Dương (Pi). Tăng cường: thầy Hữu Chơn, thầy Thị Tâm, Tuấn Linh và chú Minh Hiển.
Thượng tọa Thích Minh Thuận, thành viên điều hành Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang dẫn đầu đoàn. Thầy cũng là người quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp.
“Vì xác định Cao Lãnh là “đất Phật” có nhiều chùa xưa và nhiều bậc cao tăng xuất hiện, nên Thư viện đã chọn cách sưu khảo đồng loạt hết các chùa thay vì chỉ tập trung vào một số ngôi cổ tự như ở các địa phương khác, để không chỉ hỗ trợ công tác bảo tồn và phục vụ nghiên cứu tại Thư viện Huệ Quang mà còn giúp Phật giáo địa phương có được nguồn tư liệu cấp một biên soạn các bộ tiểu sử các chùa, hành trạng chư thiền đức tăng ni trong tỉnh”, Thượng tọa trưởng đoàn chia sẻ.
Cao Lãnh cũng là quê hương của cố Hòa thượng Thích Huệ Hưng, cố Hòa thượng Thích Minh Cảnh – nơi mà sau khi các anh em xuất gia hết, gia đình đã hiến hết khoảnh đất để gầy dựng chùa Phước Thạnh.
Cũng như sưu khảo ở các nơi khác, tiêu chí về chất lượng và đối tượng sưu khảo của Thư viện không thay đổi:
1. Kinh sách Hán Nôm, sách báo Phật giáo xưa, các bản thảo chép tay, nội san – kỷ yếu bổn tự
2. Mộc bản (chụp hình và rập bản)
3. Liễn đối (chụp kỹ liễn đối gỗ và liễn đối xưa)
4. Long vị tổ-Linh vị cổ (chụp thêm mặt sau long vị tổ và các linh vị có khắc năm sinh, năm tịch phía sau)
5. Pháp quyển, phái quy y
6. Tháp và bia tháp
7. Tượng, tranh thờ, Pháp khí
8. Hình ảnh xưa còn lưu trong chùa
9. Khế ước điền thổ (giấy tờ đất đai xưa, có ý nghĩa về lịch sử văn hóa)
10. Kiến trúc (tổng quát, các gian nhà, các gian thờ, khung sườn…)
11. Không ảnh (toàn cảnh chùa, địa thế chùa, cổng chùa, các gian chùa, các khu tháp mộ…)
Trong suốt 10 ngày, đoàn nương náu tại tổ đình Bửu Lâm, ngôi cổ tự được cho là xuất hiện sau ngôi chùa xưa nhất ở Sài Gòn (tổ đình Giác Lâm) có 4 năm, tức khoảng năm 1748. Có lẽ vậy, nên mọi người trong vùng đều gọi là chùa Tổ.
Mây Thong Dong giới thiệu hình ảnh đẹp về công tác này của Thư viện Huệ Quang cũng như những ngôi cổ tự đoàn đến, do cư sĩ Phùng Anh Quốc, thành viên đoàn thực hiện:
Phùng Anh Quốc thực hiện
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn