(MTD) Cuộc cạnh tranh của các ông lớn về mạng xã hội chưa bao giờ khốc liệt hơn, nhất là sau khi sàn chứng khoán chứng kiến sự sụt giảm cổ phiếu nghiêm trọng của “ông lớn” Facebook.
Facebook bị khó khăn bủa vây
Tuần trước, lần đầu tiên kể từ khi thành lập cách đây 18 năm, lượng người dùng Facebook hàng ngày giảm hơn 500.000 người, khiến Facebook lọt vào top các tin tức đáng chú ý, không phải vì bê bối mà là do vấn đề tài chính.
Cổ phiếu của công ty đã giảm 25%, khiến giá trị thị trường mất 230 tỷ USD chỉ trong một ngày. Đây là một kỷ lục đối với cổ phiếu ở Mỹ. Thậm chí, với việc mất đi một lượng lớn người dùng, tiền quảng cáo cũng “bốc hơi” khoảng 10 tỷ USD doanh thu, tức 1/4 tổng lợi nhuận của năm ngoái.
CEO Mark Zuckerberg có lẽ đang rất đau đầu khi một lượng người dùng lớn bỏ đi và phần nhiều trong số họ lại chuyển sang sử dụng mạng xã hội từ các đối thủ của Facebook, đặc biệt là nền tảng TikTok. Có rất nhiều lý do được đưa ra như Facebook không đủ bảo mật, nhiều thông tin sai sự thật, hay một số người dùng trẻ cho rằng Facebook đã “già cỗi” so với các đối thủ.
Có lẽ chính CEO Mark Zuckerberg cũng như người dùng trên 40 tuổi nói chung, đều khó hiểu khi những video ngắn, chủ yếu để đùa cợt, gây sốc lại có thể thu hút nhiều người dùng đến vậy. Và tất nhiên khi TikTok hút người dùng thì tiền quảng cáo cũng chạy mất.
Facebook bị kiềm chế ở nhiều nơi
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã ra quy định về quản lý dữ liệu khiến Facebook không thể chuyển dữ liệu người dùng EU về Mỹ để lưu trữ và xử lý. Trong khi đó, việc này lại cần thiết để Facebook điều chỉnh quảng cáo nhằm vào từng cá nhân người dùng.
Và thế là Meta, công ty sở hữu Facebook, phải dùng đến cách đe dọa: “Chúng tôi có thể không cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ như Facebook và Instagram ở châu Âu”. Tuy nhiên, Facebook đã gặp phải “đối thủ rắn”.
Các nhà lãnh đạo EU đáp trả Facebook một cách không khoan nhượng, rằng: “Tôi từng bị hack tài khoản, thế là tôi không dùng Facebook và Twitter đã 4 năm. Cuộc sống từ đó thật tuyệt vời”, ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức, cho biết.
Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp, cũng đồng quan điểm: “Tôi có thể xác nhận rằng cuộc sống sẽ rất tốt khi không có Facebook. Chúng ta sẽ sống rất tốt mà không có Facebook”.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, tại quê nhà, Facebook vẫn đang phải đương đầu với các động thái chống độc quyền từ cả hai nhánh hành pháp và lập pháp. Quốc hội Mỹ đang đưa ra dự luật hạn chế các nền tảng Internet mua lại các đối thủ. Ủy ban Thương mại Liên bang đã kiện Facebook dùng việc mua lại Instagram và WhatsApp để duy trì vị thế độc quyền.
Tại Đông Á, Facebook chưa bao giờ là lựa chọn số 1 ở Nhật hay Hàn. Riêng ở Trung Quốc, đất nước tỷ dân, thị trường lớn nhất hiện tại đã và đang có những mạng xã hội nội địa và cấm triệt để mạng xã hội nước ngoài.
Từ trước đến nay, tăng trưởng số lượng người dùng luôn là động cơ lớn nhất của Facebook. Càng nhiều người dùng thì càng khiến nhiều người chưa dùng muốn đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, khi tăng trưởng người dùng đã dừng lại và các khó khăn tiếp tục chồng chất, thách thức đối với tương lai của Facebook chưa bao giờ lớn như lúc này.
Trí Dũng
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn