(MTD) Không chỉ dừng ở lời kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa, túi nylon, góp phần bảo vệ môi trường, các bạn trẻ ngày một quan tâm hơn, thậm chí hiện thực hóa việc nói không với đồ nhựa trong từng hành động nhỏ. Cùng Mây lắng nghe “câu chuyện có thật” từ bạn Cam Anh trên hành trình bảo vệ “trái đất của chúng mình” nhé!
“Tiết kiệm khoảng 10.000 chiếc túi nylon / năm, thật khó tin đúng không? Mình không nói điêu đâu.
Mỗi ngày mình ước tính dùng khoảng 30 chiếc túi nylon bao gồm: túi đi chợ (nhiều khi thịt cá sẽ được các cô bán hàng dùng 2 túi một lúc khỏi rách, một mớ hành cũng là 1 túi nylon), túi đi mua sắm (1 vỉ thuốc họ cũng cho vào túi nylon cho mình, quần áo, đồ đạc nhỏ linh tinh…), túi thực phẩm đóng gói (mỳ tôm, bánh kẹo…) v.v…
Bạn có thể tự ước tính một ngày và 7 ngày của bạn nhé. Chưa kể những dịp như liên hoan, dịp lễ, sinh nhật… sẽ dùng túi nylon gấp nhiều lần ngày thường.
Thay vì buộc phải sử dụng số lượng túi nylon như mình đã ước tính ở trên, mình lựa chọn các phương pháp thay thế như sau:
“Túi vải” dùng để đựng tất cả đồ linh tinh. “Túi lưới” dùng để đựng thực phẩm. “Hộp nhựa” để đựng thực phẩm tươi sống. Dùng “cốc inox” hay “ly giữ nhiệt” mang đi, thay thế những chiếc ly nhựa dùng một lần. Dùng “ống hút inox” hay uống thẳng miệng cốc, thay thế ống hút nhựa. Từ chối dùng các sản phẩm nhựa một lần và hạn chế gọi đồ ăn về.
Các sản phẩm thay thế nhựa luôn được mình gấp gọn, bỏ vào túi vải đeo người, bỏ vào giỏ xe / cốp xe, treo xe, không hề bất tiện.
Mình hạn chế đi siêu thị, đi chợ nhiều hơn. Bởi mình đi chợ cóc địa phương ở thành phố nhỏ, nên thực phẩm qua khả năng nhận biết của mình thì sạch sẽ hơn ở thành phố lớn. Nếu phải đi siêu thị, mình vẫn mang túi của mình để cân rau củ quả.
Tất cả những đồ nylon thừa luôn được mình giữ lại, gấp gọn. Sau đó cho các cô đồng nát, hoặc đưa đến các trạm thu gom túi nylon, như Tổ chức Green Life – chuyên tái chế nylon làm nhựa đường… Bạn có thể tìm hiểu các tổ chức này ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… Thậm chí ngày nay, nhiều tổ chức về môi trường cũng tích cực hoạt động tại các thành phố nhỏ.
Chai lọ nhựa cũng được mình xử lý tương tự. Trừ những túi nylon quá bẩn không thể tái chế mới phải vứt nhưng thật sự rất rất ít.
Hạn chế ăn thực phẩm đóng gói công nghiệp (mỳ tôm, bánh kẹo, nước ngọt đóng chai, túi gia vị có sẵn như gia vị thịt kho, cá kho, mì chính, hạt nêm…) đến mức tối đa. Việc hạn chế này không chỉ giúp ích cho viêc giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, mà ở khía cạnh sức khỏe, điều này còn rất tốt cho chúng ta, vậy là được lợi cả hai việc.
Hạn chế mua sắm không cần thiết (quần áo, mỹ phẩm, đồ chơi nhựa, các đồ dùng khác…). Mình sử dụng quần áo từ các sợi vải lành tính như linen nhiều hơn các sản phẩm tiêu thụ nhiều nước hay gây hại như polyester và nylon.
Mua đồ tốt – hợp lý trong khả năng dùng lâu dài thay vì đồ kém chất lượng để phải thay thế liên tục. Mua các sản phẩm với dung tích lớn thay vì chai lọ dung tích nhỏ (bớt chai nhựa và tiết kiệm hơn). Ăn uống hợp lý đủ nhu cầu không thừa mứa, tiêu dùng hợp lý và bỏ đi những thứ không cần thiết.
Hạn chế ăn thịt cá bởi vì sức khỏe và hệ lụy của ngành công nghiệp chăn nuôi mang lại. Và may thay, mình là người ăn chay nên cái này không cần hạn chế. Sử dụng các sản phẩm thiên nhiên thay vì hóa chất công nghiệp. Ngoài một số Start-up bán sản phẩm thiên nhiên, thì bạn có thể tự làm dầu gội từ bồ kết, tự ủ enzym tẩy rửa phòng bếp và phòng tắm, tự làm con dấm…
Phân loại rác: các loại hộp giấy cho các cô đồng nát, rác hữu cơ ngâm làm phân bón trồng cây hoặc chôn đất, rác vô cơ tái chế… Từ đó rác thải ra môi trường là cực kỳ ít.
Sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xe điện, xe đạp, đi bộ nhiều hơn. Bên cạnh đó thì mình cũng hạn chế dùng các thiết bị điện như điều hòa khi không cần thiết (hoặc bật thời gian vừa rồi cho nghỉ, vì điều hòa hại sức khỏe cũng như khí nóng thải ra môi trường), dùng điện nước hợp lý…
Bạn có biết có bao nhiêu hạt vi nhựa đổ ra đất, tan ra sông suối rồi đổ ra biển cả, vào bụng của cá rùa các loài sinh vật biển, những chú bò ăn rác trong cánh đồng… sau đó thịt của chúng vào ngược lại thức ăn của con người?
Bạn biết rằng 1 chiếc túi nylon mất 1.000 năm để phân hủy chứ?
Ngành công nghiệp chăn nuôi chiếm 30% diện tích đất bề mặt trái đất, đóng góp 1/5 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, làm ô nhiễm nước và ảnh hưởng đến hệ sinh thái nói chung (chưa kể là thu hoạch quá sớm, nhiều nơi điều kiện sống và nuôi nhốt của động vật kém, ép tăng trưởng…).
Ngành công nghiệp thời trang gây ô nhiễm 20% nước toàn cầu bởi thuốc nhuộm và hóa chất sử dụng cho vải. Vậy nên hãy cân nhắc và từ chối “thời trang ăn liền” hay “thời trang nhanh”. Việc sản xuất nylon tạo ra nitrous oxide – là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn cả carbon dioxide (C02) gấp 300 lần.
Nếu như chúng ta không quan sát, dùng mọi thứ hay ăn thực phẩm quá mức nhu cầu thậm chí thừa mứa, chúng ta đang làm hại sức khỏe của chính mình cũng như hệ sinh thái nói chung.
Có cầu ắt có cung, ta hãy thay đổi mình vì chính mình từ ngày hôm nay. Không cần hoàn hảo ngay, nhưng không bao giờ là muộn để thay đổi. Cũng không cần phải thay đổi ai, hãy thay đổi thói quen của chính mình. Những lợi lạc và niềm vui mà bạn nhận được sẽ nhiều hơn là bạn nghĩ.
Khi ta vứt rác có chánh niệm, ta nhận ra ta vừa bỏ cái gì vào thùng rác.
Cam Anh“
MTD
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn