(MTD) Khát uống trà mai hương ngọt ngọt,
Giấc nằm hiên nguyệt gió hiu hiu (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Ngồi dưới mái hiên nhà thanh vắng, qua làn mưa bụi gió nhẹ chiều thu, ngắm nhìn cảnh vật mơ màng khói sương diệu ẩn, nhóm một lò lửa phận duyên, pha một bình trà tĩnh lặng, thả hồn về khoảng không êm ả, tận hưởng những cảm hứng khơi màu từ thiên nhiên non nước qua bốn mùa thay đổi, có rồi mất, nở rồi tàn.
Bên mùi vị trà thân thương đó, đã hun đúc vô vàn điều tái ngộ, khiến lòng người cảm nhận rõ hơn sự tinh khiết của tâm hồn, sự thanh đạm của cuộc sống. Bởi lẽ, nó giúp ta lắng nghe được tiếng nước thanh réo sôi trong lòng ấm; thưởng thức được mùi vị chát, đắng, thơm hương, ngọt hậu của cuộc đời và đếm hết bình thản của tháng năm trong nhu tình của một chén trà thanh tịnh, mặc cho thế gian mịt mù mây gió, khuấy động cõi lòng vốn chẳng bình hòa của thế nhân.
Trà đã thật sự trở thành một khúc nhạc hay, tuy không có thanh điệu, nhưng khiến người uống phải đồng âm hòa lại, đó là sự hòa ái, chất chứa sự thanh tao, phong độ văn hóa, tình tri âm tri kỷ, làm cho con người yêu thương nhau, hòa hợp với nhau hơn.
Là loại thức uống rất đặc biệt và có hương vị rất riêng, người xưa biết đến trà không chỉ là nước uống giải khát thông thường mà còn là một loại dược thảo dùng để trị bệnh, tăng thêm sức khỏe. Nhưng có lẽ, trà hấp dẫn, lôi cuốn hơn vì việc uống trà được nâng lên thành thú chơi tao nhã, một loại hình nghệ thuật thưởng thức, và hơn nữa nó thấm đượm hương vị của sự tỉnh thức. Từ đây, trà đã làm một cuộc hành trình ngoạn mục từ Đông sang Tây, chinh phục những kẻ khó tính nhất, từ bậc chí tôn thiên tử đến người nông dân bần hàn. Ngày nay, trà có mặt ở hầu khắp thế giới, mỗi ngày tính ra người ta uống đến cà tỷ chung trà. Đặc biệt, ở những vùng “phong, hoa tuyết, nguyệt” vẫn xem trà là chuyện bất khả chia lìa.
Tuy nhiên, trong chén trà của nhân lọai, từ nghi thức uống trà đến ý nghĩa thưởng thức trà ở mỗi nước có nhiều sự khác biệt, không đồng nhất nhau. Người Trung Quốc xem trà là “chất” khơi nguồn cảm hứng thi ca, kết nối tình bằng hữu. Còn người Hàn Quốc dùng trà để thờ cúng trong dịp lễ hội và giới tri thức thường dùng nó với ý thức có được sự mẫn tiệp. Người Nga với thời tiết lạnh giá nên quan niệm trà là loại thức uống làm ấm tim. Việc thưởng trà ở Nhật lại khác, nó là một hình thức tôn kính cái đẹp Thiền lý, trong đó các thành viên (trà đồ) tập trung thanh lọc tâm hồn bằng việc tĩnh tại với thiên nhiên. Triết lý thưởng trà này đã trở thành một nghi thức luật cao cấp mà ta gọi là Trà Đạo, khiến thế giới xem như là di sản văn hóa đặc biệt của nhân loại.
Hòa chung dòng chảy với các nước phương Đông, trà cũng đã có mặt ở nước ta từ rất lâu đời, đã có nhiều nhận định cho rằng Việt Nam là cái nôi, là quê hương của cây trà, con người quen thuộc với chén trà từ khi còn tấm bé, uống trà trong mọi khoảnh khắc của đời sống, và trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc.
Tuy là thức uống mang tính giản dị, dân dã, nhưng “mùi” của nó lại mang đậm ý nghĩa cộng đồng. Mọi người có thể ngồi quay quần bên chén trà mà bàn về cuộc sống mùa màng, hay những lời thăm hỏi. Người Việt Nam mời nhau uống trà không đơn thuần là để giải khát, mà để biểu hiện sự kết giao tri kỷ, một tấm lòng ước mong hòa hợp, một sự tâm đắc của những người cùng đối thoại, chén trà như khởi đầu những mối quan hệ. Vì vậy, dù là một bát chè xanh mộc mạc hay chén ngọc trà sang kiểu cung đình hay chén trà thanh tao của kẻ sĩ ẩn dật, trong văn hóa thưởng trà dường như luôn hòa vào nhau, khó phân biệt một cách rạch ròi vì tất cả đều hòa chung trong tinh thần thong dong, tự tại, thanh bạch, muốn thoát khỏi hồng trần của thế gian.
“Mùi” của trà Việt vì thế rất đặc trưng, sâu sắc, hiển lộ nhiều đặc tính với tinh thần vượt trội, siêu thăng. Nếu trà đạo Nhật Bản và trà thiền Trung Hoa có khuynh hướng “xuất thế nhập thần” thì Trà lễ Hàn Quốc lại thiên về tính “xuất thần nhập thế”. Trong lúc ấy, sự ứng đối và hòa thông giữa xuất thế nhập thần và xuất thần nhập thế lại là khung sườn chủ đạo tác thành tính chất đặc trưng của Trà Việt. Nó biểu hiện ở sự cảm nhận mùi vị trong lúc uống trà (niệm thức) và trong cách thức của diễn tình trà ẩm (kiểu thức) nhằm hiển xuất niệm thức của bản thân.
Mùi của trà Việt dù là trà mộc – bình dân, hay trà ngự – kiểu cách hoặc trà văn – thanh tao, thì mẫu số chung đó là tính Nhàn – vốn là mong ước chung của mọi thành phần xã hội và căn tính cá thể của người Việt. Do vậy, trà của người Việt vừa có mộc mạc rất đơn giản của bát chè xanh, những phong hóa của buổi trà quê lại vừa hết sức nhàn lạc, lại vừa chẳng thiếu oai phong của vương gia vọng tộc:“Vắt chân chữ ngũ/ Đánh củ khoai lang/ Bớ cô hàng nước/ Cho bát chè xanh”.
Ở góc nhìn khác, nếu hiểu “mùi vị” của đạo ở nét nghĩa là sự hòa nhập của con người với thế giới tự nhiên theo tinh thần của văn hóa phương Đông nói chung, thì người viết nghĩ rằng cái “đạo” dường như đã được xác lập một cách tự nhiên như bản thân nó vốn có từ rất lâu đời trong văn hóa trà Việt.
Hãy thử hình dung, khi bình minh vừa ló dạng, bác nông dân nhẹ nhàng hứng những giọt sương đêm còn đượm, thư thái nhuốm một lò lửa nồng ấm, bình tâm pha ấm trà xanh thấm đẫm vị phong sương, ông không hiểu hết văn hóa trà trong Trà kinh của Lục Vũ, cũng không thể hiểu sự huyền diệu, ẩn tàng trong các loại trà, cũng chẳng hiểu được nhật nguyệt trong lòng ấm. Ông cứ ung dung ngồi trước hiên nhà ngắm cảnh trời mây phiêu lãng, cứ tự tại phóng tầm nhìn xa vào đồng lúa bát ngát mênh mông, cứ khề khà với chú trâu hiền lành chất phác bên cạnh, như một bằng hữu tri âm hàn uyên đối ẩm, phút chốc lại nghe tiếng chim reo vui mừng ngày mới, rồi bắt chợt gặp một cành hoa đang nở thắm khoe duyên. Lặng lẽ nhấp một ngụm trà chất chứa mùi vị của thanh tao, thoát tục, chẳng vì phong nhã, hay cao sang, đài các, chỉ để thanh tâm, hướng thiện. Không gian yên tĩnh, thơ mộng, trống rỗng đó, dường như có sự hòa nhập thật sự giữa con người với thế giới tự nhiên, với mọi sinh linh từ ngọn cây bụi cỏ, tất cả như cùng hòa một nhịp với vũ trụ bao la rộng lớn này. Lúc bấy giờ, thưởng trà đã trở thành vầng mây hoa huyền ảo. Hoa không còn là hoa nữa, mây cũng chẳng phải là mây. Trà không còn là trà nữa, đạo không phải là đạo, thiền cũng không phải là thiền. Chúng tan vào nhau, tan vào cuộc sống, như chính chân lý, ta không thấy rõ, nhưng nó vẫn có, mặc dù ta không nhìn thấy…
Bất chợt, khiến ta nhớ đến bài thơ của Thiền sư Basho: Xưa nay trà vốn đạo/ Hễ khát là uống thôi/ Nếu nghĩ trà với Đạo/ Thì đầu chồng thêm đầu. Hãy để cho cuộc sống tự hiển hiện qua trái tim thuần khiết, cảm nhận sự đồng điệu với đất trời, yêu thương mọi người, quý trọng sinh linh trong từng khoảnh khắc khi thưởng thức trà Việt mến yêu.
Với chén trà trên đôi tay, dù trà ngon hay trà dở, dù đậm đà hay nhạt vị, dù kiểu cách hay dân dã, dù bình dân hay bác học, cung đình, dù uống nóng hay dùng lạnh… cũng hy vọng rằng cuộc gặp gỡ ấy luôn có hương vị trà duyên vấn vít, trà hòa cảm thông, trà nhàn thư thái để cùng lan tỏa những giá trị của tình thương. Đó phải chăng là “Mùi Trà Vị Đạo” của tâm hồn Việt?
ThS.Nguyễn Hiếu Tín
(Trưởng Bộ Môn Du Lịch – Trường đại học Tôn Đức Thắng)
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC:
- Hương quê…
- Hanh hao mùi Tết
- Khói ơi…
- Khoảng trống giữa trời
- Má đợi con về
- Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng
- Mùi chùa quê
- Mùi khói tết của mẹ