Trong cuốn sách “Buông”, ngoài những trải nghiệm về chuyện học Phật của bản thân, tác giả – Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn chia sẻ với độc giả về vai trò của thiền định như là phương tiện rốt ráo giúp mọi người biết “dừng lại”, “thôi đi”, nhận ra những “điên đảo mộng tưởng”, để từ đó biết sống cân bằng hơn, có sức khỏe tốt hơn, thảnh thơi và hạnh phúc hơn.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng có thể có những phút “giác ngộ” – đời là vô thường, là bóng câu qua cửa sổ, là bọt bèo, là giấc mộng… Nhưng ta chỉ giật mình “ngộ” một chút rồi quên, rồi “trôi lăn” theo những tham sân si, những quấn quýt chằng chịt vô cùng hấp dẫn không sao thoát nổi.
Một góc nhìn hài hước, độc đáo của Đỗ Hồng Ngọc
Trong bức thư Giáo sư Cao Huy Thuần gửi cho tác giả Đỗ Hồng Ngọc trích ở đầu tác phẩm “Buông” có viết: “Tiên học Phật, hậu học cái gì cũng được…”. Nhận xét hóm hỉnh này đã khái quát tinh thần chung của cả cuốn sách, đó chính là tâm an lạc là điều thiết yếu cần phải có trước tiên, những cái khác tự khắc sẽ đến sau.
Với “Buông”, tác giả – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã giải thích ngắn gọn những vấn đề phức tạp bằng cách tiếp cận hài hước, dí dỏm nhưng đem lại cho người đọc nhiều bất ngờ. Điều này thể hiện rõ nhất qua bài thơ viết ngay đầu sách là “Biết rồi còn hỏi!”:
“Tôi ngồi trước tượng Phật
Viết lăng nhăng mỗi ngày
Để khi nào bí thì hỏi
Phật tủm tỉm cười
Biết rồi còn hỏi!”
Chỉ với 5 câu thơ ngắn gọn, trực tiếp vào thẳng vấn đề, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã có thể gửi gắm một thông điệp rất ý nghĩa là: Câu trả lời đã có sẵn trong mỗi người, không phải ở một đấng tối cao nào. “Viết lăng nhăng” ở đây không phải là xem nhẹ những gì mình viết mà là không đặt nặng những vấn đề bên lề, những kết quả hay hào quang có thể đến từ việc viết. Viết không phải để làm việc. Viết là để vui, cũng như bất cứ hoạt động an dưỡng tinh thần nào khác.
Dung lượng ngắn gọn, truyền tải được nhiều thông điệp ý nghĩa
Cũng trong bài thơ “Biết rồi còn hỏi!” ở ngay khổ tiếp theo, tác giả – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn nhìn thấy một vấn đề phổ quát khác vốn là nguyên cớ gây ra cơn phiền muộn cho nhiều người. Với góc nhìn độc đáo, ông nhận ra bài học cuộc đời ở ngay chính tấm biển hiệu mà có lẽ nhiều người qua đường chẳng mấy ai chú ý:
“Sáng ra đường phố
Từng bước như đi dạo
Không thấy nở hoa sen
Ngước mắt nhìn lên
Một tấm biển to chữ đỏ
Đồ ngu cao cấp
Cửa hàng Fashion
Rơi dấu hỏi…”
Phát hiện này của ông có thể khiến người đọc dễ dàng bật cười nhưng đồng thời cũng nhận ra được thông điệp ngầm ẩn rằng: Vật chất chỉ là chuyện phù du. Tất cả những bài viết còn lại trong “Buông” cũng đều ngắn gọn như thế với tinh thần “ý tại ngôn ngoại” vốn kiệm lời của thiền.
Do đó, dù “Buông” là tập hợp 15 bài viết xen kẽ thơ của tác giả – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhưng sách tổng cộng chỉ có 141 trang, thích hợp cho cả người bận rộn đọc giữa những khoảng thời gian nhàn rỗi hiếm hoi.
Cách tiếp cận đa dạng về thiền
Ở tác phẩm “Buông”, tác giả – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng có một bài viết ghi lại những suy tư vào thời kỳ dịch bệnh căng thẳng trong năm vừa qua. Trước tình cảnh không thể đi ra ngoài vì giãn cách, ông điềm nhiên nhận thấy có một giải pháp rất đơn giản mà hiệu quả là: “Nếu không ra ngoài được thì hãy đi… vào trong”.
Thoạt tiên, người đọc có thể bật cười nhưng sau đó phải gật gù trước cách ông dùng thiền để giải thích và mở rộng vấn đề. Thông qua đó, ông cho rằng, nếu ta có thể sống với tâm tĩnh lặng thì dù bên ngoài có biến động thế nào, ta vẫn sẽ an nhiên tự tại.
Không chỉ có góc nhìn hóm hỉnh, với nền tảng kiến thức sâu rộng, tác giả – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn có thể giải thích một vấn đề ông đưa ra bằng nhiều hướng tiếp cận đa dạng, phong phú. Đặc biệt, ông vừa bộc lộ quan điểm bản thân, vừa tổng hợp được cả những quan điểm từ cổ chí kim để giới thiệu đến độc giả.
Ví dụ, trong bài viết “Mùa Cô-vi: Nhắc chuyện Độc cư/ Thiền định/ Kham nhẫn/ Tri túc”, ông vừa trích dẫn bài kệ của Trần Nhân Tông, vừa nêu ra liệu pháp dùng thiền để chữa trị cho căn bệnh thời đại ngày nay là S.A.D (viết tắt của Stress: căng thẳng; Anxiety: lo âu; Depression: trầm cảm). Chính vì vậy, những ý kiến của ông trong mỗi bài viết đều mang tính thuyết phục cao mà đọc vẫn nhẹ nhàng dưới cách diễn đạt hài hước.
Một điểm đặc biệt nữa trong cuốn sách “Buông” chính là những tranh minh họa của họa sĩ Lê Ký Thương. Ông từng có thời gian dài sống ở chùa, ăn chay trường nên vô cùng thấm nhuần tinh thần thiền và Phật giáo. Chính vì vậy, toàn bộ tranh minh họa Lê Ký Thương vẽ cho “Buông” với những đường nét tròn, cách điệu đơn giản, tạo cảm giác thư thái, nhẹ nhõm khi ngắm nhìn đã truyền tải trọn vẹn tinh thần mà tác giả – Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc muốn gửi gắm đến độc giả qua cuốn sách này.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Ông tốt nghiệp tiến sĩ y khoa quốc gia, Y khoa Đại học đường Sài Gòn năm 1969. Ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm với nhiều chủ đề như viết cho tuổi mới lớn, viết cho các bà mẹ, tùy bút, tạp văn, thơ… Nhiều tác phẩm của ông được công chúng yêu thích gồm “Già ơi chào bạn”, “Gió heo may đã về”, “Thư gửi người bận rộn”… |
Thanh Hương (theo Báo Lao Động)