(MTD) Sa mạc Atacama ở Chile – được biết đến là nơi khô cằn nhất trên thế giới – một lần nữa được phủ kín bởi sắc tím rực rỡ của những bông cẩm quỳ trong những tuần gần đây.
Theo hãng tin Reuters (Anh), hiện tượng hoa nở rộ hiếm thấy trên sa mạc Atacama đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến Nam bán cầu vào mỗi mùa xuân, tùy thuộc vào lượng mưa nhận được trong mùa đông. Hoa cẩm quỳ màu tím và hoa ananuca màu vàng nằm trong số 200 loài hoa có thể nở trong môi trường khắc nghiệt với lượng mưa trung bình chỉ 0,01 cm mỗi năm.
Nhiều khu vực tại sa mạc Atacama, phía bắc Chile, thậm chí có thể không ghi nhận giọt mưa nào trong nhiều năm. Trước khung cảnh hoa nở rực rỡ năm nay, nhà sinh vật học Andrea Loaiza tại Đại học La Serena cho biết: “Sa mạc Atacama như một phòng thí nghiệm tự nhiên. Nó mang đến cho các nhà khoa học cơ hội nghiên cứu về cách thích ứng của các loài thực vật với khí hậu khắc nghiệt”.
Hiện tượng hoa nở trên sa mạc khô cằn trong trường hợp này được tạo ra bởi một hệ sinh thái phức tạp, trong đó hạt giống hoa có thể nằm im trong đất hàng thập kỷ để chờ đợi đủ lượng mưa cho phép chúng mọc lên.
“Khi có một lượng mưa nhất định, ước tính 15mm3, hàng loạt hạt giống sẽ được kích hoạt và nảy mầm”, ông Loaiza nói.
Hiện tượng hoa nở rộ bất thường này được người dân địa phương gọi là “sa mạc nở hoa”. Nhà sinh vật học Loaiza cho biết những lần hoa nở rộ diễn ra không đều đặn, chỉ vài năm một lần. Lần gần nhất được ghi nhận vào năm 2017. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể ngày càng ít dần.
Các chuyên gia cảnh báo hệ sinh thái tại sa mạc Atacama “rất mong manh vì nó đã tới hạn”, đồng thời nói thêm rằng “bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể phá vỡ sự cân bằng đó”.
Giới chuyên gia khẳng định điều quan trọng là phải nghiên cứu những loài hoa này để hiểu cách chúng tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt. Họ cho rằng sự nóng lên toàn cầu có thể biến nhiều vùng đất màu mỡ trên hành tinh thành sa mạc như Atacama.
“Để thích ứng với khủng hoảng khí hậu, chúng ta cần hiểu các quá trình tự nhiên”, nhà di truyền học Andres Zurita cho biết. “Chúng tôi muốn học hỏi từ những loài thực vật này vì chúng thể hiện những cơ chế thích nghi khác nhau. Nhà sinh vật học Cesar Pizarro cho biết khu vực này có xu hướng nhận lượng mưa ngày càng ít hơn theo thời gian, ngoại trừ các năm 2007 và 2011. “Mặc dù mưa chỉ giới hạn trong một khu vực nhỏ, nhưng vẫn rất ấn tượng khi chứng kiến mưa rơi xuống sa mạc khô cằn nhất hành tinh”, ông nói.
Theo TTXVN