(MTD) Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10-10-1952 ~ 10-10-2022) là dịp cả nước cùng nhìn lại những đóng góp của Ngành đối với sự phát triển văn hóa dân tộc, cũng là dịp tôn vinh người làm xuất bản tiêu biểu qua các thập kỷ.
Trải qua 70 năm hình thành – xây dựng – phát triển, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trên cả ba lĩnh vực: Xuất bản, in và phát hành sách. Có thể thấy, Ngành đang ngày một mạnh dạng tiếp cận xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nâng tầm văn hóa đọc, nâng cao năng lực của các cơ sở in, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Điển hình như các mối quan hệ hợp tác xuất bản toàn diện với Lào; mở rộng hợp tác với Cuba, Trung Quốc; phát triển quan hệ với Nga và các nước ASEAN, Pháp, Nhật… Ngành xuất bản Việt Nam đã trở thành thành viên sáng lập của tổ chức Hiệp hội Xuất bản châu Á – Thái Bình Dương (APPA), Hiệp hội Xuất bản các nước ASEAN (ABPA), góp phần tích cực vào hoạt động thông tin đối ngoại, đưa sách báo Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Chất lượng nội dung xuất bản phẩm không ngừng được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân; tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), tuy chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid- 19, song trong năm 2021, hoạt động xuất bản vẫn có những khởi sắc đáng khích lệ, với tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt 2.996,7 tỷ đồng (tăng 1,4 lần so với năm 2002).
Cụ thể, toàn ngành xuất bản đạt trên 40.000 đầu xuất bản phẩm (trong đó có trên 32.000 đầu sách), hơn 460 triệu bản xuất bản phẩm (trong đó có 390 triệu đầu sách), tăng hơn 1,5 lần so với năm 2001.
Có thể nói, trong những năm trở lại đây, nhiều nhà xuất bản đã và đang có những bước đi thích hợp, đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp cận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số. Điển hình là sự tăng vọt của xuất bản phẩm điện tử trong ba năm gần đây, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói, đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng.
Tính đến tháng 5-2022, đã có 16 nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản điện tử. Trong đó, từ năm 2019 – 2021, bình quân mỗi năm xuất bản được từ 2.000 ~ 2.500 xuất bản phẩm điện tử. Chỉ riêng 3 đơn vị phát hành sách nói Waka, Fonos và WeWe đã có hàng trăm nghìn Account (tài khoản) sử dụng thường xuyên, với tổng lượt truy cập năm 2021 lên đến trên 20 triệu lượt, góp phần tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.
Có thể khẳng định, ngành Xuất bản (bao gồm 3 lĩnh vực: xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm) đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, tích lũy, truyền bá tri thức, góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.
Theo thống kê, riêng tại TP.HCM hằng năm tiêu thụ hơn 25.000 đầu sách với hơn 1 triệu bản in. Một số mô hình như Đường Sách, Hội sách Tết, Hội sách thành phố, xe sách lưu động… trở thành điểm nhấn văn hóa, niềm tự hào của người làm sách, yêu sách… TP.HCM hiện có:
- 2 nhà xuất bản trực thuộc (Nhà xuất bản Tổng hợp, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ)
- 4 nhà xuất bản do cơ quan Trung ương quản lý nhưng tổ chức đảng thuộc Đảng bộ thành phố (Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM)
- 5 văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài đặt tại thành phố (Đại học Oxford, Đại học Cambridge, Pearson, Công ty MIMS, Công ty MacMillan)
- 28 nhà xuất bản của Trung ương và địa phương có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại TP.HCM
- 141 đơn vị doanh nghiệp phát hành và 1.000 cửa hàng sách tư nhân.
Nguyên Minh
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn