(MTD) Ngày 5-10 là Ngày nhà giáo Thế giới, khiến tôi nhớ lại hành trình làm nghề của mình.
Tôi nhớ ngày 3-10-2005, mình chính thức là giáo viên. Tới nay là 16 năm tròn. Có những lúc dừng việc giảng dạy để đi học và làm quản lý nhưng tôi chưa từng định vị bản thân bằng danh xưng nào khác ngoài Giáo viên và Nhà giáo dục.
16 năm, tôi chưa có khái niệm nghỉ hè. Tôi cũng chưa từng ngồi tính mỗi tuần mình phải làm việc bao nhiêu tiếng. Nhớ thời kì ‘đỉnh cao’, tôi dạy không khác gì cái máy, 75 tiết/ tuần, kín 3 ca sáng đến 9g đêm, cả thứ Bảy, Chủ nhật. Tôi không đủ thời gian làm mới bài dạy, không đọc thêm, không hiểu sâu, giảng dù sinh viên vẫn thích nhưng tôi thấy thất vọng với chính mình. Tôi tin các em xứng đáng được học những điều có giá trị hơn. Hậu quả là khiến tôi ‘ghét’ lên lớp và quyết định sang Anh học tiến sĩ.
Tôi muốn học thật tập trung, thật đàng hoàng.
Từ lúc đó, tôi tự hứa không bao giờ đưa mình quay trở lại cái ‘mẫu hình giáo viên’ trước kia. Về nước, tôi dạy đúng ở trường cũ, không thỉnh giảng ở đâu hết. Tôi có làm thêm việc khác kiểu ngắn hạn vài ngày hay 1-2 tuần, nhưng dạy miệt mài như trước là không. Và cũng từ trải nghiệm của bản thân, tôi rất ủng hộ giáo viên được nghỉ giữa kỳ, nghỉ hè trọn vẹn để tái tạo sức sáng tạo và cảm hứng.
Những ngày tháng này, tôi thực sự rất tận hưởng những giờ ‘lên lớp’, được giảng dạy, được chia sẻ với những người cũng làm trong ngành Giáo dục. Trung bình vẫn tầm 10-12 giờ lên lớp/ tuần, nhưng so với trước đây thì đúng là số lượng này thật ‘lý tưởng’ quá rồi. Tôi thấy khi có đủ thời gian nghiên cứu, tìm tòi và chuẩn bị bài giảng, mình đầy cảm xúc tích cực trước, trong và sau bài giảng. Cảm xúc đó duy trì cho đến những bài giảng kế tiếp. Thế nhưng để có những giờ giảng thăng hoa thì sự đầu tư và sức tập trung chuẩn bị phải rất lớn. Tôi dư khả năng cứ ‘lên sân khấu’ là có thể nói bất tận về giáo dục nhưng học viên rõ ràng cần những bài giảng chất lượng, đúng nhu cầu nhất của họ. Họ không có thời gian và sức lực ngồi đó nghe mình dạy những thứ chỉ ‘cho vui’.
Tôi nhớ láng máng nghiên cứu nào đó cho thấy tỉ lệ giáo viên bỏ nghề trong 3 năm đầu cao hơn hẳn các năm sau đó. Có lẽ đúng. 3 năm đầu có thể là cú sốc với nhiều người vốn nghĩ nghề giáo là nhẹ nhàng, làm việc với trẻ con là dễ dàng, mà chưa biết hết những thách thức của nghề. Làm giáo viên đòi hỏi cực kỳ nhiều năng lực đa dạng và phải học hỏi không ngừng. Việc kiệt quệ đam mê với nghề, trong đầu đầy những suy nghĩ tiêu cực về nghề và trong tim không còn tình yêu với trẻ thì đúng là nên dừng lại.
Làm nghề giáo không là cuộc dạo chơi cho bất cứ ai! Đó là sự lựa chọn nghiêm túc và trách nhiệm!
Tôi cũng gặp nhiều thầy cô làm nghề nhiều năm với đầy nhiệt huyết, càng lớn tuổi, gắn bó với nghề càng lâu, họ càng bao dung, kiên nhẫn. Họ nhắc mình mỗi ngày phải sống tử tế và làm nghề nghiêm túc.
Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền