Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

[Sách và Cuộc sống] Cô đơn và Nỗi buồn thật cao đẹp trong “Phía Tây thành phố”

(MTD) Những ai thấu hiểu được nỗi cô đơn của bản thân, đều là người biết cách trân trọng những nỗi buồn đến từ cuộc đời!

Có lẽ nghề Y là nơi người làm nghề nhìn thấy được nhiều nỗi buồn cũng như mất mát nhất. Đó là những nỗi buồn của bản thân khi chứng kiến nhiều khoảnh khắc bất lực trước sinh mệnh của bệnh nhân. Chưa kể, nỗi buồn của nhân gian thì cứ phủ lên theo từng ngày từng tháng.

Năm 2021, đại dịch như một tiếng chuông ám ảnh, ngân những hồi dài chưa dứt. Cứu một sinh mệnh là hạnh phúc của người hành nghề Y, nhưng đôi khi những khoảnh khắc của hy vọng và hồi sinh ấy dường như chưa thể bù đắp đủ cho những nỗi buồn cứ đọng lại nơi đáy mắt…

Lần đầu tiên tôi gặp bác sĩ Lê Minh Khôi ngoài đời là khoảng 6 năm về trước, lại ở trong một hoàn cảnh rất nghiệt ngã, dù trước đó đã kết bạn cùng anh trên Facebook khá lâu. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, ba tôi nhập viện và chuyển viện từ quê vào Bệnh viện Đại Học Y Dược.

Ba vào đến khoa cấp cứu lúc sáng sớm và khi đó thì khoa cấp cứu cũng đã gần như đầy bệnh nhân, phòng trống cũng chưa có… Tôi, trong nỗ lực kết nối các mối quan hệ, thật may nhớ đến anh và thử “đánh liều” nhờ cậy anh xem liệu có thể giúp tìm một phòng trống trong ngày để chuyển ba lên nằm.

Tôi còn nhớ khoảnh khắc hai anh em gặp nhau ở hành lang bệnh viện, anh lúc đấy mặc một chiếc áo sơ mi sọc caro, vai đeo một túi xách màu đen sờn cũ và đặc biệt, nụ cười thì rất hiền.

Buổi chiều nay, khi tôi nằm đọc cuốn sách “Phía Tây thành phố” mà anh viết ngay trong những ngày đại dịch diễn ra căng thẳng ở Sài Gòn, bất chợt ký ức nhắc tôi về ngày đó. Ba tôi đã mất được 4 năm rồi, một nỗi mất mát mà tôi đã nhìn ra và chấp nhận hoàn toàn trong sự thanh thản.

Nhưng, nỗi mất mát ấy, ắt hẳn rất khác với cái cảm giác lúc bác sĩ Lê Minh Khôi chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân Covid đầu tiên, khi anh được điều về Trung tâm hồi sức ở quận Bình Tân (nằm ở phía Tây thành phố) do Bệnh viện Đại Học Y Dược đảm nhiệm. Đồng thời, cũng sẽ rất khác với cảm giác mất mát từ những người thân của bệnh nhân ấy, trong một tình huống đại dịch mang tính lịch sử.

BS.Lê Minh Khôi, tác giả tập tản văn “Phía Tây thành phố” (ảnh: báo Nhân Dân)

Một cuốn sách chỉ hơn 200 trang nhưng đầy ắp nỗi niềm của một người làm nghề Y, luôn tận hiến bản thân trong những ngày cộng đồng cần mình nhất.

Ở đó còn là những câu chuyện của bệnh nhân, của những đồng nghiệp “nơi đâu gian khó sẽ có dấu chân”, của những ngày nhìn phố xá vắng lặng mà lòng chỉ muốn quay về với thời gian của khói bụi và kẹt xe, của từng giây phút nghĩ nhiều về sự sống – cái chết… Và trên hết, là của một người đang ở trong tâm dịch chứng kiến sự khốc liệt của cơn bão đại dịch quét qua thành phố.

Rồi, tôi nhớ câu chuyện của anh khi nói về Dr.Sperling (Bác sĩ – Cô giáo người Đức) đã dạy anh trong những ngày ở Đại học Y – Huế. Một cô giáo tận tâm, thương và hiểu học trò mình… Nhưng thật không may, trong những ngày trở lại nước Đức của 10 năm sau đó, anh gặp lại cô giáo nhưng cô không thể nhận ra anh vì nay cô đã mắc bệnh Alzheimer.

Có những sự tri ân trong cuộc đời có muốn đến thế nào cũng không thể báo đáp. Và đó cũng là lý do, để rất nhiều câu chuyện trong “Phía Tây thành phố” nói về trách nhiệm và sự cống hiến của những người làm nghề Y. Không tô vẽ, không phủ lên những lời tán tụng… chỉ đơn thuần là hãy để cho những người làm nghề Y thực hiện đúng sứ mệnh mà ngay từ khi bước chân vào giảng đường, họ đã chọn

Phía Tây thành phố” dĩ nhiên cũng sẽ có những nỗi niềm riêng tư của chính tác giả. Nỗi niềm ấy là về một mảng cô đơn trong tâm hồn mình mà anh muốn giữ lại sau khi làm một điều gì đó có giá trị với nghề. Hay đó còn là về những ký ức quê nhà, bạn bè và cả với con gái của mình…

Được biết, toàn bộ lợi nhuận của tập tản văn “Phía Tây thành phố” sẽ đóng góp cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Và tôi thiết nghĩ, chính bản thân mỗi độc giả của cuốn sách này, cũng đã cùng với bác sĩ Lê Minh Khôi chung tay trong một nghĩa cử thật sự cao đẹp của những năm tháng như thế này.

Chúng ta, bằng cách này hay cách khác đều sẽ thay đổi, khi bước qua năm 2021. Mất mát và đau thương có muốn vãn hồi cũng chẳng thể. Ngày mai đây, nước vẫn chảy và mây vẫn trôi, chỉ là hãy luôn nhớ chúng ta cần phải sống tiếp, trong cùng một bầu trời!

Link sách có chữ ký của BS.Lê Minh Khôi: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLScNJsOm7unVsG29h-kLp1KAVsaqaAzkeuhuyqwjGoTmaaBu6A/viewform

Nguyễn Phong Việt

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!