(MTD) Không biết từ khi nào, tôi yêu thiên nhiên đến thế. Nói ra chẳng phải tô vẽ thêm màu, chứ hồi đó đi đâu tôi cũng toàn chụp ảnh với cây cối. Mê lắm những gốc cây to, cành lá sum suê, bao phủ bởi vô số lá từ màu già thâm thẫm đến da trời, mạ non hay xanh đọt chuối. Ưa ngắm nhìn hình sắc bằng ánh mắt ngây thơ, mọi người bảo trẻ nhỏ chẳng chịu lớn lên.
Chuyện ngày xưa bữa giờ chưa kể, mấy chục năm về trước, lúc ấy nhà tôi có người anh thứ tư, nói thiệt trồng chi cũng đều tốt cả, đậu que đậu đũa thì thòng tòng teng say giàn, khoai mì thì củ một bụi là tràn cái nồi luộc luôn; chưa kể rau lang, rau muống, rau dền, rau xoong, cải bẹ xanh, xà lách, nói chung là đu đủ thứ. Tôi cứ ngưỡng mộ ông anh, chớ có khi nào trồng bất kể hạt giống gì đâu. Sau này, thời đến chạy không khỏi, tôi gieo hạt chi đều lên mơn mởn, nhìn mà thèm thuồng, muốn ăn. Thế là quay sang tự thần tượng mình.
Thật ra có câu thế này: “Làm anh thật khó, nhưng mà thật vui. Ai yêu em bé thì làm được thôi”, tôi xin chỉnh lại tí “làm vườn thật khó, nhưng mà thật vui. Ai yêu cây cối, thì làm được thôi”. Theo quan điểm của tôi, công tâm mà ghi nhận thật, chuyện mát tay là đồng ý, vì chính duyên này sẽ làm cho hạt giống sớm ngày lên cây, ra hoa kết quả nhiều theo ngày tháng. Nhưng ngoài việc học hỏi kĩ thuật làm nông không ngừng ra, người ta dành thời gian chăm sóc, bón phân, tưới nước, bắt sâu, đôi khi là còn ngồi tỉ tê tâm sự bên chúng nữa đấy. Và một điều đặc biệt tiên quyết khác, đó là bạn có thực sự yêu thích cây cối, thiên nhiên, môi trường hay không?
Hai chữ “thiên nhiên” nghe có vẻ rất đỗi thân quen đối với các bạn thường hay đi du lịch phượt, chọn làm kẻ lữ hành trên nhiều chặng đường dài chỉ để nhìn ngắm vẻ đẹp của núi non, đồng bằng, thung lũng, sông suối và biển đảo. “Môi trường” là câu chuyện được nhắc tới nhắc lui không biết bao nhiêu lần, tất cả hãy nên chú ý quan tâm và giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp. Ngoài việc giúp cho không khí trở nên trong lành thì còn góp phần bảo vệ sức khỏe chung cho cộng đồng, xã hội. Tiêu đề nêu ra có lẽ quá dễ, thực hiện được nội dung hay không mới đáng nói.
Mỗi người đều có một khoảng thời gian nhất định, để hội đủ các yếu tố nhân duyên hoặc giả như sự nhận thức chín muồi. Hôm nay, tôi quyết định thực hiện bài toán “cộng hết các đồ nhựa trong nhà trong tủ xem thử thế nào”, ai ngờ vơ từ kẹt xó đến bên ngoài tường vách ra biết bao nhiêu là đồ đựng bằng túi ni lông, keo mủ. Tôi liền đổi sang sử dụng vật thay thế như: hộp giấy, chai thủy tinh, lọ bình xứ. Tập yêu thiên nhiên chịu khó xài kiêng chế một chút, nhằm hướng tới bảo vệ môi trường, giữ gìn sức khỏe bản thân.
Sống giản đơn đơn giản, mà hiểu rõ tận tường cái gốc của mầm móng “chết”. Nhiều khi thời nay, chết vì bệnh dịch số báo bấy nhiêu, nhưng số người ra đi vì vô số bệnh liên quan đến môi trường ô nhiễm lẽ nào ít? Vấn đề nhức nhối càng làm cho bao nhiêu người yêu thiên nhiên, môi trường càng trở nên rắc rối trong khâu tuyên truyền và thực hiện hóa giấc mơ “nhà nhà chung tay bảo vệ”. Họ đã không đầu hàng trước số phận, mạnh mẽ phát động phong trào “trồng cây gây rừng”.
Tôi không bảo bạn phải tham gia cùng họ, vì có lẽ bạn sẽ nói ra hàng trăm lý do để rồi chốt nốt một câu: “À, hẹn khi khác, mình bận mất mấy tuần nữa, chưa rảnh đâu”. Tuy nhiên, việc này bạn có thể làm mà đâu cần kẻ nào rủ rê, thử gom góp chất nhựa, mủ trong chỗ bạn ở ra thử xem là tất tần tật bao nhiêu đống trước mặt”. Sau đó trở lại đọc phần bài tôi viết, khi ấy bạn sẽ hiểu thế nào là sống…. (nào có) chan hòa với thiên nhiên.
Việt An Khương
(Tu sĩ, đang sống ở Mỹ)