Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Sướng khổ vì… râu!

mây thong dong

(MTD) Trước đây, ta thường nghe nói “Tu mi nam tử” (đấng mày râu) hoặc “nam tu nữ nhũ” để chỉ râu là đặc trưng của nam giới, cũng như bộ ngực ở nữ giới.

Theo đó, chữ “tu” là từ Hán Việt có nghĩa là râu, và cách phát âm gần giống như chữ “tú”, có nghĩa là tốt đẹp. Vật trưởng thành thì tốt đẹp, nam giới trưởng thành thì mọc râu. Vì vậy, người xưa hay nói, đàn ông có râu là diện tướng tốt.

Vào thời cổ đại, râu tượng trưng cho Thần hoặc người ở vị trí tối cao. Do đó, trong thần thoại Hy Lạp, La Mã, thường rất dễ ấn tượng với các vị thần có những bộ râu đẹp, trông rất oai nghiêm, hùng dũng.

Quốc vương của những vương quốc cổ xưa như Assyria, Babylon đều để râu để biểu thị quyền lực. Các vị vua Pharaon của Ai Cập cổ đại cạo sạch râu tóc, nhưng trong các nghi lễ chính thức, họ phải sử dụng râu giả để chứng tỏ uy quyền.

Trong Kinh Cựu Ước chép: “Khi có người qua đời, trong nỗi đau buồn, không được cắt tóc và cũng không được cắt tỉa hàm râu”. Điều này vẫn còn là tập tục ở nhiều khu vực.

Đến thời trung cổ, đàn ông để râu như là chuyện bắt buộc “mặc định”, dù muốn hay không muốn. Chắc lẽ, vì thời ấy chưa có phương tiện cạo râu như ngày nay, bởi không phải dao nào cũng cạo được.

Mây Thong dong
Râu quai nón lôi cuốn phái đẹp

Theo thời gian, râu có nhiều kiểu, như trên miệng, dưới càm, hai ria mép. Có người chỉ để râu miệng và ria mép, cạo râu càm. Trước đây, kiểu này rất phổ biến trong giới sĩ quan hải quân ở Anh, nên còn gọi là “râu đô đốc hải quân”. Cũng có một thời, nhiều người cạo râu sạch càm và râu mép, chỉ chừa râu trên miệng thật nhỏ. Đó là kiểu râu Hitle. Tại Nhật, kiểu râu này cũng phổ biến trong giới quân phiệt.

Xoay quanh về râu, có nhiều giai thoại khá thú vị. Trong lịch sử nước Mỹ, vào năm 1860, A.Lincoln (1809 – 1865) khi tranh cử tổng thống, ông nhận được lá thư của một cô bé 11 tuổi. Trong thư cô bé nói khuôn mặt của ông không mấy đẹp trai, nếu để râu “trông sẽ hay hơn”. Không ngờ ông nghe theo lời khuyên ấy, để ria mép và râu càm. Có lẽ nhờ thế, mà ông đã đắc cử!

Ở Đức, hoàng đế Wilhelm II (1859 – 1941) đã lỡ thiêu rụi hàng ria mép do bất cẩn khi hút thuốc. Thấy thế hoàng hậu an ủi: “Thế này trong thấy hợp với khuôn mặt của hoàng thượng hơn”.

Vào thời Bắc Tống, Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất và Thái Quân Mạc, được gọi là “Tống Tứ Gia”. Trong số đó, nhà thư pháp Thái Quân Mạc là người có bộ râu tuyệt đẹp. Vì thế, một hôm vua Tống Nhân Tông hỏi: “Râu khanh đẹp nổi tiếng. Buổi tối khi ngủ, khanh để râu trong chăn hay ngoài chăn?”. Vì quá bất ngờ, ông không trả lời được. Đêm đó, khi đi ngủ ông bỗng nhớ câu hỏi của vua, nên có lúc ông cho râu đắp chăn, có lúc bỏ ra ngoài. Suy nghĩ mãi ông không biết để hàm râu như thế nào và suốt đêm không ngủ vì cứ mãi để ra… để vào!

Có lẽ vào thời Tam Quốc là xuất hiện nhiều bộ râu đẹp nhất, như của Trương Phi, Lưu Bị, Khổng Minh, Hứa Chữ,… Trong số đó, Quan Công nổi tiếng nhất với ”bộ râu 5 chòm” và được các nhà viết sử xưng tụng là “ngũ liễu tu”. Cũng khó có thể quên bộ râu màu đỏ tía của Tôn Quyền, được tán dương: “Nhiều anh hùng có chòm râu đẹp. Nhưng cao quý nhất thiên hạ là bộ râu đỏ tía đặc biệt của Tôn Quyền”.

Vui nhất, trong trận Đồng Quan, Tào Tháo thua, bỏ chạy. Các tướng Mã Siêu, Bàng Đức, Mã Đại dẫn kỵ binh xông vào quyết bắt sống Tào Tháo. Giữa đám loạn quân, Tào Tháo nghe tiếng hô vang dội: “Thằng mặc áo bào đỏ chính là Tào Tháo!”. Tào Tháo vội vứt áo bào. Lại nghe tiếng hô: “Thằng râu dài chính là Tào Tháo!”. Tào Tháo lật đật cầm gươm cắt trụi cả râu. Có người biết, mật báo với Mã Siêu, cho quân hô lên: “Thằng nào trụi râu đó là Tào Tháo!”. Luống cuống không biết phải làm sao, Tào Tháo xé ngang miếng vải cờ, quấn kín càm chạy trốn. Có râu cũng Tào Tháo, không râu cũng Tào Tháo! Thật là thú vị.

ThS Nguyễn Hiếu Tín cũng để râu trong những ngày giãn cách này

Đến ngày nay, đàn ông trên hành tinh này mới ít người để râu ria, và loài người mới bắt đầu bàn tán, đưa ra nhiều lý thuyết về râu. Các vị giáo sư khoa tâm lý học ở Đại học Michigan, sau khi nghiên cứu tâm lý những sinh viên trẻ tuổi để râu ria, đi đến kết luận: “Những người trẻ tuổi để râu ria thường là những người có nỗi bất mãn tiềm ẩn với gia đình, xã hội. Họ không ra mặt chống đối nhưng phản ứng bằng cách để râu…”. Cũng có thuyết cho rằng, người để nhiều râu, khi liên tục hít thở phải không khí bị ô nhiễm dễ tự làm hại hai lá phổi không khác gì người nghiện thuốc lá,…

Còn hiện tại, ở đây và ngay bây giờ, với thời gian giãn cách và ở yên chống dịch, dù muốn hay không một số “nam nhi” cũng phải miễn cưỡng để râu, bất đắc dĩ, chỉ đơn giản vì hết dao cạo! Hoặc tâm trạng lo âu cho cơn đại dịch, dẫn đến: “Rầu rĩ râu ria ra rậm rạp/ Rờ răng răng rụng/ Rờ rún, rún rung rinh”. Thiết nghĩ, sự “mọc râu tự nhiên” cho đấng nam nhi trong giai đoạn này cũng là một dấu ấn kỷ niệm, được khắc ghi cho mùa Covid 2021!

ThS Nguyễn Hiếu Tín
Trưởng bộ môn Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch)
– Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Bảo Trầm – Đơn vị đồng hành cuộc thi “Chuyện tử tế mùa Covid-19” đang diễn ra trên Mây Thong Dong
Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!