(MTD) Đây là tựa đề bài viết của TS.Trương Văn Vinh, Phó trưởng Khoa Lâm Nghiệp, Đại học Nông Lâm TP.HCM, Cố vấn chuyên môn của chương trình Hạnh Phúc Xanh, trước thực trạng những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn “biến mất”, gây nên nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng hiện nay.
Mây Thong Dong xin được trích dẫn nguyên văn lời của TS.Trương Văn Vinh viết đăng trên fanpage Hạnh Phúc Xanh – một chương trình hành động của Sống Foundation, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy lối sống hài hòa, kết nối với tự nhiên, như sau:
“Mưa lớn ở đầu nguồn ít có khả năng gây ra lũ lụt ở vùng hạ lưu nếu những diện tích rừng đầu nguồn được quản lý và sử dụng một cách hiệu quả. Việc mất đi những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn sẽ dẫn đến nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng, phá huỷ đất đai, tài sản và đặc biệt là nguy hiểm đến tính mạng con người.
Một khu rừng mưa nhiệt đới cần đến hàng trăm năm để đạt tới trạng thái ổn định, lúc này cấu trúc của rừng là đa tầng tán với nhiều loài cây đan xen, cùng với lớp thực bì và thảm mục dày. Hệ rễ cũng phát triển thành một mạng lưới chằng chịt, đâm sâu xuống lòng đất, bám chặt lấy đất, giúp cây đứng vững, cố định đất và giữ cho đất không bị rửa trôi, sạt ở.
Khi mưa, đối với một khu vực có rừng, lượng mưa được giữ lại phần lớn bởi tán cây, cành, thân, thảm thực bì và thảm mục bên dưới tán rừng. Riêng tán cây giữ lại 27,3% tổng lượng mưa và lượng nước này sẽ bốc hơi trở lại khí quyển. Lượng nước mưa còn lại sau khi xuyên qua tán rừng được lớp thực bì, thảm mục giữ lại và thấm sâu vào lòng đất tạo nên nguồn nước dự trữ cho cây. Đặc biệt nguồn nước này sẽ tạo nên các mạch và mực nước ngầm dự trữ vào mùa khô. Lượng nước này một phần sẽ được cây hút lại, rồi thoát vào khí quyển thông qua quá trình quang hợp và thoát hơi nước từ lá; phần còn lại sẽ chảy ra các khe suối, rồi đổ về các sông lớn. Do đó, khi diện tích rừng tại một lưu vực nào bị mất đi đồng nghĩa với việc chúng ta đất mất đi vai trò trữ nước to lớn của rừng và chúng ta đang tự đánh mất nguồn nước ngọt vô giá vào mùa khô.
Theo một số kết quả nghiên cứu, lượng nước mưa chảy ra khỏi khu rừng từ 3% đến 34% tuỳ thuộc vào các kiểu rừng và địa hình ở khu vực. Rừng cây lá kim có khả năng giữ lượng nước mưa cao hơn 10% so với rừng cây lá rộng. Điều này được giải thích do hình thái tán cây, thân cây và đặc biệt là lớp thảm mục bên dưới tán rừng cây lá kim thường dày hơn do tốc độ phân huỷ chậm so với rừng cây lá rộng. Như vậy, với lượng mưa tại một thời điểm nào đó là 400mm, thì lượng nước chảy ra khỏi rừng chỉ từ 120 m3 đến 1.360 m3 nước/ha thay vì không có rừng là khoảng 4.000 m3 nước/ha (tương đương lượng nước trung bình của người Việt Nam 4.200 m3/người).
Việc mất đi diện tích rừng tự nhiên hoặc thay thế bằng những diện tích rừng trồng đơn loài có chu kỳ kinh doanh ngắn như cây Keo (Acacia sp) ở những khu vực có địa hình dốc, khu vực phòng hộ xung yếu đầu nguồn đã làm cho tình trạng sạt lở, lũ lụt xảy ra ngày một nghiêm trọng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một cực đoan. Do đó, để bảo vệ nguồn nước, tài sản và tính mạng con người trước những hiểm hoạ của thiên nhiên, chúng ta cần chung tay thúc đấy việc quản lý, bảo vệ và trồng mới những loài cây bản địa nhằm từng bước nâng cao năng lực phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học.
Hãy chung sống hoà hợp với thiên nhiên để được Mẹ thiên nhiên chở che và bảo vệ. Hãy nương tựa vào thiên nhiên để sống! Đừng bao giờ nghĩ rừng là tài nguyên vô tận để khai thác, mà trước hết, cần đến với rừng bằng tâm thế tương sinh”.
Nguồn: Hạnh phúc xanh
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn