(MTD) Cuối năm 2016, một nhóm các nhiếp ảnh gia đã ghi lại được cảnh tượng độc đáo, tuyệt đẹp khi hàng nghìn con tôm biển phát sáng màu xanh trên bờ biển ở Okayama, Nhật Bản.
Tôm phát quang có tên khoa học là Vargula Hilgendorfii, thuộc loài giáp xác biển trong họ Cypridinidae. Tôm biển phát quang bơi xung quanh bờ biển mỗi khi thủy triều lên hoặc rút, để tìm kiếm thức ăn. Nguồn thức ăn của chúng là cá chết và sâu bọ.
Loài tôm này phát quang nhờ phản ứng giữa enzym luciferase, chất đạm luciferin và phân tử oxy. Những hợp chất này khiến chúng phát ra ánh sáng màu xanh dương trong khoảng 20-30 phút. Chúng bé tý hon, chỉ dài 3mm, với lớp giáp hình tròn trơn nhẵn, trong suốt, cùng phần nhô ra giống như chiếc mỏ ở phía trước.
Vào ban đêm, tôm phát quang thường thắp sáng khu vực biển Seto, vùng nước nằm giữa các đảo Honshu, Shikoku và Kyushu của Nhật Bản. Tuy nhiên, vào ban ngày thì đom đóm biển phát ra ánh sáng màu đỏ. Chính chúng cùng với những loài tảo biển khác là nguyên nhân tạo ra hiện tượng “thủy triều đỏ” khá quen thuộc
Những ngư dân địa phương vùng biển quen gọi chúng với cái tên “umihotaru”, trong tiếng Nhật có nghĩa là đom đóm biển, bởi trong màn đêm với bãi cát vàng, những con tôm phát quang di chuyển hệt như đom đóm.
Hai nhiếp ảnh gia là Trevor Williams và Jonathan Galione là những người đã chụp cảnh tôm phát quang trong loạt ảnh mang tên “Lệ đá” vào tháng 8-2016, theo Mother Nature Network đưa tin.
Họ cho biết, tôm phát quang sống trong cát ở vùng nước nông nên có thể thường xuyên bắt gặp chúng dạt lên bờ. Nhưng để có số lượng lớn như trong ảnh, họ đã phải bắt chúng. Họ dùng những chiếc bình thủy tinh để bắt tôm, sau đó đổ lên bãi đá để chúng phát sáng trong khi bơi ra biển.
Trí Dũng tổng hợp (Ảnh: Tdub Photo)
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn