Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

TP.HCM có đợt kiểm tra khẩn sau vụ rau củ “dán nhãn” VietGap

Ảnh: Tuổi Trẻ Online

(MTD) Sau sự việc “Phanh phui rau VietGAP dỏm” của Báo Tuổi Trẻ, phản ánh tình trạng rau củ không rõ nguồn gốc dán nhãn “rau sạch” với mức giá cao, tràn lan trong siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng, Cục quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã có công văn khẩn.

Công văn khẩn được ban hành ngày 21-9 yêu cầu rõ đến các Đội QLTT trực thuộc rà soát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Cục trưởng yêu cầu người đứng đầu, người được giao quản lý các đội khẩn trương thực hiện rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện, phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là lực lượng của Ban Quản lý an toàn thực phẩm.

Trong đó, nhấn mạnh cần tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác theo đúng quy định.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tại buổi họp báo

Đây được coi là động thái tích cực của chính quyền thành phố sau phản ánh của báo chí những ngày qua, góp phần ngăn chặn và tẩy chay hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Không chỉ có nguy cơ gây hại đến sức khỏe người dùng, việc làm này còn là sự lừa dối người tiêu dùng khi nhiều người dân đã phải chấp nhận trả giá cao để mua “rau an toàn” và “đạt chuẩn VietGAP” tại các siêu thị, song thực tế đó lại là rau ở chợ đầu mối được dán nhãn VietGap mà một số công ty đi gom, sau đó bán lại cho siêu thị.

Đến nay, từ loạt bài phản ánh của Báo Tuổi Trẻ, đã có ít nhất 4 hệ thống gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trang thương mại điện tử, để “lọt lưới” bày bán rau quả dán nhãn “VietGAP dỏm”, đã ngừng kinh doanh và thu hồi toàn bộ “rau sạch giả” này:

  • Bách Hóa Xanh: Mặt hàng Nấm có xuất xứ Trung Quốc, nhập từ Công ty CP Sản xuất thương mại Đông A (TP.Thủ Đức, TP.HCM).
  • WinCommerce với chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng tiện ích/siêu thị mini Winmart+: Mặt hàng nông sản Đà Lạt nhập từ Viager – Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi, còn gọi là Trình Nhi Foods hay TNFoods.
  • 3 Sạch: Mặt hàng nông sản nhập từ Viager – Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi, còn gọi là Trình Nhi Foods hay TNFoods; Mặt hàng nông sản nhập từ Công ty TNHH nông sản sạch Hugofarm.
  • TikiNGON (thuộc sàn thương mại điện tử Tiki): Mặt hàng nông sản nhập từ Viager – Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi, còn gọi là Trình Nhi Foods hay TNFoods.

Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi tiền thân là cơ sở Trình Nhi được thành lập từ năm 2003, với người đại diện pháp luật là ông Lê Quang Thành Liêm. Trụ sở chính hiện đặt tại số 282A Phan Đình Phùng, phường 2, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Còn thông tin về địa chỉ nhà máy trên bao bì sản phẩm Báo Tuổi Trẻ ghi nhận là lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Trong khi đó, Công ty TNHH Nông sản sạch Hugofarm được thành lập cuối năm 2019, theo giấy phép đăng ký kinh doanh. Địa chỉ trụ sở chính của công ty tại số 205 ấp Bình Phú, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Người đại diện pháp luật là ông Trần Quốc Thịnh.

Ngày 20-9, trao đổi với báo chí, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM – bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết đang cùng lãnh đạo Sở Công Thương thành phố, khẩn trương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra về vấn đề này.

Trí Dũng (ảnh: TTO)

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Thương hiệu trà Việt nổi tiếng (https://songhytra.com/)
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!