(MTD) Trong xuyên suốt đường đời ai trong chúng ta cũng phải trải qua nhiều trường hợp đau buồn.
Đau buồn có thể do hoàn cảnh, mối quan hệ, hoặc thậm chí là do lạm dụng chất kích thích. Tụi trẻ con có thể đau buồn khi ba mẹ ly chúng ly hôn, một người vợ có thể đau buồn về cái chết của chồng, một thiếu niên có thể đau buồn về sự kết thúc của một mối quan hệ, hoặc có thể bạn nhận được tin tức bệnh tình của mình đang trong giai đoạn cuối và khắc khoải đau đớn trước cái chết đang chực chờ mình.
Năm 1969, trong quyển sách “On death and dying” của mình, Bác sĩ tâm thần người Mỹ gốc Thụy Sĩ, Elisabeth Kübler-Ross, đã mô tả năm giai đoạn phổ biến của trải nghiệm đau buồn, thường được gọi là DABDA. Chúng bao gồm:
Denial: Chối bỏ
Anger: Giận dữ
Bargaining: Mặc cả
Depression: Trầm cảm
Acceptance: Chấp nhận
Chối bỏ
Chối bỏ là giai đoạn ban đầu có thể giúp bạn sống sót sau mất mát. Bạn có thể nghĩ rằng cuộc sống không có ý nghĩa và quá tải. Bạn bắt đầu phủ nhận tin tức và thực tế là “tê liệt”. Trong giai đoạn này, bạn thường tự hỏi cuộc sống sẽ tiếp tục như thế nào trong trạng thái khác biệt này – bạn rơi vào trạng thái sốc vì cuộc sống mà bạn đang sống đã bất thình lình thay đổi.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc một căn bệnh chết người, bạn có thể tin rằng tin tức là không chính xác – một sai lầm chắc chắn đã xảy ra ở đâu đó trong phòng thí nghiệm – họ đã lầm máu của bạn với người khác.
Nếu bạn nhận được tin về cái chết của một người thân yêu, có lẽ bạn bám vào một hy vọng hão huyền rằng họ đã xác định nhầm người. Trong giai đoạn chối bỏ, bạn không sống trong “thực tại thực tế”, đúng hơn, bạn đang sống trong một thực tế “thích hợp hơn” của riêng bạn. Điều thú vị là chính sự chối bỏ và sốc giúp bạn đương đầu và sống sót sau sự kiện đau buồn. Sự chối bỏ giúp xoa dịu cảm giác đau buồn của bạn.
Thay vì trở nên hoàn toàn ngập chìm trong đau buồn, chúng ta phủ nhận nó, không chấp nhận nó và tránh tác động hoàn toàn của nó lên chúng ta cùng một lúc. Hãy coi đó là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể bạn. Một khi sự phủ nhận và sốc bắt đầu giảm đi, quá trình chữa lành sẽ bắt đầu. Tại thời điểm này, những cảm xúc mà bạn đã từng kìm nén dần bộc lộ ra ngoài.
Giận dữ
Một khi bạn bắt đầu sống trong thực tại “thực sự” một lần nữa chứ không phải thực tế “thích hợp hơn”, sự giận dữ có thể bắt đầu xuất hiện.
Đây là giai đoạn phổ biến để suy nghĩ “tại sao lại là tôi?” và “cuộc sống không công bằng”! Bạn có thể đổ lỗi cho người khác về nguyên nhân khiến bạn đau buồn và cũng có thể chuyển sự tức giận của bạn sang bạn thân và gia đình. Bạn cảm thấy không thể hiểu nổi làm thế nào mà chuyện như thế này lại có thể xảy ra với bạn. Nếu bạn có đức tin mạnh mẽ, bạn có thể bắt đầu đặt câu hỏi về niềm tin của mình vào các đấng thiêng liêng. “Thượng đế ở đâu? Tại sao Ngài ấy không bảo vệ tôi?”
Các nhà nghiên cứu và các chuyên gia sức khỏe tâm thần đồng ý rằng cơn giận dữ này là một giai đoạn đau buồn cần thiết và khuyến khích bày tỏ cơn giận. Điều quan trọng là bạn phải thực sự cảm nhận được cơn tức giận. Người ta cho rằng mặc dù bạn có vẻ như đang ở trong một chu kỳ tức giận vô tận, nhưng cơn giận dữ sẽ tan biến – và bạn càng thực sự cảm thấy cơn giận dữ thì cơn giận đó sẽ tan biến nhanh chóng và bạn sẽ nhanh chóng chữa lành hơn.
Việc kìm nén cảm xúc tức giận của bạn không tốt cho sức khỏe – vì tức giận là một phản ứng tự nhiên – và được cho là cần thiết. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường được yêu cầu kiềm chế, kiểm soát sự tức giận của mình đối với các tình huống và đối với người khác.
Khi bạn trải qua một sự kiện đau buồn, bạn có thể cảm thấy mất kết nối với thực tế. Cuộc sống của bạn đã tan vỡ và không có gì vững chắc để bám trụ. Hãy coi sự tức giận như một sức mạnh để ràng buộc bạn với thực tế. Bạn có thể cảm thấy bị bỏ rơi trong một sự kiện đau buồn. Đó là khi không có ai ở cùng. Bạn chỉ có một mình trong thế giới này. Sự tức giận đối với điều gì đó hoặc ai đó có thể là cầu nối bạn trở lại thực tại và kết nối bạn với mọi người một lần nữa. Nó là một “điều tất yếu”. Đó là điều mà bạn cần nắm bắt – “một bước tự nhiên trong tiến trình chữa lành”!
Mặc cả
Khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra, bạn đã bao giờ bắt gặp mình phải “giao kèo” với các Đấng thiêng liêng trong đức tin của mình chưa? “Laỵ Phật, nếu Ngài chữa lành cho chồng con, con sẽ ăn chay một năm, con sẽ cố gắng trở thành người vợ tốt nhất mà con có thể, và không bao giờ khẩu nghiệp nữa”. Đây là mặc cả.
Theo một cách nào đó, giai đoạn này là giai đoạn của những hy vọng hão huyền. Bạn có thể tự tin một cách sai lầm rằng bạn có thể tránh được nỗi đau thông qua một kiểu thương lượng như vậy. Nếu các Ngài thay đổi điều này, bạn sẽ thay đổi một điều gì đó để đáp lại. Bạn đang rất mong muốn cuộc sống của mình trở lại như trước khi xảy ra sự kiện đau buồn, bạn sẵn sàng thực hiện một sự thay đổi lớn trong cuộc sống với nỗ lực hướng tới sự bình thường.
Bên cạnh đó, cảm giác tội lỗi là một phản ứng mặc cả thông thường của con người. Đây là lúc bạn phải chịu đựng những câu nói “điều gì sẽ xảy ra nếu”. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi rời khỏi nhà sớm hơn 5 phút – tai nạn sẽ không bao giờ xảy ra. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi khuyến khích anh ấy đi khám sáu tháng trước như tôi nghĩ đầu tiên – bệnh ung thư có thể được phát hiện sớm hơn và anh ấy có thể đã được cứu.
Trầm cảm
Trầm cảm là một dạng đau buồn thường được chấp nhận. Trên thực tế, hầu hết mọi người liên kết trầm cảm ngay lập tức với đau buồn – vì nó là một cảm xúc của “hiện tại”. Nó đại diện cho sự trống rỗng mà chúng ta thực sự cảm thấy khi chúng ta đang sống trong thực tế và nhận ra người hoặc hoàn cảnh đã biến mất hoặc kết thúc. Trong giai đoạn này, bạn có thể thu rút khỏi cuộc sống, cảm thấy tê liệt, sống trong ủ dột và không muốn ra khỏi giường. Thế giới dường như quá nhiều thứ đớn đau và trở nên quá tải đối với bạn. Bạn không muốn ở bên người khác, không muốn nói chuyện với ai và để bạn trải qua cảm giác vô vọng. Bạn thậm chí có thể có những suy nghĩ tự tử.
Chấp nhận
Giai đoạn cuối cùng của sự đau buồn được bác sĩ Kübler-Ross mô tả là sự chấp nhận. Không phải theo nghĩa “chồng tôi chết thì không sao” mà là “chồng tôi chết, nhưng tôi sẽ sống tiếp cuộc đời của mình”.
Trong giai đoạn này, cảm xúc của bạn có thể bắt đầu ổn định. Bạn có khả năng trở về với thực tế. Bạn chấp nhận thực tế rằng thực tế “mới” là người bạn đời của bạn sẽ không bao giờ quay trở lại – hoặc bạn sẽ không chống chọi nổi với bệnh tật và cái chết là điều tất yếu – và bạn cảm thấy không sao với điều đó. Tất cả những biến cố, mất mát, đau buồn không phải là những điều “tốt” nhưng đó là điều bạn có thể sống cùng với chúng. Đó chắc chắn là thời điểm thích ứng và tái thích ứng. Có những ngày tốt, có những ngày xấu, và sau đó lại có những ngày tốt.
Trong giai đoạn này, không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ có một ngày tồi tệ nữa – khi bạn buồn bã một cách không kiểm soát được. Tuy nhiên, những ngày tốt đẹp có xu hướng nhiều hơn những ngày tồi tệ. Trong giai đoạn này, bạn có thể thoát khỏi màn sương mù ủ dột của mình, bạn bắt đầu tương tác với bạn bè trở lại, và thậm chí có thể tạo dựng và vun đắp những mối quan hệ mới. Bạn hiểu rằng người thân yêu của bạn không bao giờ có thể bị thay thế, nhưng bạn “trưởng thành” và khám phá nhiều điều mới và đem chúng vào thực tế mới của mình.
ThS Tâm lý Nguyễn Bảo Ân
(Tâm lý gia – Let go Dear)