(MTD) Số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) 2020 cảnh báo, tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 quốc gia và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm.
Theo báo cáo, có 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam trong năm 2020: ung thư gan chiếm tỉ lệ cao nhất (14,5%), kế đến là ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%). Số ca mắc mới tính từ năm 2018 là 165.000 ca đã tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020.
Các chuyên gia y tế cho rằng, dịch Covid-19 là một trong các tác nhân chính khiến nhiều bệnh nhân ung thư rơi vào tình trạng nặng hơn do các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội, phong tỏa, sụt giảm về kinh tế…
Riêng đối với bệnh ung thư gan, theo TS.Trần Tuấn Thành, thuộc đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm gan B cao.
Ước tính những năm gần đây Việt Nam có 12-16% dân số nhiễm HBV (virus viêm gan B), trong đó Hà Nội và TP.HCM chiếm khoảng 10-14% tỉ lệ nhiễm, một số vùng nông thôn có tỉ lệ nhiễm cao lên đến 18 – 20%. Dự đoán đến năm 2025, Việt Nam có 60.000 bệnh nhân xơ gan, 25.000 bệnh nhân ung thư gan và 40.000 trường hợp tử vong.
Để hạn chế được căn bệnh ung thư, chúng ta phải xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, các thực phẩm hun khói, duy trì cân nặng hợp lý, ăn nhiều rau quả xanh, xây dựng thói quen khám sức khỏe tầm soát định kỳ nhằm phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.
Người dân chú ý đến việc ăn uống điều độ, đầy đủ các thành phần như đạm, chất xơ, đường, mỡ, vitamim, giảm stress… Lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch, tránh các thực phẩm ngâm với hóa chất vì khi sử dụng lâu dần sẽ làm tăng nguy cơ ung thư. Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh ung thư nhất, tiếp đến là rượu, bia.
Việc khám sức khỏe định kỳ (tầm soát sức khỏe) cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm phòng chống ung thư. Tuy nhiên, đến nay ngành y tế Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tầm soát sức khỏe hoặc khuyến cáo rõ ràng về độ tuổi, giai đoạn tầm soát.
Chi phí để tầm soát sức khỏe định kỳ phần lớn tại các cơ sở y tế tối thiểu là 1 triệu đồng, mức chi phí khoảng 2-3 triệu đồng là người dân có thể tầm soát phát hiện sớm những loại bệnh cơ bản. Sau đó tùy theo kết quả khám tầm soát và điều kiện mà người bệnh sẽ được tầm soát theo yêu cầu khám kỹ hơn để tìm ra các bệnh lý, điều trị kịp thời.
Trí Dũng tổng hợp
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn