Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers bày tỏ đau buồn và quan ngại sâu sắc vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong ở TP HCM.
“Đáng buồn là phần lớn các vụ xâm hại trẻ em đều do những người mà các em quen biết và tin tưởng gây ra”, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers ra tuyên bố trên trang web hôm nay, đề cập vụ bé gái 8 tuổi ở TP HCM bị vợ sắp cưới của bố bạo hành tới tử vong.
Bà Flowers nhận định các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian giãn cách vì Covid-19, báo hiệu cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn.
“Việt Nam cần có hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em, hệ thống với các nhân viên công tác xã hội được đào tạo”, bà Flowers nói, đề cập tới lực lượng các nhân viên chuyên nghiệp có thể can thiệp, đáp ứng nhu cầu và bảo vệ trẻ nhỏ cùng phụ nữ.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh cần có thái độ “không khoan nhượng” với bạo lực trên toàn cộng đồng. Bà nêu ví dụ hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hay nghe tiếng khóc cần lập tức báo chính quyền, nhân viên y tế hay giáo viên khi nhận ra dấu hiệu bạo lực ở trẻ nhỏ cũng cần báo cáo ngay.
Bé gái 8 tuổi được đưa đi cấp cứu khi tim đã ngưng, trên người nhiều vết thương hôm 22-12. Nguyễn Võ Quỳnh Trang, nghi can đánh đập bé gái, hôm 28/12 bị bắt tạm giam hai tháng để điều tra hành vi Hành hạ người khác. Gia đình bé cũng đề nghị xử lý người bố vì cho rằng anh này cũng có trách nhiệm liên đới với cái chết của con.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã chỉ đạo Công an TP HCM điều tra, xử lý nghiêm cá nhân sai phạm. Lãnh đạo thành phố giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục theo dõi, phối hợp UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phổ biến pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, phòng chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, không để xảy ra sự việc bạo lực trẻ em.
Theo UNICEF, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam, với 68,4% trẻ em trong độ tuổi 1-14 cho biết từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.
Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cho biết tiếp nhận trung bình 30.000 cuộc gọi mỗi tháng. Tuy nhiên, trong năm 2021, trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách xã hội, trẻ em hầu hết ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000 – 50.000 mỗi tháng. Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện, xâm hại 2.008 trẻ em. Trong đó, 1.506 em bị xâm hại về tình dục. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân.
Theo VnExpress