(MTD) Trăng có ý nghĩa hơn cả tri âm, một mối lương duyên bền chặt với con người.
Trăng hòa đồng cùng cuộc sống của nhân sinh, trăng vật vã theo nhịp tát nước của nông phu ngoài đồng ruộng, trăng nô nức theo chân bọn trẻ mỗi dịp Trung thu về, trăng lãng du theo tiếng nhạc lời ca, trăng hào hùng theo hồn thiêng sông núi, trăng tỉnh thức vén màn đêm u tối, trăng trầm tư cùng với kiếp con người…
Nếu các nghệ nhân thi sĩ mượn ánh trăng để diễn tả cái diễm lệ của cảnh vật hiện tượng, thì các triết nhân hiền sĩ nhờ trăng nói hộ cái thật và ảo của nhân sinh. Với tính chất thực hư, sắc không, lúc đầy lúc khuyết, lung linh huyền ảo, trăng được khoát lên một chiếc áo mới trong tư duy triết học đó là hình ảnh biểu hiện của bản tâm con người.
Trong “Nguyệt dụ kinh” Đức Phật dạy: “Ta hãy học theo vầng trăng. Trăng không hề vướng mắc điều chi. Trăng có không gian vô tận, nên trăng tuyệt đẹp và thong dong”.
Ở đâu có nước là ở đó có trăng: “thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt”. Có lẽ, hình ảnh vầng trăng trong nước, là hình ảnh đẹp nhất của cõi nhân gian này. Đẹp là vì nó nửa hư – nửa thực, vì là dù khi nước bị khuấy động thì ánh trăng sẽ tan biến, nhưng điều đó không có nghĩa là trăng đã mất. Mỗi giọt mưa dù rất nhỏ nhưng nó vẫn phản ánh một vầng trăng. Trăng thì chỉ có một nhưng chiếu xuống biết bao nhiêu là bóng.
Ở cõi nhân sinh cũng vậy, đôi lúc chợt tỉnh ngộ, trở về sống chân tâm nhưng rồi lại bị vọng tâm lôi kéo, ấy thế chứ đâu phải chân tâm lại không còn. Khi nào nước hết động, nước trong thì lúc đó ánh trăng lại hiện lên. Tùy thuộc vào nước trong hay đục thì trăng sẽ tỏ hay mờ mà thôi: “Vỡ tan bóng hình/ Vầng trăng trong nước/ Vẫn còn nguyên sơ” (Chô shu).
Đức Phật cũng từng dạy: “Người ta nói trăng khuyết trăng đầy, nhưng trăng vẫn nguyên sơ, không hề tăng, không hề giảm”. Vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên, hình ảnh Nước-Trăng như mảnh gương chính, thường trở thành hình ảnh ẩn dụ trong văn hóa, triết học của phương Đông.
Thật là lý tưởng và hạnh phúc nếu được ngồi ngắm trăng sáng tỏ bên tách trà thơm nồng, ấm vị, đọc một quyển sách hay, thưởng thức một bức tranh đẹp,… mang tính thong dong tự tại giữa cuộc đời. Chợt ngộ ra rằng hạnh phúc đến tự tâm và thường bắt đầu từ những điều giản dị: “Bây giờ ta lại là ta/ với trăng, với gió, với trà, với thơ” (thơ Nguyệt Đình).
ThS.Nguyễn Hiếu Tín
(Trường ĐH Tôn Đức Thắng)