(MTD) Sài Gòn. Tháng Chạp. Và những buổi chiều se se lạnh. Phố giao mùa bằng cái nắng hanh vàng như rót mật lên hai hàng cây bên đường xanh xanh màu lá.
Thụt thò trong một con hẻm nhỏ, Người già xem lịch để canh đến ngày đặng lặt lá mai; rồi đợi 24, 25 tết thong dong chạy chiếc xe đạp ra công viên 23-9 lựa chậu bông vạn thọ về chưng cho đúng ý. Người trẻ ở xứ này ngộ lắm, chỉ mong công ty cho nghỉ sớm, để book lịch đi chơi Tết. Vậy là tết Sài gòn vắng hoe.
Cứ bắt đầu đến độ tháng 11 âm lịch, những người con xa xứ canh cánh tìm một chiếc vé để về quê ăn tết, chậm nhất cũng phải canh đúng chiều ba mươi để kịp có mặt ở nhà. Năm đó nếu làm ăn dư giả thì máy bay, ít tiền thì vé tàu, mà ít hơn nữa thì vé xe đò.
Trên những chuyến tàu xe ngày giáp tết, người người hối hả tay xách nách mang, có thể chỉ là tấm lịch treo tường, vài lạng trà sen, hay chục cây lạp xưởng béo ngậy… vậy mà ngồi giữ cẩn thận lắm nghen vì đó là chút quà quý để biếu cho bà con láng giềng sau bao năm xa cách.
Đám trẻ con, đứa lớn thì háo hức được về quê Cha lần đầu, đứa nhỏ thì ngồi khóc mèo nheo, cả khoang tàu rôm rả bằng những câu hỏi tình thân kiểu: “Năm ni thưởng tết khá hông bây?” hay “Chuẩn bị tết xong chưa chị?” bằng chất giọng đặc sệt miền Trung. Mới thấy thương chi mà thương lạ, cho đến bao giờ họ mới thoát khỏi cảnh vật lộn với cơm áo gạo tiền hằng ngày, để khi thấy thương cha nhớ mẹ thì về, chứ không phải đợi đến cuối năm mới dám gói ghém một chuyến ngược về với cố hương.
Tết quê. Là làn khói bếp làm cay cả mắt khi ngồi trông nồi bánh tét cho ngoại phía sau vườn. Là những giọt mồ hôi mằn mặn của mấy anh em chung tay sơn lại bức tường, dựng lại hàng rào cũ. Là sự háo hức của đám em thơ trong bộ đồ mới. Là bàn thờ gia tiên tơm tất nghi ngút hương khói với đủ loại bánh mứt. Là phong bao lì xì mừng tuổi ông bà, cha mẹ cùng câu chúc năm mới sức khỏe an lành. Hay đơn giản là nhành hoa mai nở vàng một góc sân; Là tiếng cười vui giòn tan của cô gái quê mười tám lướt trên những tia nắng đầu xuân.
Với tôi, tết là Mẹ. Mới đầu tháng chạp thôi mẹ đã gọi điện giục giã hỏi thăm “Bao giờ con về?”. Mà lạ, không chịu nói nhớ con à nghen, chỉ giả bộ hỏi có về không, đặng biết để chừa phần cho vài ba con gà mái tơ đãi bạn bè mấy ngày xuân.
Quanh năm, mẹ quen với sự vắng mặt của đàn trẻ con năm cũ. Giờ đàn trẻ của mẹ đã trưởng thành. Nhưng hễ cứ tết đến là mẹ vẫn đợi từng đứa một để cả nhà đông đủ quây quần bên mân cơm đêm giao thừa. Tết của mẹ phải có nồi thịt heo kho tàu; dưa món để ăn kèm với đòn bánh tét; Rồi nồi canh khổ qua dồn thịt cùng xoong thịt gà kho măng thơm phức. Không làm nhưng mẹ phải chạy đi mua cho bằng được mấy ổ bánh Tổ, và đương nhiên Tết của mẹ không thể thiếu mâm ngủ quả Cha mới hái sau vườn.
Mười năm thị thành, đôi khi ngoảnh lại thấy mình vô tâm quá, thoáng cái tóc mẹ cha đã thêm nhiều sợi bạc. Ngày tháng cứ mải miết đuổi nhau, một năm nữa sắp trôi qua. Xin tạm gác lại với bao buồn vui, được mất để mà về Nhà; về với chốn yêu thương dung dị; về để ủ mình trong mùi Tết đang đến ngoài kia…
Hàn Thiên
Bạn có chia sẻ hay ký ức gì về Tết, xin mời gửi bài về Mây Thong Dong. Chúng tôi mong được là nhịp cầu sẻ chia đó. Email: truyenthong@maythongdong.vn. Trân trọng!
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn