Trong nhà Phật, từ bi và trí tuệ phải đi đôi. Theo đó, nếu thương mà không hiểu sẽ thương sai, hành động do thương sai sẽ mang lại hệ lụy cho mình và đối tượng mình thương. Đối với thực hành phóng sinh cũng vậy: từ bi phải có trí tuệ!
Phóng sinh đúng: gieo nhân lành, phóng sinh sai: tạo nghiệp
Phóng sinh, xuất phát của việc làm này là tốt, thể hiện lòng từ bi, đức hiếu sinh của con người đối với muôn vật, nhất là những loài đang có nguy cơ bị giết hại, ăn thịt hoặc gặp tình huống nguy hiểm.
Phóng sinh, theo quan niệm của nhà Phật là cách để nuôi dưỡng tâm từ của mình với chúng sinh, cơ hội kết duyên lành với loài mình cứu giúp. Qua nhân lành kéo dài sự sống của loài khác đang gặp nguy khốn thì sức khỏe, thọ mạng của mình cũng được dài lâu. Đồng thời, đây cũng xem là cách gieo tạo phước lành để hồi hướng đến thân quyến, ông bà quá vãng được thoát khổ đau, sanh vào cõi an lành. Với ý nghĩa tốt đẹp và trong tinh thân nhân-quả (gieo nhân gì gặt quả nấy) ấy mà việc phóng sinh được xem là một trong những phương pháp thực hành để mang đến an vui, sức khỏe, thọ mạng, một phương tiện để gửi gắm lòng hiếu nghĩa đến ông bà, tổ tiên.
Tuy nhiên, phóng sinh nguyên thủy là cứu các sinh vật đang trong nguy khốn về sức khỏe, tính mạng đã bị biến tướng khi thực tập này trở thành phong trào. Có lẽ, việc bỏ ra một số tiền để mua chim cá phóng sinh khá dễ dàng, cho người ta cảm giác là người tốt và xem như một cách xóa nghiệp dữ, tạo nhân lành nên người người đua nhau phóng sinh sai cách.
Nói là sai cách, thể hiện trên một số phương diện. Thứ nhất, là đặt hàng sinh vật phóng sinh. Bằng cách này, từ thực tập phóng sinh đã sinh ra dịch vụ cung ứng sinh vật phóng sinh. Theo đó, chim, cá (và nhiều loài khác) bị bắt, nhốt lại rồi bán cho nhóm người thực hành phóng sinh. Vô tình, từ chỗ được tự do, được khỏe mạnh, các loài bị bắt, trở thành vật phóng sinh ấy thành nạn nhân, phải khổ sở trong bao, trong lồng, mua đi bán lại, bắt tới bắt lui cho đến chết. Ở đây, cần xem xét hành vi bắt chim cá, bán vật phóng sinh có vi phạm quy định liên quan đến bảo vệ môi trường không?
Thứ hai, là địa điểm phóng sinh. Có một sự mê tín ở chỗ: phải đến chùa phóng sinh (mua chim cá thả) thì mới có phước hoặc mới được Phật chứng giám. Có lẽ vì quan niệm này sinh ra chuyện, đi đến một số đình chùa lớn thường dễ dàng bắt gặp các dịch vụ bán chim, cá phóng sinh lổn nhổn. Nhìn những chiếc lồng chật chội nhốt hàng trăm chú chim sẻ chờ đợi để được mua phóng sinh, thật không khỏi đau lòng. Có nhiều chú chim không đủ sức khỏe đã chết ngay trong lồng, nhiều chú sau khi thả cũng bay không nổi và bị bắt lại sau đó, tiếp tục “quy trình” phục vụ phóng sinh. Còn ở một số chùa tọa lạc bên mé sông, dễ dàng nhìn thấy cá thả xong, phía dưới dòng nước vừa được thả, một nhóm người giăng lưới, chích điện chờ sẵn để đón lõng. Phóng sinh kiểu này bằng… mười sát sinh!
Thứ ba, là phóng sinh các loài ra môi trường không phù hợp. Ở đây, có thể thấy trên hai phương diện. Một là loài được phóng ra ấy có phù hợp sống trong vùng nước, vùng trời ấy không. Chẳng hạn, cá nuôi trong môi trường được “cung phụng” thức ăn công nghiệp, liệu ra môi trường tự nhiên có thể sống sót? Đó là chưa nói đến việc, chúng sống ở nước lợ, nước ngọt từ bé nhưng ra sông ra suối có khi sẽ không thể thích nghi và tử nạn không lâu sau khi phóng. Đau đớn hơn, trước đó còn bị gom lại trong nỗi hoang mang, sợ hãi để chờ được phóng sinh. Hai là, loài ấy vào môi trường tự nhiên có trở thành loài độc hại, phá vỡ môi trường vốn đang yên ổn của các loài khác. Đó là chưa nói, có người còn tự ý mua trăn, rắn độc để… phóng sinh. Dù đây là chuyện hi hữu nhưng không phải chưa từng xảy ra.
Thứ tư, hành vi phóng sinh không phù hợp. Trong đó, mọi người vẫn thi thoảng nhìn thấy một chú cá bị thả từ trên cầu cao xuống. Sau đó người phóng đã vứt luôn cả bao ni-lông đựng cá xuống sông hoặc bãi cát ven khu vực thả. Hình ảnh hậu phóng sinh kiểu này rất phản cảm cần phải được chấn chỉnh.
Hãy phóng sinh văn minh, hiểu biết
Phóng sinh có hiểu biết chính là trở lại ý nghĩa nguyên thủy của việc làm này. Khi phát hiện loài nào đang “ngàn cân treo sợi tóc”, trong khả năng mình cứu được thì dốc sức để cứu. Nhưng cũng có những lúc “lực bất tòng tâm”, thì đó chính là mình chưa đủ duyên để làm, hoặc vì loài ấy có nghiệp duyên riêng, phải trải qua “kiếp nạn” ấy.
Xét cho cùng, phóng sinh là vì có tình thương, vì nuôi dưỡng tâm từ bi. Nhưng cũng cần trí tuệ chiếu soi. Nếu hành động phóng sinh dẫn tới việc chúng sinh bị bắt, nhốt và phục vụ nhu cầu làm-người-từ-bi của ta thì điều này không còn phù hợp trong bối cảnh này nữa. Do vậy, không phải là có nên phóng sinh hay không mà là nên phóng sinh như thế nào.
Trả lời câu hỏi đó, phải trở lại chỗ, ta phóng sinh vì động cơ nào: vì dễ dàng có cảm giác là mình thánh thiện, chứng tỏ bản thân có lòng từ, để tham cầu những “quả lành” từ phóng sinh mà mình được bơm thổi trước đó, hay vì loài ấy đang cần ta giúp, vì môi trường đang cần loài nào đó để trở nên cân bằng, phong phú?
Để giải quyết câu chuyện phóng sinh đúng, ngoài ý thức tự thân mỗi người nhìn rõ sự thật qua quan sát hiện tượng phóng sinh tràn lan, hệ lụy, biến tướng mà điều chỉnh thì các ngành hữu quan, tổ chức có liên quan tới văn hóa này cần có khuyến cáo, quy định rõ ràng, tuyên truyền sâu rộng.
Thực tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tổng cục Thủy sản vài năm trước đã có văn bản ghi nhớ trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó, cũng đã có hướng dẫn, tuyên truyền phóng sinh đúng cách nhưng có lẽ chưa sâu rộng hoặc chưa đủ chuyển hóa thói quen “xưa làm nay bắt chước” này nên cứ mỗi mùa lễ tết quan trọng như Vu lan, Phật đản… lại rộ lên “tiếng kêu cứu” của chim cá chỉ vì con người muốn làm người tốt.
Phóng sinh trên bàn ăn
Tôi nghĩ đây là một trong những cách phóng sinh thiết thực mà những ai đủ duyên có thể phát nguyện để làm, đó chính là ăn chay. Khi ta ăn thực vật là chính thì các loài động vật theo đó sẽ không bị giết hại để phục vụ việc ăn của mình. Khi ta sống đơn giản ngay trong chuyện ăn mặc thì chắc loài cá sấu sẽ không bị lột da để phục vụ những món hàng xa xỉ cho ta, đơn cử vậy. Chuyện ăn chuyện mặc của mình càng “ít muốn biết đủ” ta sẽ càng đỡ gây áp lực lên các loài và người yếu thế, cũng như môi trường. Hiểu quy luật duyên sinh – cái này có cái kia có – ta sẽ biết điều chỉnh ý niệm (tham muốn) của mình, bớt tiêu thụ, từ đó bảo toàn và bảo an cho ta, cho mọi loài và trái đất xinh đẹp này.
Vi tế hơn, phóng sinh thực ra là phải giải phóng tham-sân-si trong mình để giải thoát thì ta sẽ trở lại thực tập để ý nghĩ, lời nói, việc làm của mình đầy thương yêu, có hiểu biết với mọi sự, mọi mối quan hệ hằng ngày, thay vì thực tập hình thức mỗi một vài ngày trong năm, biến phóng sinh thành sát sinh, hại vật như câu chuyện tranh cãi những ngày qua…
Lưu Đình Long
(Nguồn: báo Tuổi Trẻ)
- Xem bài từ báo Tuổi Trẻ tại đây
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà