Một buổi chiều lạ lùng, người Sài Gòn hối hả trước giờ thành phố phong tỏa. Ra rả trên các phương tiện truyền thông kêu gọi đừng gom hàng, đừng tích trữ, Sài Gòn chẳng bao giờ để ai đói. Nhưng âu cũng là tâm lý chung của mọi người bên trong tâm dịch. Đâu có ai biết trước, trong tích tắc khu phố mình bị giăng dây. Cũng đâu có ai dám chắc mình không bị bệnh, không là F1, F2.
Sài Gòn bôn ba mưu sinh mọi xóm nhỏ hẻm cùng. Thành phố này vốn lộng lẫy khi còn đang là trung tâm kinh tế, khi vẫn đang là chú bò sữa cho năng suất ngút ngàn. Giờ dịch bệnh lan, người Sài Gòn cũng vẫn phải sống, phải làm, phải gồng mình cho mục tiêu kép. Sài Gòn bao bận chỉ lo nỗi chung. Nay thấm đòn sau bao kì giãn cách, đến lúc phong thành, sợ đói và sợ thiếu thốn ngay chính trong gia đình mình, thiệt ra đó là niềm riêng.
Vậy nên đừng bêu họ trên mạng là vô tri, là mất ý thức, hay là dân sợ chết đói. Chúng ta đi qua nạn đói, đi qua nhiều khốn khó mới có một cuộc sống bình yên này. Chung tay đi qua mùa dịch mới là điều cần thiết nhất lúc này.
Sài Gòn rộng lớn, hoa cho người giàu, lệ cho người, cứ nói vậy là thiệt lòng chưa hiểu dân Sài Gòn. Mùa này chả hoa, cũng chẳng có lệ. Mùa này dân Sài Gòn tự khắc biết phải nương tựa vào nhau mà sống. Thôi kệ tất thảy, cứ để thành phố đi qua cơn dịch, dân Sài Gòn sẽ lại mạnh mẽ mà chăm chỉ kiếm tiền như con ong hút mật dâng đời.
Mùa này nhà giàu chia cho nhà nghèo, cứ chia nhau từng bao gạo 10kg, mớ cá khô, mớ rau củ. Phía sau sợi dây giăng là nụ cười và nước mắt của sự sẻ chia. Phía sau sợi dây giăng chắc chắn chẳng ai đói. Phía trước sợi dây giăng còn nhiều tấm lòng thảo thơm đang hối hả trước giờ phong thành. Họ hối hả bởi sợ đồng bào mình chẳng vững tâm mà chống dịch. Họ lo toan sợ sự vơ vét hàng hóa ngộ nhỡ gây ra tình trạng lây lan dịch. Họ lo nhiều thứ tủn mụn vụn vặt bằng cái tâm của người chung thành phố, chỉ mong cầu trên mảnh đất này, chẳng ai bị bỏ rơi, chẳng ai phải vì hoang mang lo lắng mà bươn chải ra ngoài để gây họa. Lo chung hay niềm riêng đều vì sự bình an của Sài Gòn.
Sài Gòn trước giờ phong thành, bạn bè lại nhắn nhau chuẩn bị 15 ngày đồng tâm hợp sức. Hàng hóa chi viện từ Ninh Thuận, Đà Nẵng, Phan Thiết sáng nay cập bến Sài Gòn và lan đi rất nhanh vào các khu đang cần thiết.
Từ Facebook chị Đinh Phương Thảo, cập nhật hàng hóa Phan Thiết sáng nay tấp nập gởi vào cho con em, bạn bè, người thân đang bám trụ Sài Gòn trong lúc phong thành.
Từ cô bạn Phương Huyền, gái Hải Phòng sinh sống và làm việc mấy chục năm trời ở Sài Gòn, gạo từ Đà Nẵng, cá khô Ninh Thuận nhanh và gọn được xếp lên bàn, vào bao sạch sẽ, gởi đến cho khu cách ly ở Tân Phú. Một cuộc hợp lực từ những người bạn. Một cuộc chung tay liên tỉnh thành. Từ đâu? Từ chữ thương Sài Gòn, thương những phận đời cố gắng ở lại cùng Sài Gòn thời khắc này.
Lệnh phong thành ban ra từ chiều 7-7, tức là mọi người có thể về quê, có thể tìm một nơi nó đó ổn hơn để tá túc, không nhất thiết phải ở lại Sài Gòn. Thế sao họ không đi? Mình tin chắc ngoại trừ họ nghèo, họ yếu thế, không có điều kiện hay muôn triệu lý do gì đó, thì cái lý do lớn nhất, là lòng họ vẫn một niềm tin với đất lành này. Họ từng rời bỏ làng quê, bản xứ để đến thị thành tìm cho mình một cuộc sống, có lẽ một lần gá phận như thế, đã khiến họ thương Sài Gòn mà chẳng rời bỏ dẫu thời khắc nguy nan này. Họ muốn ở lại, chọn ở lại vì họ vẫn biết Sài Gòn còn đó rất nhiều sự thảo thơm. Và nhanh thôi, Sài Gòn sẽ ổn.
Trên mảnh đất này, Bắc Trung Nam cùng về tựu nghĩa. Trên mảnh đất này, Á, Âu, Phi, Mỹ cũng tìm đến làm ăn. Rộng mở và hào hiệp. Sài Gòn đang đi vào tâm dịch, đang rất nhiều thị phi rối ren, nhưng mà thiệt lòng nói đó rồi thôi, giải thích cho hiểu rồi xong, Sài Gòn còn bao thứ để lo. Lo nhất là hổng để ai phải thiếu thốn khi phong thành. Vẫn dặn nhau cần gì thì í ới. Tỷ như bà chị gốc Bắc nhà chung cư cao cấp tẩn mẩn xếp hộp đồ ăn, dăm ba rau củ cho cậu em chỉ quen biết qua một nhóm văn chương trên mạng.
Hay như mấy chị nhà văn nhà thơ nữ Sài Gòn chung lòng quyên góp mấy tấn gạo cho khu cách ly, cho bếp ăn 0 đồng. Đấy cứ nghe mấy chuyện này, thì thấy hóa ra người ta dùng con chữ để xích lại gần nhau, để thương nhau hơn, để giúp người giúp đời! Thiệt, Sài Gòn thấy vậy chứ dễ thương quá chừng!
Vậy nên, mình cũng dùng vài chữ bé mọn mà mong mọi người cùng nhau lan tỏa một chữ thương. Đời mà, thương nhau để sống cùng nhau. Đừng dùng con chữ để làm đau nhau. Rồi thời gian sẽ qua, cái níu giữ đời nhau thật ra là chữ thương, việc nghĩa của thời khắc này. Sài Gòn chỉ cần vậy, thương được, chơi được thì sống được.
Chiều trước giờ phong thành, dân Sài Gòn vẫn hối hả để mà thương nhau.
Thương từ trong ruột thương ra
Thương từ ngã bảy ngã ba thương về.
Nhà văn Tống Phước Bảo