Nhân ngày Quốc tế người cao tuổi, ThS Nguyễn Hiếu Tín, Trưởng bộ môn Du lịch, giảng viên Khoa KHXH&NV – Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một người chuyên nghiên cứu văn hóa Việt trò chuyện về ứng xử với người lớn tuổi, đặc biệt là ba mẹ, ông bà dưới góc nhìn văn hóa, gia đình.
Anh Tín cho biết, có nhiều mối quan hệ với những bậc cao niên, sư phụ. “Thật sự, tôi học được rất nhiều từ những vị này, họ là những người thầy khả kính, dày dặn kinh nghiệm, có nhiều tri thức sống, trải nghiệm sâu sắc, nên đôi khi chỉ cần một câu nói ngắn gọn của họ, nhưng khiến mình được khai mở vấn đề hoặc những lời căn dặn, lời khuyên, dự báo rất chuẩn xác”, ThS Tín nói.
Theo anh Nguyễn Hiếu Tín, việc tiếp xúc được với những bậc cao niên, sẽ rút ngắn được khoảng thời gian học tập một cách nhanh nhất. “Ở người cao tuổi, có nhiều điều, người trẻ cần học hỏi: đức tính bao dung, sự cẩn trọng, tri thức thực tiễn, họ là những pho tự điển sống động, kho dữ liệu phong phú, đa dạng những trải nghiệm nhân sinh, những bài học về quy luật cuộc đời, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống”, ThS Tín bày tỏ.
Rút ngắn khoảng cách thế hệ
* Có điều gì ở người lớn tuổi cần điều chỉnh quan niệm để phù hợp hơn với thời hiện đại?
– Khi xã hội càng phát triển đòi hỏi các thế hệ có những thay đổi phù hợp cùng với nhịp sống của thời đại. Có thể xem người cao tuổi (thế hệ trước), người trẻ (thế hệ sau) và xã hội như 3 đại lượng của toán học. Nếu một trong 3 đại lượng này biến đổi không cùng chiều thì mối tương quan và kết quả sẽ không tương thích, dẫn đến xung đột, nên cần có sự cân bằng và điều chỉnh phù hợp. Muốn được điều này, thiết nghĩ cần rút ngắn khoảng cách thế hệ, nó đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía (người lớn tuổi và người trẻ).
Bởi lẽ, trong thời đại mới này, người trẻ càng có nhiều cơ hội tiếp cận với những tư tưởng, quan niệm mới, khác với thế hệ ông bà, điều này vô tình trở thành chất xúc tác làm cho khoảng cách thế hệ giữa các thành viên trong gia đình đã xa lại càng thêm xa! Trong bối cảnh này, người lớn tuổi buộc phải có khả năng thích ứng, phải làm quen với tư tưởng, trào lưu mới. Nơi đó có sự cảm thông, hiểu biết, rộng lượng và có năng lực ứng xử bằng một thái độ vô ngã, nên lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của người trẻ và ngược lại người trẻ cũng thường xuyên cởi mở, chia sẻ nhiều hơn với các bậc sinh thành, ông bà.
Người lớn tuổi thay đổi quan niệm từ quyền lực (làm chủ trong gia đình) sang cách đối thoại với người trẻ, xem họ như người bạn, có thể chia sẻ tâm tình và hướng dẫn chỉ bảo, gợi ý… Sự dung thông này, giúp người cao tuổi tạo nguồn an vui hạnh phúc và bớt được tủi phận cô đơn của những người thân nhất. Cách ứng xử đó, buộc tất cả các thế hệ nói chung phải có sự hiểu biết và cảm thông. Do đó, trong bất cứ tình huống nào cũng phải dung hòa, để ứng xử, có nhiều cơ hội để tiếp xúc. Văn hóa ứng xử cởi mở, tôn trọng, chia sẻ, thuyết phục hơn là áp đặt có lẽ là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách thế hệ, để những mâu thuẫn hay sự khác biệt trở thành những câu chuyện tâm tình giữa cha mẹ và con cái. Và cha mẹ, người lớn tuổi cũng phải học, học làm bạn, học đồng hành, lớn lên và trưởng thành cùng con cháu.
* Tất nhiên, người lớn tuổi cũng suy giảm sức khỏe, trí nhớ. Là con cái chúng ta cần và nên làm gì để giúp đỡ, chia sẻ?
– Sức khỏe giảm sút, trí nhớ kém đi, cách ứng xử sinh hoạt không còn được như trước, là một trong những biểu hiện về phương diện sinh học của những người lớn tuổi. Việc này, thường dẫn đến cảm giác bi quan, buồn nản, thậm chí mất đi động lực vui sống, dẫn đến những ảnh hưởng về thể chất. Hơn bao giờ hết, là con cái cần phải thấu hiểu tâm lý tuổi cao của cha mẹ, con cháu thường xuyên ở bên cạnh trò chuyện, động viên, tạo nguồn vui, giúp người lớn tuổi vui sống khỏe mạnh.
Mặt khác, con cái cũng cần sắp xếp thời gian, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, tổ chức chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, vận động khoa học hơn để duy trì tình trạng sức khỏe tốt nhất. Cần khuyến khích, tạo điều kiện cho người lớn thực hiện mong ước của mình hoặc dành thời gian tổ chức những chuyến đi gia đình, tạo sự gắn kết, niềm vui với tình thân.
Điều cần chú ý là bản chất sự cô đơn về văn hóa của người cao tuổi trong quan niệm khác biệt với thế hệ trẻ cũng là điều mà con cái cần quan tâm. Bởi cô đơn là kẻ thù của hạnh phúc, kẻ thù của người lớn tuổi. Do vậy, người trẻ, phận làm con cái tìm cách phóng thích nỗi cô đơn trong tâm khảm người cao tuổi, thiết lập, kết nối mối quan hệ bạn bè cho người cao tuổi, tìm các hội nhóm, câu lạc bộ, những người cùng sở thích, chí hướng thì trạng thái cô đơn sẽ giảm đáng kể.
* Vậy, trong vai trò của một người con, anh đã làm gì để ba mẹ mình được thảnh thơi tuổi già?
– Bản chất của tuổi già liên quan đến 2 yếu tố. Một là yếu tố vật lý, chịu sự chi phối của thời gian, liên quan đến môi trường và hoàn cảnh sống. Và hai là yếu tố tâm lý liên hệ đến thái độ, chất liệu, chất lượng cuộc sống. Trên cơ sở đó, giải quyết được 2 vấn đề này sẽ mang lại hạnh phúc cho tuổi già, và quyết định đến tuổi thọ của cha mẹ. Đó là cũng chính là cái già của “Thân” và “Tâm”. Cái già của thân được diễn ra theo quy trình thông thường “lão hóa tự nhiên”, là “hao mòn vật lý”. Điều này, đơn giản là chăm sóc sức khỏe, về đời sống vật chất cho cha mẹ.
Tuy nhiên, để cha mẹ thật sự thảnh thơi đó là trạng thái tinh thần – phần “Tâm” phải luôn được trau dồi. Bản thân mình tạo động lực cho cha mẹ luôn vui, hạnh phúc, an tâm bằng cách cố gắng sống tốt, làm việc trách nhiệm, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội. Chia sẻ với cha mẹ, theo quan điểm của Phật giáo có dạy: “Đừng bao giờ để thân thể này bị trù dập bởi dòng trạng thái cảm xúc không vui”, hãy luôn sống vui ở thì hiện tại “hiện tại lạc trú”: “An vui cùng hiện tại, Hạnh phúc mãi bên ta”. Đó là giá trị của thảnh thơi, giá trị của hạnh phúc tuổi già.
Hiểu để thương và chia sẻ
* Có nhiều trường hợp, con cái đi làm ở thành phố, rồi sinh sống tại đó luôn, sau đó đón rước ba mẹ lên. Điều này có thực sự tốt, nhất là khi “tách” ba mẹ lớn tuổi ra khỏi không gian sống quen thuộc…
– Xu hướng đón rước ba mẹ lên thành phố sinh sống cùng con cái khá phổ biến trong những năm gần đây. Có lẽ, do mức sống người dân đô thị ngày càng được cải thiện. Mặt khác, con cái cũng muốn bày tỏ tấm lòng hiếu đạo của mình, để được gần gũi cha mẹ nhiều hơn, đỡ lo khi sức khỏe cha mẹ ngày càng giảm sút. Tuy nhiên, điều này chưa phải cấp thiết, quan trọng tùy thuộc mỗi gia đình, cha mẹ có phù hợp/ thích hay không. Trong trường hợp này, con cái cần tìm hiểu và tôn trọng ý kiến cha mẹ, thay vì cha mẹ “miễn cưỡng” vì con. Bởi lẽ, thay đổi môi trường sống từ văn hóa nông thôn sáng văn hóa đô thị, khó hòa nhập.
Hơn nữa, nhu cầu giao tiếp với người quen hàng xóm của người cao tuổi là rất cao “bán anh em xa mua láng giềng gần”, những thói quen sinh hoạt sẽ thoải mái hơn ở đô thị ồn ào. Không ít người con sợ mang tiếng bất hiếu, để ba mẹ già ở quê nên cố gắng đón họ ở cùng mình. Nhưng thật sự, thiết nghĩ người con có hiếu là người luôn làm cha mẹ hài lòng.
Cha mẹ hài lòng thì sẽ sống vui và sống thọ chứ chưa hẳn cứ tạo ra cuộc sống đầy đủ tiện nghi là họ thích.
* Có câu, “trẻ cậy cha, già cậy con”, theo anh người lớn tuổi có nên trông cậy hoàn toàn vào con cái? Hiện có nhiều người cho rằng, nuôi con là trách nhiệm, không nên đặt gánh nặng chăm sóc khi về già lên vai con, theo đó người làm cha mẹ nên chuẩn bị cuộc sống cho mình khi về già một cách độc lập nhất có thể. Anh nghĩ sao về quan niệm này?
– Tục ngữ này, cũng như những tục ngữ liên quan khác như “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” cùng chỉ về mối quan hệ biện chứng giữa những thế hệ trong gia đình, nó là đạo lý của người, là một nét đẹp truyền thống của văn hóa gia đình, dòng họ.
Tuy nhiên, văn hóa luôn có thế động của nó, và luôn thích ứng với thời đại. Theo thời gian, những quan niệm sẽ có chút thay đổi dần, nhất là xu thế cá nhân hóa ngày càng phát triển, văn hóa gia đình ngày càng biến đổi, dẫn đến những quan niệm trước đây sẽ thay đổi. Tuy vậy, giá trị cốt lỗi vẫn là nền tảng vững chắc cho sự thay đổi này. Do vậy, “già cậy con”, theo nghĩa ngày nay có thể mở rộng hơn, không chỉ là việc nhờ vả con cái, mà là tất cả tốt đẹp là trông cậy vào con, vào thế hệ sau, để có thể nối tiếp truyền thống văn hóa gia đình, mang lại tiếng thơm cho gia tộc. Ở góc độ nào đó, giống như câu: “Con hơn cha là nhà có phúc”, để thấy được sự tiếp nối, ước vọng của gia đình và xã hội.
“Đối với người cao tuổi, có thể là cửa ngõ của hạnh phúc nếu biết hài lòng “thiểu dục tri túc” và “hiện tại lạc trú”. Bởi lẽ, giá trị an vui hạnh phúc điều gắn liền với thực tại của sự hiện hữu đó. Và với người trẻ, người cao tuổi là tài sản quý báu và là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống và nguồn tri thức vô tận có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ về sau. Vì vậy, các thế hệ con, cháu cần phải có sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc tinh thần cũng như phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi” – ThS Nguyễn Hiếu Tín
LƯU ĐÌNH LONG thực hiện
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn