Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Khi Giáo hội kỷ luật tu sĩ

Trong vòng nửa tháng, từ ngày 6 đến 19-6, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành hai quyết định kỷ luật đối với tu sĩ thuộc Giáo hội.

Đó là quyết định kỷ luật Đại đức Thích Nhuận Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Thượng tọa Thích Chân Quang, ở cùng địa phương với cùng hình thức nghiêm cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức, buộc gỡ các video thuyết giảng phản cảm, gây dư luận xấu đối với Phật giáo cũng như xã hội nói chung.

Thượng tọa Thích Chân Quang bị xử lý nặng hơn, với thời gian biệt chúng, sám hối, nghiêm cấm thuyết giảng gấp đôi thầy Nhuận Đức, cụ thể là 2 năm, vì tính chất ảnh hưởng rộng lớn, nghiêm trọng hơn.

Việc xử lý tu sĩ sai phạm nằm trong khuôn khổ quy định của Hiến chương Giáo hội cũng như Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phù hợp luật Phật nên dù hơi muộn so với mong muốn của số đông quần chúng nhưng đây vẫn được xem là động thái cần thiết của Giáo hội.

Tất nhiên, với người Phật tử và những ai yêu mến đạo Phật, đón nhận thông tin xử lý tu sĩ, nhất là vị thầy mình từng yêu mến, kính trọng sẽ luôn là nỗi buồn. Nhưng nhìn thoáng hơn, cũng có thể đây là một điều tất yếu trong tinh thần nhân-duyên-quả. Một người có những sai phạm, gây ảnh hưởng không tốt đối với cộng đồng, xã hội, chắc chắn sẽ (phải) bị điều chỉnh. Kỷ luật khi đó là một tiếng chuông nhắc nhở đương sự và cả những người khác, nhằm soi rọi lại mình trên mọi ứng xử, lối sống, để trở nên phù hợp nhất với vai trò mình đang nhận về, phát nguyện chọn lấy.

Có thể, đâu đó, vì quá bức xúc, có người vui mừng với các hình thức kỷ luật một cá nhân nào đó phạm lỗi lầm, phạm pháp, pháp luật, dù là pháp luật thế gian hay luật Phật, thiết nghĩ cũng là đương nhiên. Nhưng, với người học Phật, chắc chắn sẽ không dùng tâm lượng mừng vui này để đối ứng trong trường hợp này, dù hiểu, một cơ thể có ung nhọt hay một tâm hồn bị hư hỏng đều cần một cuộc đại phẫu để hoàn thiện.

Trong bất kỳ tổ chức nào cũng sẽ có người tốt và người chưa tốt, có người ít phạm lỗi và người phạm nhiều lỗi đến mức phải thi hành kỷ luật. Để ổn định tổ chức và nhân tâm, những quyết định kỷ luật, thanh lọc phải được ban hành, điều mà người đứng đầu nào cũng thấy khó khăn, cân nhắc. Ngay trong gia đình, chỉ một vài thành viên, đôi khi ông bố nghiêm khắc cũng phải ra quyết định xử phạt đứa con chưa tốt, không phải vì ghét bỏ mà đó vẫn là tình thương.

Vì thương Phật, đôi khi tín đồ nóng ruột cũng đã lên tiếng với những hành vi, phát ngôn, lối sống sai trái của tu sĩ. Nhưng, niềm tin vào Tam bảo, vào Phật giáo chắc chắn sẽ không vì bất kỳ lý do nào mà bị lui sụt. Đức Phật đã lường trước được việc này nên Ngài dạy, “y pháp bất bất y nhân”, đừng theo một vị thầy mà hãy học sâu giáo pháp, ứng dụng vào đời sống, công việc.

Một tu sĩ có thể sai nhưng cả một tổ chức sẽ luôn có những vị thánh tăng, hiền tăng đang nỗ lực phụng hiến cho cuộc đời, đáng để mình nương tựa tinh thần. Lịch sử hàng ngàn năm đã chứng minh, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, thăng trầm cùng đất nước. Thời chiến loạn, nhà sư có khi còn cởi áo cà-sa, khoác chiến bào. Thời bình, người tu sĩ, Phật tử chân chính dấn thân vào đời với phương châm tốt đạo, đẹp đời. Vì hiểu rõ lý duyên sinh nên người con Phật chọn lẽ sống hài hòa, từ con người, muôn loại đến môi trường, tất thảy đều biết ơn, yêu thương. “Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Lời dạy này đã được Tăng Ni, Phật tử ứng dụng vào công tác từ thiện xã hội, mỗi năm thực hiện “an sinh” trên nhiều mặt hoạt động: tặng quà, cứu trợ thiên tai, khám chữa bệnh cho người nghèo, góp vào các nguồn quỹ do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động…

Còn nhớ, đại dịch Covid-19, Tăng Ni, Phật tử không ngại nguy khó khoác áo blouse vào tâm dịch, tổ chức trao lương thực, thực phẩm cho những khu cách ly, vùng phong tỏa… Không những thế, trong nỗi khổ niềm đau chung của tha nhân, nhà Phật còn mang trọng trách “an dân” khi đưa giáo lý vô thường, vô ngã để ủi an những phận đời bi khổ khi họ mất mát người thân.

“Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Đó chính là tâm yêu thương có hiểu biết nên người con Phật uyển chuyển đem đạo vào đời. Đó cũng chính là tâm vững chãi, tin sâu vào nhân quả để dù có biến cố nào cũng không để mình chao đảo, đặc biệt không chông chênh lòng hướng thiện.

Trở lại với việc kỷ luật tu sĩ. Đó chỉ là một vài cá nhân trong số hàng chục ngàn tu sĩ Phật giáo sống thiện lành và đang chung sức xây dựng cuộc đời bằng lòng từ bi, trí tuệ của người học Phật. Do vậy, đâu đó, Tăng Ni, Phật tử lại nhắc nhở nhau sống đạo, thắp sáng đèn thiền để nối gót tiền nhân, theo Phật, sống thiện sống lành như tiên tổ ngàn năm…

LƯU ĐÌNH LONG
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!