(MTD) Không phải ngẫu nhiên, “Ngưu Lang – Chức Nữ” lại gặp nhau vào mùng 7 tháng 7 hằng năm, khiến cho ngày này được một số nước châu Á xem như là ngày Lễ Tình nhân của phương Đông.
Theo ghi chép của thư tịch xưa: “Ngày mồng 7 tháng 7 là ngày tốt” nên được dùng làm ngày lễ chúc mừng vụ mùa bội thu. Cũng có thuyết cho rằng đây là ngày các Thần Tiên trên Thiên Cung hội tụ: “Ngày mồng 7 tháng Bảy, Chức Nữ qua sông, chư Tiên về cung”.
Sách Hậu Hán cố sự có ghi chép rằng, Hán Vũ Đế gặp Tây Vương Mẫu 5 lần, mỗi lần đều vào ngày mồng 7 tháng 7. Và thời gian gặp gỡ của Ngưu Lang và Chức Nữ đã được đích thân Tây Vương Mẫu chỉ định là “ngày 7 tháng 7”, còn gọi là “Thất Tịch”.
Đó là chuyện của Chàng Ngưu – Chức Nữ, nhưng đối với nhiều dân tộc trên thế giới, con số 7 cũng có ý nghĩa đặc biệt, khá quan trọng trong thần thoại học và tôn giáo học.
Bảng thống kê con số 7 được các dân tộc trên thế giới sử dụng trong cuộc sống khó có thể kể hết. Nhiều tài liệu đã cho rằng, 2.550 năm trước, khi Đức Phật được sinh ra, ngay lập tức bước 7 bước, nở 7 tòa sen, rồi bỗng nhiên nói được. Khi Ngài lên 7 tuổi đã đắc sơ thiền. Và Ngài ngồi thiền dưới gốc cây bồ-đề 7 ngày 7 đêm.
Trong Thiên Chúa giáo, người ta quy định 7 tội và 7 bí tích. Người Hồi giáo xem nơi khai sáng cao cả là 7 bầu trời. Những huyền thoại nhiều ảo dị đó có liên quan gì đến 7 tầng địa ngục hay 7 tầng trời không?
Loài người cũng sớm nhận thức rằng có 7 tầng trời khác nhau, cùng với nó 7 sắc cầu vồng đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ. Nếu quang phổ ánh sáng cũng có 7 màu thì âm phổ cũng có 7 nốt (cung, thương, giốc, chủy, vũ, biến cung, biến thương). Vàng bạc châu báu cũng có “thất bảo” (vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, hổ phách, san hô). Và người xưa cũng có 7 thú chơi tao nhã (cầm, kỳ, thư, hoạ, thi, tửu, trà).
Số 7 còn bắt ta nghĩ đến tuần lễ có 7 ngày. Người La Mã cổ đại, hằng năm họ suy tôn 7 nhà thông thái và thành phố La Mã được xây dựng trên 7 quả đồi. Ở Trung Quốc quan niệm trên trời có “thất tinh” (7 sao), trong dân gian có 7 người hiền “Trúc lâm thất hiền”.
Theo quan niệm phương Đông, con người sinh ra ai cũng có “thất tình”, tức 7 trạng thái tình cảm (hỉ – nộ – ái – ố- lạc – ai – dục). Còn ở một nước phương Tây thì họ sùng bái 7 đức: thận trọng, kiên nghị, kiềm chế, công bằng, tin tưởng, hi vọng và yêu thương, cũng như chống lại 7 tội lỗi: ngạo mạn, nóng nảy, đố kỵ, sắc dục, tham lam, ăn tục, lười biếng.
Con số 7 đi theo con người trong muôn phận kiếp long đong của nó: “3 chìm, 7 nổi, 9 lênh đênh”. Sống là thế nhưng khi đến chết lại phải gọi 3 hồn 7 vía.
Người Việt lại cúng giỗ đầu người thân theo bội số 7 (7 x 7 = 49 ngày).
Trong các truyện cổ tích ta thường bắt gặp con số 7 bí ẩn: “Bạch Tuyết và 7 chú lùn”, “Đôi hia 7 dặm”, “Một đòn chết 7”, “7 viên ngọc rồng”… Liên quan đến con số 7 còn có những di tích lớn và nổi tiếng nhất về kiến trúc và nghệ thuật – đó là 7 kỳ quan thế giới. Tổ chức New7wonder đã bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới, rơi đúng vào thứ 7, ngày 7 tháng 7 năm 2007.
Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần, nên nỗi nhớ thương, khiến họ khóc tạo thành những cơn mưa Ngâu. Còn năm nay, dịch Covid lại ngăn cản, khiến cho những đôi lứa yêu nhau không được gặp mặt bởi giãn cách xã hội. Phải chăng vì vậy, nên mưa nhiều và nặng hạt hơn?
ThS Nguyễn Hiếu Tín
Trưởng bộ môn Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch)
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
- Liên hệ quảng cáo, viết bài PR trên Mây Thong Dong: truyenthong@maythongdong.vn